Đối đầu bên ngoài
Cuộc đàm phán cấp trung giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra ngay trong ngày mức thuế 16 tỷ USD của mỗi bên áp vào hàng hóa của đối thủ có hiệu lực.
Đoàn Trung Quốc tới Washington trong cố gắng hồi sinh tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ, sau khi bế tắc kéo dài hơn 1 tháng qua. Diễn biến này làm dấy lên những hy vọng trên thị trường tài chính, rằng cuộc chiến thương mại toàn diện giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể được ngăn chặn.
Các cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp trung, thiếu vắng các nhà hoạch định chính sách cấp cao của 2 nước, được dự đoán chỉ dẫn đến một tuyên bố chung về các cuộc thảo luận hiệu quả, một nguồn tin biết rõ về chương trình nghị sự chia sẻ với Bloomberg. Cuộc đàm phán chỉ giới hạn nội dung trong các điểm xung đột chính, từ sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tới tái cân bằng thương mại, người này nói.
Bản thân Tổng thống Donald Trump, trong những ngày gần đây, đã hạ thấp thêm kỳ vọng về một kết quả khả quan từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc. Ông đã lập lại một trong những mối xung đột giữa 2 nước, khi cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ để bù đắp ảnh hưởng của thuế quan do Mỹ áp đặt.
Các nhà phân tích cho rằng, thái độ cứng rắn của hai bên một phần là do các hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc chịu sự tác động từ các thành phần “diều hâu” trong chính quyền của mình. Lãnh đạo 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cảm thấy ngày càng được khuyến khích trong xu hướng đối đầu, kể từ khi các cuộc đàm phán vào tháng 5 và tháng 6 thất bại.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đã tỏ ra hài lòng trước phản ứng tích cực của thị trường tài chính đối với các chính sách thương mại của mình. Đồng thời, ông còn được khuyến khích bởi các số liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây, cùng với uy tín bản thân tăng cao trong chính trường Mỹ. Ở Trung Quốc nền kinh tế đã có dấu hiệu suy yếu trong thời gian gần đây – tình huống mà tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ đang chiếm lợi thế.
Chia rẽ bên trong
Cuộc đàm phán Mỹ – Trung lần này còn phản ánh rõ nét sự tiếp tục chia rẽ trong chính quyền Mỹ về đối sách tốt nhất trước Trung Quốc. Mặt khác, đây còn là cơ hội để các nhà phân tích tìm hiểu xem Trung Quốc xoay chuyển tình thế bằng cách nào để giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ David Malpass và Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen thảo luận trong 2 ngày, thứ Tư và thứ Năm này. Đáng chú ý là các cuộc họp trong cuộc đàm phán lần này diễn ra dưới vòng thuế quan tiếp theo trị giá 16 tỷ USD đánh vào hàng xuất khẩu của nhau và có hiệu lực vào lúc 12:01 sáng (giờ New York) vào thứ Năm.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho rằng, đó là thời điểm thích hợp cho một cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc vì sức mạnh của nền kinh tế. “Nếu bạn phải tham gia vào một cuộc đấu với một ai đó, bây giờ là thời điểm tốt để làm điều đó”, ông Wilbur Ross nói. Và theo ông, bất kỳ sự tương tác nào với các quan chức Trung Quốc đều tạo nên hy vọng tìm ra giải pháp.
Scott Kennedy, một chuyên gia về quan hệ Mỹ – Trung tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nhận định rằng chính phủ Mỹ vẫn còn chia rẽ trong việc lựa chọn giải pháp tối ưu đối với Trung Quốc. Trong khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đang háo hức tìm một giải pháp thương lượng, các thành viên nội các khác như Đại diện Bộ Thương mại Mỹ (USTR ) Robert Lighthizer lại tỏ rõ mong muốn tiếp tục gia tăng áp lực lên Bắc Kinh.
Có một lưu ý rằng, ông Lighthizer chính là người đứng sau hàng núi thuế quan đang được áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. USTR cũng đang tiến hành công đoạn cuối cùng cho việc áp mức thuế mới trị giá hơn 200 tỷ USD lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngay trong tháng tới.
Drek Scissors, một chuyên gia Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, ví von về sự mâu thuẫn trong chính quyền Mỹ: “Nếu bạn là Trung Quốc và bạn muốn có cuộc đàm phán, bạn sẽ phải nói chuyện với Kho bạc Mỹ”. Theo ông, USTR sẽ không có sự nhượng bộ đối với Trung Quốc, “trừ khi được tổng thống Mỹ ra lệnh”.
Ít có triển vọng
Nỗi ám ảnh của thống Donald Trump về khả năng Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã góp phần làm giảm ảnh hưởng thuế quan của Mỹ, đoàn đàm phán Trung Quốc có thể xem sự suy yếu của đồng nhân dân tệ là yếu tố có thể đem ra mặc cả trên bàn thương lượng. Trung Quốc có thể cam kết không để đồng tiền suy yếu thêm để đổi lấy ít nhất một sự nhượng bộ về thuế quan từ Mỹ. Theo các nhà phân tích, một cam kết như vậy có thể dẫn đến các cuộc thảo luận mới.
Thế giới mong đợi nhiều hơn về khả năng đạt được thỏa thuận nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung Quốc vào cuối năm nay. |
Nhưng quyết định của ông Trump xé bỏ một thỏa thuận mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đạt được trong vòng đàm phán hồi đầu năm nay đã khiến Trung Quốc lúng túng về khả năng có nên tin tưởng vào Washington.
“Chúng tôi cảm thấy rằng Bộ Thương mại khó khăn hơn Tài chính và USTR khó khăn hơn Bộ Thương mại”, Mei Xinyu, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Thương mại Quốc tế và Hợp tác Kinh tế Trung Quốc (trực thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc), cho biết. Theo ông, hai bên có điểm chung là không muốn khép lại hoàn toàn cánh cửa đàm phán, bất chấp cuộc chiến.
Theo các nguồn tin đáng tin cậy, nỗ lực điều chỉnh các nội dung đàm phán – những yêu cầu từ phía Mỹ – do Bộ Tài chính soạn thảo đã bị các bộ phận khác của chính quyền Tổng thống Donald Trump phản bác và chưa biết những nội dung này có được đưa ra trong cuộc đàm phán hay không.
Trong cuộc đàm phán thương mại tại Trung Quốc hồi tháng 5, một trong những yêu cầu từ phía Mỹ là giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại hàng hóa của nước này với Trung Quốc vào năm 2020 (năm 2017 mức thâm hụt lên tới khoảng 375 tỷ USD). Đồng thời, Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các chính sách công nghiệp “vi phạm các quy tắc thương mại thế giới”.
Cuộc đàm phán này cũng diễn ra trong làn sóng phản đối về dự kiến mức thuế trên 200 tỷ USD áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Rất nhiều công ty Mỹ đang lo lắng và cảnh báo các biện pháp mới nhất sẽ làm tổn thương doanh nghiệp của họ.
Các doanh nghiệp Mỹ cho hay, họ sẽ không thể hấp thụ nổi mức thuế 25% nếu không đẩy sang người tiêu dùng Mỹ. Đại diện từ ngành công nghiệp xe máy, xe đạp điện, thiết bị thực phẩm và các công ty hóa chất đã viết thư cho chính phủ hoặc làm chứng chống lại dòng thuế mới nhất này.