Các ngân hàng trên địa bàn Đồng Nai đều đã “siết” lại nguồn vốn cho vay lĩnh vực bất động sản, vì đây là lĩnh vực rủi ro cao và các chuyên gia cảnh báo năm 2019 bất động sản có thể sẽ “lao dốc” nếu tính theo chu kỳ 10 năm/lần.
Từ đầu quý II-2018, thị trường bất động sản tại Đồng Nai bắt đầu chững lại và có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Ở nhiều khu vực thuộc TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu… cơn “sốt” đất đã đi qua. Hiện giá đất nền, nhà ở đã giảm 10-15% so với thời điểm đầu tháng 4-2018.
* Siết chặt vốn vay
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, đến giữa tháng 8-2018, dư nợ cho vay trên lĩnh vực bất động sản gần 86,7 ngàn tỷ đồng. Từ cuối quý II-2018, các ngân hàng trong tỉnh bắt đầu “siết” chặt cho vay lĩnh vực bất động sản. Số cho vay mới rất ít, những khách hàng được vay mới chủ yếu là các cá nhân vay để mua nhà, đất song phải có tài sản thế chấp mà không phải tài sản mới mua.
Tính đến đầu tháng 8-2018, huy động vốn trên địa bàn tỉnh khoảng 169,3 ngàn tỷ đồng và dư nợ cho vay 183,5 ngàn tỷ đồng. Vay lĩnh vực bất động sản chiếm 47%, trong đó gồm cả mua nhà, đất, sửa chữa nhà. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, nhiều năm liền huy động vốn trên địa bàn tỉnh thường cao hơn dư nợ cho vay từ 10-20 ngàn tỷ đồng. Nhưng năm nay, dư nợ cho vay cao hơn huy động khoảng 14,2 ngàn tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng cao nhất là xuất nhập khẩu (tăng trên 66% so với dịp đầu năm 2018). |
Ông Huỳnh Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) chi nhánh Đồng Nai cho hay: “ACB chi nhánh Đồng Nai cho vay lĩnh vực bất động sản khoảng 2,4 ngàn tỷ đồng, chiếm 30% trong tổng dư nợ cho vay của chi nhánh. Nhưng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là hạn chế cho vay đầu cơ bất động sản nên từ cuối tháng 6-2018 đến nay, ACB chi nhánh Đồng Nai gần như không cho vay mới ở lĩnh vực này”. Cũng theo ông Kiệt, trong thời gian tới nếu có cho vay lĩnh vực này cũng sẽ xem xét kỹ hồ sơ chỉ cho những khách hàng cá nhân vay để mua hoặc sửa chữa nhà ở thực sự.
Tương tự, bà Phạm Thị Thu, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Đồng Nai cho biết: “Sacombank chi nhánh Đồng Nai không ngưng hẳn cho vay lĩnh vực bất động sản, nhưng siết lại bằng cách tăng lãi suất và xét kỹ hồ sơ để giảm bớt rủi ro. Khách hàng vay mua nhà, đất phải có tài sản thế chấp không phải là sản phẩm mới mua. Đồng thời, Sacombank chi nhánh Đồng Nai không cho các doanh nghiệp vay để đầu tư các dự án bất động sản lớn”.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, giá bất động sản giống như đồ thị hình sin lên đến đỉnh điểm sẽ tụt dốc. Cuối năm 2017 là thời điểm bất động sản lên cơn “sốt”, có những nơi giá đất tăng 100-300%, mà bất động sản nếu như tăng từ 100% trở lên là hiện tượng của “bong bóng”. Đồng Nai là nơi nằm trong tâm của cơn sốt bất động sản ở phía Nam. Vì thế việc siết lại cho vay lĩnh vực bất động sản giảm bớt được rủi ro cho nguồn vốn tín dụng.
* Dành vốn cho lĩnh vực ưu tiên
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho rằng dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản của Đồng Nai thấp hơn bình quân chung của cả nước, và từ khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các ngân hàng đều hạn chế cho vay lĩnh vực này. Trong đó, các ngân hàng chủ yếu cho cá nhân vay mua nhà, đất ở và có tài sản thế chấp, còn cho vay dạng dự án lớn rất ít. “Nguồn vốn của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh phần lớn vẫn dành cho những lĩnh vực ưu tiên như: xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nên tỷ lệ nợ xấu chỉ hơn 1%” – ông Mạnh cho biết. Lãi suất cho vay những lĩnh vực ưu tiên cũng thấp hơn, chỉ 6,5%/năm với cho vay ngắn hạn, 9-11%/năm với cho vay trung và dài hạn.
Theo ông Phạm Thành Vinh, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai, dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng khoảng 1,7 ngàn tỷ đồng, chiếm 18% trong tổng dư nợ cho vay. Khách hàng vay lĩnh vực này hồ sơ kiểm soát rất chặt và chỉ cho vay để mua nhà đất để ở, hạn chế cho vay “lướt sóng” bất động sản. Hiện nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu cho các doanh nghiệp vay đầu tư máy móc mở rộng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa; hoặc các hộ gia đình, cá nhân vay để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh.
Hương Giang