Thông tin này được ông Peter Wong – Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Nam Á của Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC) đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu sự kiện “In Style. Hong Kong” tổ chức mới đây tại TP HCM.
Theo ông Peter Wong, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng đang nở rộ tại không chỉ Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia Asean. Việt Nam đang trong quá trình nỗ lực cải thiện hơn nữa tính kết nối giao thông của mình với các dự án lớn như cao tốc Bắc – Nam, các tuyến metro tại Hà Nội và TP HCM, các cảng biển…
“Việt Nam có nhu cầu rất lớn về kết nối, đặc biệt là kết nối giao thông, để nâng khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan… Điều này cung cấp nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư (NĐT) Hồng Kông và Trung Quốc đại lục bởi họ đang rất quan tâm đến tiềm năng phát triển kinh tế ở Việt Nam”, ông Peter Wong nói.
Theo ông Peter Wong, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về kết nối giao thông, điều này cung cấp nhiều cơ hội cho các NĐT Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. |
Tuy cũng có một số hạn chế trong kết nối về giao thông, như việc lãnh thổ đất nước có hình dạng kéo dài theo chiều dọc và hẹp chiều ngang, nhưng Việt Nam lại có rất nhiều lợi thế khác để phát triển trong thời gian tới như lực lượng lao động mạnh, dân số trẻ…
Đặc biệt, Chính phủ đã có những cam kết trong việc cải thiện hơn nữa tính kết nối, nhất là trong lĩnh vực giao thông; không những thế, nền chính trị của Việt Nam cũng ổn định hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng. Những điều này khiến các NĐT có niềm tin hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam có nhiều dự án trong lĩnh vực hạ tầng tiềm năng nhưng thực tế các dự án này rất khó thu hút đầu tư nước ngoài. Lãnh đạo Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông nhận định, điều quan trọng đầu tiên là phải công khai các dự án này, thông tin càng mở càng tốt; điều thứ hai là phải có các cam kết, quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của NĐT.
“Năm 2017, Chủ tịch của Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông từng dẫn đầu một phái đoàn đến Việt Nam tìm kiếm những cơ hội đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và nhận được sự hoàn nghênh lớn từ Thủ tướng Việt Nam. Trong chuyến đi này, chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam, như dự án đường cao tốc Bắc – Nam, một số tuyến metro tại Hà Nội và TP HCM…”, ông Wong thông tin.
Sau chuyến đi, HKTDC cũng đã tổ chức một hội nghị kết nối kinh doanh giữa Việt Nam và Hồng Kông, tại đây nhiều hợp đồng đã được ký kết. Điều này chứng minh rằng rất nhiều NĐT Hồng Kông quan tâm đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
“Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển cơ sở hạ tầng khi triển khai thành công nhiều dự án Mega rất lớn trong lĩnh vực này. Chính phủ Hồng Kông cũng đã lập một văn phòng gọi tắt là IFFO nhằm tạo điều kiện hỗ trợ kêu gọi các nguồn vốn đầu tư thực hiện triển khai những dự án về cơ sở hạ tầng ở Châu Á”, ông Wong thông tin thêm.
Phân tích lý do tại sao Việt Nam nên lựa chọn hợp tác với Hồng Kông, vị này cho biết, Hồng Kông được nhiều tổ chức quốc tế bầu chọn là nền kinh tế tự do nhất trên toàn thế giới trong nhiều năm qua.
Nguyên nhân không chỉ bởi Hồng Kông có vị trí địa lý thuận lợi khi nằm ở trung tâm khu vực Châu Á, lực lượng nhân sự năng động, mà còn bởi tại đây duy trì Nhà nước pháp quyền, áp dụng hệ thống thông luật của Anh trong nhiều năm (khác với hệ thống luật ở Trung Quốc đại lục); được tự do lưu chuyển con người, hàng hóa, vốn; có hệ thống thuế thấp và đơn giản khi chỉ có thuế TNCN và TNDN (thuế TNDN cao nhất là 16,5%), không có thuế VAT; có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh quốc tế…
Từ sau 1997, thời điểm Trung Quốc đại lục mở cửa để tiếp cận sâu hơn với Hồng Kông, nơi đây bắt đầu được các nước trên thế giới coi là bàn đạp để tiến vào thị trường Trung Quốc đại lục. Vì vậy, nền kinh tế Việt Nam có thể tận dụng được kinh nghiệm làm ăn của Hồng Kông với Châu Á và Trung Quốc đại lục khi hội nhập mở cửa.
Đại diện HKTDC còn cho biết, xét về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hồng Kông cũng là một trong những cái tên xếp đầu tiên trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc. Lượng vốn FDI từ Hồng Kông vào Asean đứng thứ 5 và vào Việt Nam đứng thứ 6.
“Thứ hạng này sẽ còn thay đổi khi Hiệp định thương mại tự do giữa Hồng Kông và Asean chuẩn bị có hiệu lực (Hiệp định này được ký từ tháng 11/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019). Việt Nam cam kết sẽ mở cửa 100%, tức NĐT Hồng Kông có thể được sở hữu 100% cổ phần trong các ngành cung cấp dịch vụ mang tính chuyên môn cao, thậm chí là trong lĩnh vực xây dựng. Điều này sẽ thúc đẩy việc trao đổi chuyên môn, chuyển giao công nghệ giữa hai bên”, ông Wong dự kiến.
Hiếu Quân
Theo Kinh tế & Tiêu dùng