Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận về việc thống nhất giá trị hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch sau khi dừng thực hiện dự án cảng Kê Gà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong văn bản này, Vinacomin cho biết, doanh nghiệp thống nhất với giá trị các khoản bồi thường, hỗ trợ thống nhất thêm là 8,58 tỷ đồng.
Về việc tiếp tục xem xét, hỗ trợ bổ sung cho các doanh nghiệp với chi phí hỗ trợ thiết bị điện nước, chi phí thiết bị phòng cháy chữa cháy 3,1 tỷ đồng, TKV đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, không tính chi phí này.
Nguyên nhân do TKV đã nhiều lần gia hạn để các doanh nghiệp cung cấp hồ sơ nhưng chỉ có doanh nghiệp Đồi Phong Lan cung cấp, tuy nhiên, các hồ sơ liên quan không đủ cơ sở để xác định chi phí đã đầu tư của doanh nghiệp.
Cụ thể, Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Công ty TNHH du lịch Đồi Phong Lan, Công ty TNHH du lịch Thế Giới Xanh, Công ty TNHH du lịch Thạnh Đạt cung cấp chứng từ chi phí thiết bị điện, nước, thiết bị phòng cháy chữa cháy gửi Công ty tư vấn quản lý dự án – Vinacomin (VPMC) để xem xét, đánh giá và làm cơ sở xác định chi phí chi trả. Trường hợp sau thời hạn yêu cầu là ngày 30/11/2017, nếu không có ý kiến bằng văn bản xem như doanh nghiệp không yêu cầu hỗ trợ khoản chi phí này.
Đến ngày 30/11/2017, Công ty tư vấn quản lý dự án – Vinacomin chỉ nhận được hồ sơ tài liệu của Công ty TNHH du lịch Đồi Phong Lan. Tuy nhiên, đánh giá hồ sơ cung cấp của Đồi Phong Lan chưa đủ cơ sở pháp lý.
Sau nhiều lần gửi văn bản đôn đốc, Vinacomin tiếp tục thông báo gia hạn đến ngày 31/7/2018. Tuy nhiên, đến nay, vẫn không nhận thêm được hồ sơ, chứng từ để xem xét, đánh giá. Do đó, có thể khẳng định các doanh nghiệp không có hồ sơ cung cấp, vì vậy, không đủ cơ sở xác định chi phí đã đầu tư đối với khoản hỗ trợ này.
Đối với chi phí hỗ trợ cải tạo mặt bằng để tiếp tục kinh doanh 1,34 tỷ đồng, Vinacomin cho hay, chi phí hỗ trợ cải tạo mặt bằng tiếp tục kinh doanh được thực hiện theo văn bản 3531/UBND-DTQH ngày 5/9/2013 của UBND tỉnh Bình Thuận. Chi phí này chỉ áp dụng đối với dự án đã đi vào hoạt động.
Do doanh nghiệp Đồi Phong Lan chưa đi vào hoạt động, vì vậy, đề nghị UBNDT tỉnh Bình Thuận xem xét, giao các sở, ngành liên quan làm việc với doanh nghiệp thống nhất không hỗ trợ chi phí này.
Vinacomin cho rằng việc kéo dài thời gian thực hiện và chưa giải quyết dứt điểm những tồn tại cần xử lý sau khi dừng dự án cảng Kê Gà – Bình Thuận đã tạo những dư luận không tốt trong xã hội.
Do đó, Vinacomin đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận giao các sở, ngành liên quan thuộc tỉnh nghiên cứu đề nghị của Vinacomin nêu trên làm việc với các doanh nghiệp thuộc diện bồi thường, được hỗ trợ do dừng dự án Kê Gà để hoàn thiện Biên bản thống nhất tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ giữa Vinacomin và các cơ quan liên quan thuộc tỉnh Bình Thuận.
Trên cơ sở phương án, dự toán chi phí sau khi thống nhất, UBND tỉnh Bình Thuận sớm tổ chức phê duyệt phương án, dự toán làm cơ sở tiếp tục thực hiện việc chi trả phần chi phí còn lại cho các doanh nghiệp.
Dự án cảng Kê Gà dài 2,3 km bờ biển, rộng 366 ha, kinh phí 550 triệu USD, sau đó được điều chỉnh lên một tỷ USD do Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.
Tháng 4/2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà đến 12 chủ đầu tư khu du lịch và người dân, đồng thời yêu cầu tất cả ngưng xây dựng, nhường đất cho dự án cảng biển mang tầm quốc gia. Tuy nhiên, qua nhiều lần dự kiến khởi công, cảng Kê Gà vẫn nằm trên giấy.
Nhận thấy dự án xây dựng cảng Kê Gà không hiệu quả, năm 2014, Chính phủ có quyết định chính thức dừng, xóa bỏ quy hoạch cảng Kê Gà và yêu cầu giải quyết thiệt hại cho nhà đầu tư du lịch.
Tuy nhiên, sau nhiều năm đẩy qua đẩy lại, đến nay, Vinacominchỉ chấp thuận bồi thường cho 9 doanh nghiệp.