Koh nói về việc từ bỏ quyền lực như thể đó là điều bình thường nhất trên thế giới.
Trong sự nghiệp dài 4 thập niên của mình với tư cách là một CEO công ty, Koh Boon Hwee đã vượt qua những cuộc khủng hoảng lớn. Chẳng hạn, vào năm 2003, ông dẫn dắt một hãng hàng không quốc gia vượt qua đại dịch SARS, và vào năm 2008, ông lèo lái ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á thoát khỏi khó khăn sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers.
Tuy nhiên, điều mà doanh nhân và cũng là nhà đầu tư công nghệ kỳ cựu đến từ Singapore này thấy khó khăn nhất là nói với các nhân viên rằng thời gian của họ đã hết.
“Những người mất hết động lực hoặc cho phép mình bị bỏ lại phía sau. Tôi phải nói chuyện với họ và về cơ bản đã xóa tên người này khỏi công việc đó. Tôi luôn gặp khó khăn trong chuyện ấy”, Koh, người từng giữ vị trí chủ tịch hội đồng quản trị của một số công ty mang tính biểu tượng nhất Singapore trước khi trở thành một nhà tài chính, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở quốc đảo này.
Cho dù chuyện đó có thể khó khăn thế nào đi nữa, thì nó lại trở nên khó khăn gấp bội khi người bị sa thải là… chính mình. Tâm lý ấy giúp giải thích tại sao sự kế thừa kinh doanh là một vấn đề lớn ở Singapore, nơi mà hơn 60% các công ty niêm yết thuộc sở hữu gia đình và việc chuyển đổi sang lãnh đạo mới là điều không thường xuyên xảy ra.
Điều rất nghiêm trọng là kế hoạch kế thừa đã diễn ra như một ngành công nghiệp ở Singapore và các nơi khác ở châu Á, khi tất cả mọi người từ các quỹ cổ phần tư nhân cho đến những nhà tư vấn thôn tính và sáp nhập (M&A) đang cạnh tranh để giúp các công ty chuyển sang thế hệ tiếp theo.
Từ chức
Tuy vậy, việc đó chưa bao giờ là điều bận tâm đối với Koh, vì ông từng làm như thế tại một trong những công ty đầu tiên do ông thành lập.
Vào năm 2008, tại Sunningdale Tech, công ty sản xuất và bán linh kiện nhựa cho các sản phẩm y tế, tiêu dùng và ô tô, Koh đã từ chức sau 4 năm phụ trách, ở tuổi 58. Quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, và kể từ đó giá cổ phiếu của công ty này đã tăng hơn bốn lần, so với mức tăng 68% của chỉ số Straits Times. Trong năm nay, giữa những lo ngại về chiến tranh thương mại, cổ phiếu này đã giảm do họ có sự hiện diện lớn tại Trung Quốc.
“Tôi gắn bó với công ty nhưng được gắn bó với một công ty nghĩa là bạn muốn nó luôn tốt nhất đến mức có thể. Và khi thời gian trôi qua, bạn muốn có những người trẻ hơn, với nhiều ý tưởng cập nhật hơn”. Koh hiện đang là chủ tịch không điều hành và đã bị “loại” khỏi hoạt động hàng ngày của công ty này.
Thật vậy, Koh nói về việc từ bỏ quyền lực như thể đó là điều bình thường nhất trên thế giới.
“Hiện nay, Sunningdale được quản lý hoàn toàn chuyên nghiệp. Đội ngũ quản lý có đầy đủ năng lực”, ông chia sẻ.
“Nhiều đối tác”
Nếu việc từ bỏ quyền kiểm soát Sunningdale là dễ dàng đối với Koh, thì có thể một phần là vì nó không phải là “đứa con” đầu lòng của ông. Sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh Harvard, ông đồng sáng lập Tech Group Asia vào năm 2003 – được đổi tên thành Sunningdale Tech hai năm sau đó sau khi họ thôn tính Sunningdale Precision Industries. Koh là CEO của tổ chức mới này từ năm 2005 đến cuối năm 2008.
“Tôi có nhiều đối tác, nên không có một người nào hay một gia đình sở hữu Sunningdale. Đó là một tập hợp các chuyên gia làm việc cùng với nhau”, Koh nói.
Đó cũng là vì Koh không bao giờ phù hợp với hồ sơ của một chủ sở hữu công ty truyền thống, cứ mặc định xem sự nghiệp của mình chỉ gắn bó với một nơi. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã lần lượt giữ vị trí chủ tịch tại các tập đoàn lớn như Singapore Telecommunications, Singapore Airlines, và DBS Group Holdings.
SARS, khủng hoảng tài chính
Năm 2003, Koh cho các nhà đầu tư thấy rằng Singapore Airlines có thể vượt qua dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng) bằng cách lên kế hoạch mua máy bay mới không lâu sau khi công ty này ghi nhận thua lỗ quý đầu tiên. Và giữa cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông đã thành công trong việc huy động vốn tại DBS, trấn an mọi người rằng ngân hàng này không có vấn đề gì trong chuyện “sống sót” cả.
Việc buông bỏ cũng dễ dàng hơn đối với Koh vì ông có những cách khác để giữ cho mình bận rộn. Ông hiện dành phần lớn thời gian của mình tại quỹ cổ phần tư nhân mà ông đồng sáng lập, Credence Partners, nơi ông đầu tư vào các công ty thuộc nhiều ngành khác nhau, từ công nghệ sinh học đến sản xuất trò chơi. Gần đây, ông được hưởng lợi từ một cổ phần ở Razer, hãng sản xuất thiết bị trò chơi PC Singapore được niêm yết tại Hong Kong năm ngoái. Koh cũng được bổ nhiệm làm giám đốc quỹ GIC của Singapore vào tháng 8 năm ngoái.
Trong khi đó, Sunningdale giờ đây được điều hành bởi Khoo Boo Hor, 53 tuổi. Thông qua một loạt thương vụ thôn tính kể từ năm 2011, Khoo đã xây dựng công ty này thành một trong những công ty sản xuất nhựa chính xác lớn nhất tại Singapore, với HP và Royal Philips NV là hai trong số những khách hàng lớn nhất họ.
Bùng nổ M&A
Khoo không có kế hoạch ngừng hoạt động M&A. “Chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá các thương vụ mua lại chung với những đối tác khác để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn.
Đối với Koh, mặc dù đã “nghỉ ngơi” với Sunningdale, nhưng ông không hoàn toàn cắt đứt quan hệ. Ông vẫn có mặt trong các cuộc thảo luận để đảm bảo rằng công ty này không bị bỏ lại phía sau.
“Tôi luôn nghĩ rằng cách để bạn điều hành một tổ chức là đưa những người giỏi nhất vào công việc. Suốt phần lớn sự nghiệp của mình, tôi đã làm việc ở các công ty được quản lý chuyên nghiệp, vì vậy điều đó là tự nhiên. Đối với tôi, luôn luôn có một việc gì đó khác để làm”, ông nói về sự thay đổi lãnh đạo.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg