Mở cửa thị trường điện lực không tạo ra kết quả về giá sản phẩm như nhiều người mong muốn, theo TS. Nguyễn Tuệ Anh, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy ngành Chính sách công tại ĐH Oxford, Anh.
Thị trường điện Việt Nam đang ngày càng mở cửa, TS. Nguyễn Tuệ Anh nói và cho biết chính sách này đã có từ hơn 20 năm trước, nhưng phải đến khoảng năm 2009 – nay, thị trường mới có sự chuyển biến lớn. Dù vậy, trên thị trường vẫn chưa xuất hiện một đơn vị cạnh tranh nào.
“Kể cả nước Anh cũng không có cạnh tranh trong thị trường điện lực”, TS. Tuệ Anh nói và cho biết năm 1989, quốc gia này mở cửa thị trường và bán các công ty điện cho tư nhân. Thời điểm đó, nhiều quan chức tin rằng tư nhân sẽ làm tốt hơn nhà nước trong lĩnh vực này. Do vậy, không chỉ nhà máy được bán, ngay cả đường truyền tải, Chính phủ Anh cũng “sang tay” cho tư nhân. Quyết định ban đầu được đánh giá là tốt và có 90 quốc gia trên thế giới sử dụng mô hình này.
Tuy nhiên, về sau, việc mở cửa thị trường điện nhìn chung không có gì đối với những nước phát triển, theo bà Tuệ Anh.
“Không một quốc gia nào nhìn thấy giá điện đi xuống”, vị chuyên gia này nói. Theo đó, giá chỉ giảm xuống ở thời gian đầu, sau đó, giá điện tăng đều. Ở Anh, hàng năm phải chịu giá điện tăng 11%.
“Ở Anh không có sự cạnh tranh giữa các công ty điện vì không có lợi. 6 công ty ở đây bắt tay với nhau. Hàng năm Chính phủ cho trần tăng là 12% và họ tăng trong mức từ 11 – 12%”, vị này cho biết.
Thực tế này không chỉ xảy ra ở Anh mà còn diễn ra tại Mỹ – Latin và các nước châu Âu. Nghiên cứu ở châu Âu cho thấy người dân các nước này không quan tâm đến thị trường điện có mở cửa hay không, điều quan trọng, họ chỉ cảm nhận dịch vụ điện thấp hơn trước đây.
Đối với các nước đang phát triển, như Việt Nam, sự việc có thể khác đi đôi chút nhằm thu hút đầu tư, tăng sản lượng phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, bà Tuệ Anh khẳng định giá điện sẽ luôn luôn cao. Ví dụ, có thời điểm người dân Đức đã phải trả một mức giá chóng mặt khi trong 1 tháng, giá điện tăng 500%.
“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra người dân sẽ phải chịu giá điện cao cũng như không hi vọng vào một sự cạnh tranh. 90 quốc gia đã chứng minh điều này và Việt Nam sẽ khó lòng là ngoại lệ”, bà Tuệ Anh nói.
Việt Nam đang sử dụng mô hình mở cửa từ từ, khác với các nước như Anh, Chile lập tức bán cho tư nhân. Dù vậy, việc cạnh tranh trong thị trường này là rất khó. Điều này đúng với những ngành có sự kết nối, như là cung cấp nước.
Chính phủ Anh đã nhiều lần muốn mua lại đường truyền tải điện từ tay một vị tỷ phú (người này nắm giữ 60% giá trị đường truyền tải) nhưng không thực hiện được. Việc bán cho tư nhân là điều không thể vãn hồi, theo bà Tuệ Anh.
Điều này đặt ra câu hỏi lớn cho Việt Nam, bởi sự mở của thị trường điện trong nước đã đi được một nửa. Như vậy, Việt Nam sẽ chọn cách thức gì cho thị trường của mình, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu về điện đang lên cao, thậm chí, phải nhập khẩu từ các nước lân cận.
Theo Trí thức trẻ