“Có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược chẳng xong”.
Còn nhớ Trương Ái Linh – một nữ nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc từng nói: “Tôi thích tiền, vì tôi không biết mặt xấu của tiền mà chỉ biết mặt lợi của tiền”.
Quả thực đúng như vậy, tiền không phải vạn năng, nhưng cũng không thể thiếu tiền, trong phần lớn các trường hợp thì cuộc sống của chúng ta và tiền có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ. Đôi khi tiền khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn, “có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược chẳng xong”.
Con người sống trên đời này có thể sẽ có lúc chúng ta lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không có tiền, những lúc như thế này chúng ta sẽ nhận ra, sẽ nhìn thấu, sẽ ngộ ra được rất nhiều điều.
Khi không có tiền chúng ta sẽ biết ai đối xử với ta thật lòng, còn ai giả dối.
Bên cạnh chúng ta có thể có rất nhiều người chỉ nhìn vào tiền mà không nhìn vào tấm lòng, chỉ biết đến lợi ích mà không màng gì đến tình nghĩa, cái cách họ đối xử với ta chỉ hoàn toàn là nhìn vào tiền của chúng ta mà thôi, giống như các cụ hay nói “có của thì có mẹ nàng, có bạc có vàng thì có kẻ ưa”.
Ai ai trong chúng ta cũng cần đến những mối quan hệ xã hội, những mối quan hệ đó là thật lòng hay xã giao đôi khi nó được hạn định chỉ bằng một chữ tiền, chỉ khi nghèo khó bạn mới biết ai là bạn và ai là bè.
Khi hết tiền chúng ta mới nhận ra người có phúc cùng hưởng thì khá nhiều nhưng có nạn cùng chịu thì lại quá ít.
Chúng ta hay nói đùa với nhau rằng “có phúc cùng hưởng, có nạn tự chịu”, nghe thì có vẻ giống một câu đùa giỡn cho vui nhưng đôi khi chúng ta lại vô cùng chua xót nhận ra rằng câu nói giỡn đó hoàn toàn đúng. Mặc dù người quen không hề ít, nhưng khi rơi vào cảnh khốn khó thì số người giúp đỡ ta lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, họ hàng xa cách, bạn trở thành bè, tình yêu cũng thay đổi.
Trước đây quan hệ có tốt đến thế nào đi chăng nữa thì giờ đây cũng như người xa lạ, có gặp khó khăn lớn đến nhường nào cũng không ai quan tâm, có nói thật đến đâu thì cũng không ai tin là thật. Những người trước đây cùng ta hưởng thụ, nhìn thì có vẻ giống anh em bằng hữu tốt lắm thì giờ đây họ lại lựa chọn bỏ đi.
Khi không có tiền ta mới hiểu rằng cái cảm giác nhìn người mình yêu thương phải chịu khổ nó khó chịu đến nhường nào.
Trong phim “Tôi không phải dược thần” có một câu nói như sau: Trên đời này chỉ có một loại bệnh, đó là bệnh nghèo.
Chúng ta ai cũng hi vọng người mà mình yêu thương được sống một cuộc sống sung sướng, bình an, hạnh phúc, nhưng khi không còn tiền thì đơn giản như việc chăm sóc tốt, đem đến cho họ một mức sống cơ bản thôi dường như cũng trở nên quá đỗi xa xỉ.
Đôi khi, chỉ khi có đủ tiền thì bạn mới có đủ dũng khí để đối diện với cái xã hội, cái thế giới này, mới có thể có đủ năng lực để chăm sóc người khác.
Khi hết tiền mới hiểu ra rằng thì ra cuộc sống lại có nhiều chuyện mà bạn bất lực đến vậy.
Khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, chúng ta vừa không cách nào thoát ra, lại cũng chẳng thể có một sự lựa chọn nào tốt hơn, chỉ có thể bất lực nhìn mọi thứ xảy ra.
Không dám thất nghiệp, không dám đổ bệnh, không dám tiêu tiền, cuộc sống cứ vậy mà mang đến cho bạn biết bao nhiêu khổ não, băn khoăn.
Vì vậy, lúc không có tiền thì hãy cố gắng mà đi kiếm tiền.
Chỉ khi có tiền bạn mới không bị người khác khinh thường.
Chỉ khi có tiền bạn mới có tư cách chăm lo cho người mình yêu thương, nhất là khi rơi vào hoàn cảnh bệnh tật.
Chỉ khi có tiền bạn mới không phải sống một cách tạm bợ, mới không phải suốt ngày lo nghĩ, băn khoăn làm sao để có tiền, bởi tiền không phải tất cả nhưng không thể không có tiền.
Hãy nhớ rằng:
Lúc hết tiền , hãy ghi nhớ hai kiểu người này, người đối tốt với ta và người trân trọng ta, lúc thoát ra được hoàn cảnh khó khăn rồi thì hãy trả ơn họ.
Lúc hết tiền, hãy cảm ơn hai loại người này, người làm tổn thương ta và người chửi mắng ta, những người như vậy chính là những người cho ta hi vọng và muc tiêu để ta nỗ lực phấn đấu.
Trí thức trẻ