Trong quá trình bay, các phóng viên đã nhìn thấy 4 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa là bãi Subi, bãi Chữ Thập, bãi Gạc Ma và bãi Vành Khăn. Điều đáng nói, 3/4 bãi đá này đã bị Trung Quốc trái phép biến thành tiền đồn khi trang bị các hệ thống radar cỡ lớn, với sự xuất hiện của hàng loạt tòa nhà và các đường băng quân sự.
Phi hành đoàn trên chiếc P-8A Poseidon của hải quân Mỹ cũng đã nhận được 6 thông báo cảnh báo từ phía quân đội Trung Quốc. Theo CNN, Trung Quốc khẳng định máy bay Mỹ đã bay vào vùng lãnh thổ nước này và yêu cầu máy bay P-8A Poseidon rời khỏi khu vực ngay lập tức.
“Rời khỏi khu vực này ngay lập tức để tránh bị gây hiểu lầm”, CNN dẫn lời cảnh báo được phía Trung Quốc gửi tới máy bay P-8A Poseidon của hải quân Mỹ.
Máy bay Mỹ phản hồi rằng, Mỹ đang tiến hành “các hoạt động quân sự hợp pháp nằm ngoài không phận của các quốc gia ven biển”.
Ngoài ra, hôm 11/8, ít nhất 3 tài khoản trên Twitter của quân đội Mỹ đã cùng đưa ra những phản hồi mạnh mẽ về lời cảnh báo của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Chúng tôi vẫn sẽ đi qua và bay trên vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép”, tài khoản Twitter của hải quân Mỹ viết.
Tài khoản Twitter của Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ cũng khẳng định, “Mỹ sẽ không cho dừng các hoạt động hợp pháp trên vùng không phận và hải phận quốc tế”.
Còn tại Nhật Bản, nơi máy bay P-8A xuất phát lên đường bay phía trên quần đảo Trường Sa, tài khoản Twitter của Các lực lượng Mỹ tại Nhật viết, “lực lượng máy bay P-8A của hải quân Mỹ tại Nhật Bản đang giúp duy trì nền an ninh và hòa bình trong khu vực mỗi ngày thông qua hoạt động bay qua những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Cả phóng viên của CNN và BBC cho biết, quân đội Mỹ khẳng định đây chỉ là những lời cảnh báo thông thường từ phía Trung Quốc do đó, không gây ảnh hưởng tới quá trình làm nhiệm vụ.
Đáng nói, lời cảnh báo của Trung Quốc đối với Mỹ có phần dịu giọng hơn so với lời cảnh báo gửi tới một máy bay của Philippines bay kế bên.
“Máy bay quân sự của Philippines, chúng tôi cảnh báo lại một lần nữa. Rời khỏi khu vực này ngay lập tức hoặc các người sẽ phải chịu toàn bộ hậu quả”, cảnh báo từ phía Trung Quốc gửi tới máy bay Philippines nói.
Mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh dần nồng ấm trở lại dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte. Ông Duterte đã cho thi hành chính sách tránh gây sức ép với Trung Quốc trên Biển Đông. Trước đó, những người tiền nhiệm của ông Duterte đã nhiều lần công khai chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc thậm chí là kiện Bắc Kinh ra tòa trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan. Vào năm 2016, tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Về phần mình, Bắc Kinh khẳng định không công nhận phán quyết trên.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã liên tiếp cho xây dựng các tiền đồn trái phép ở Biển Đông. Trung Quốc một mực cho rằng các cơ sở này chỉ phục vụ mục đích phòng vệ. Song theo giới chuyên gia, đây là một phần trong âm mưu bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, Mỹ cũng không ít lần lên tiếng phản đối mạnh mẽ hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép cũng như quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo Washington, các tiền đồn của Trung Quốc sẽ được dùng làm công cụ giới hạn hoạt động đi lại tự do ở Biển Đông. Đây cũng là một phần lý do Mỹ cho tiến hành các hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trên tuyến đường biển chiến lược.