Người dân cần “thủ” sẵn phương pháp bảo vệ tài sản khi gặp đối tượng giả danh, đánh tráo giấy tờ nhà đất
Ông L.P.T (ngụ quận 2, TP HCM) vừa khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng một thửa đất giữa ông T. với ông Trần Thanh Sơn (quê ở tỉnh Bến Tre) lập tại Văn phòng Công chứng Trung Tâm (TP HCM). Từ đó, yêu cầu tòa án hủy phần nội dung “chuyển nhượng cho ông Trần Thanh Sơn” cập nhật thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDÐ).
Ông T. khẳng định bản thân không hay biết về giao dịch mua bán mảnh đất do mình làm chủ sở hữu. Còn vị đại diện pháp luật của ông T. thì gửi đơn đến Báo Người Lao Ðộng nhờ báo chí gióng lên hồi chuông cảnh báo, dù vụ việc tương tự đã từng diễn ra trước đây.
Nghe tin… mình đã bán đất!
Ông T. cho biết trước kia, ông có rao bán miếng đất. Một nhóm đến gặp và ngỏ ý muốn mua. “Mấy người đến hỏi mua đất và mượn giấy tờ liên quan (sổ đỏ, hộ khẩu, CMND, giấy đăng ký kết hôn…) đi photocopy. Họ viện lý do xác minh nên tôi đồng ý” – ông T. nhớ lại.
Thế nhưng khi nhận giấy tờ từ tay ông T. thì nhóm người trên đánh tráo giấy tờ. Sau đó, nhóm này cho người đóng giả vợ chồng ông T. đến Văn phòng Công chứng Trung Tâm thực hiện giao dịch mua bán. Tại đây, công chứng viên Phạm Thị Minh Anh dễ dàng thông qua hợp đồng mua bán, xác định mảnh đất trên bán cho ông Sơn.
Nhóm lừa đảo đã kịp đăng ký cập nhật việc thay đổi chủ sử dụng, chủ sở hữu trên giấy chứng nhận sang tên người mua là ông Sơn. Sau đó, ông Sơn rao bán miếng đất. May thay, người mua đi tìm hiểu thì phát hiện giấy tờ là thật nhưng chủ sở hữu là giả. Cơ quan điều tra kết luận giấy chứng nhận QSDÐ cập nhật thay đổi chủ sở hữu tên Trần Thanh Sơn là giấy tờ thật. Song, chữ ký và dấu vân tay bên bán trong hợp đồng chuyển nhượng không phải của ông T. Ông Sơn thừa nhận có người nhờ ông đứng tên giấy tờ.
Vụ việc của ông T. dự kiến sẽ còn mất rất nhiều thời gian để có thể đứng tên lại mảnh đất của mình, vì những kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay. Theo người đại diện pháp luật của ông T., vụ việc của ông T. không phải là hy hữu, bởi trước đây vị này đã không ít lần đại diện pháp luật cho những vụ kiện tương tự nhưng xem ra nhiều người vẫn bị lừa nên báo chí cần gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ.
Tương tự, từ giữa tháng 7-2017, báo chí đã đề cập trường hợp vợ chồng bà V.T.H (ngụ quận 2, TP HCM). Vụ việc của bà H. được tóm lược như sau: Năm 2016, bà bất ngờ nhận thông tin có người làm thủ tục xác nhận hiện trạng vị trí thửa đất của bà. Ðến UBND phường, bà tá hỏa khi thấy có người giả mạo chữ ký để ủy quyền cho bà Hạnh bán đất của bà. Oái oăm thay, giấy chứng nhận QSDÐ trong hồ sơ bà Hạnh nộp cơ quan chức năng là giấy tờ thật, giấy tờ bà H. đang giữ là giả. Lý do là trước đó, một người đến hỏi mua đất và mượn giấy tờ đất, hộ khẩu, CMND, giấy đăng ký kết hôn đi photocopy. Người này viện lý do xác minh nên bà H. đồng ý.
Thời điểm trên, công an kết luận đám người bán đất của bà H. là đối tượng lừa đảo và hiện vừa có kết luận điều tra. Tuy nhiên, muốn lấy lại mảnh đất mà nhóm người trên đã bán cho người khác, vợ chồng bà H. phải tiến hành thêm thủ tục khởi kiện dân sự yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu và hủy giấy ủy quyền giữa vợ chồng bà và bà Hạnh (lập tại Văn phòng Công chứng Phú Nhuận, TP HCM). Từ đó, tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ. Vụ việc kéo dài đến nay vẫn chưa xong, gây khốn khổ và lo lắng cho vợ chồng bà H.
Giấy tờ thật (phía dưới) cập nhật chủ sở hữu mới tên Trần Thanh Sơn và giấy tờ giả bị lừa đảo đánh tráo của ông T.
Người bán nhà, đất nên làm gì?
Thủ đoạn “trộm long tráo phụng” trong mua bán nhà đất đang diễn biến phức tạp, nên trước khi tốn thời gian, công sức cầu cứu cơ quan pháp luật, người dân cần “thủ” sẵn phương pháp bảo vệ tài sản.
Luật sư Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty Luật Công Bình, tư vấn người có ý định bán nhà, đất nên photocopy sẵn tất cả giấy tờ liên quan (giấy chứng nhận QSDÐ, CMND, hộ khẩu…). Khi cần thiết, bên bán giao ngay bản photocopy nếu bên mua muốn tham khảo. Trường hợp người mua đòi xem bản chính, người bán không cho chụp ảnh và lấy lại ngay đề phòng kẻ gian lấy cắp, làm giả rồi mạo danh khi giao dịch hòng chiếm đoạt tài sản. “Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản nhất định phải “đi liền khúc ruột” – luật sư so sánh.
Luật sư Lê Quang Vũ phân tích pháp luật coi hợp đồng có chủ thể, chữ ký, điểm chỉ giả mạo là hợp đồng vô hiệu. Cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị tòa án tuyên bố văn bản công chứng như vậy vô hiệu. Luật sư cho rằng hành vi tráo giấy tờ, giả danh chủ sở hữu thực hiện giao dịch có dấu hiệu phạm pháp hình sự. Cơ quan chức năng có đủ căn cứ khởi tố nếu kết luận giám định chỉ rõ chữ ký, điểm chỉ trên văn bản là giả.
Thiếu tá Lê Hữu Phước, Ðội trưởng Ðội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an quận 8 (TP HCM), lưu ý nạn nhân tố giác ngay với cơ quan công an. Ðồng thời, chủ sở hữu thực sự thông báo đề nghị cơ quan chức năng liên quan phong tỏa tài sản. Thiếu tá Lê Hữu Phước nhấn mạnh: “Kết quả trưng cầu giám định chữ ký, dấu vân tay chính là bằng chứng quan trọng chứng minh bản chất vụ việc”.
Công chứng viên có thể đi tù
Xét hai vụ việc trên, thiếu tá Lê Hữu Phước khẳng định công chứng viên phải bồi thường khi nạn nhân yêu cầu hoặc cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm các bên. Nặng hơn, công chứng viên có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu không bồi thường hoặc giao dịch giả mạo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.