Ông Nguyễn Mạnh Dũng (Dzung Nguyễn) – Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan mới đây đã chia sẻ với các start-up công nghệ có ý định tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2 về “khẩu vị” đầu tư của mình.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dzung) được biết đến với 11 năm đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, từng dẫn dắt khoảng 25 start-up trong và ngoài nước thành công.
Với kinh nghiệm của mình, Shark Dzung nhắn các start-up: “ Đừng quá chú trọng tới ý tưởng vì ý tưởng đã tồn tại ở đâu đấy. Quan trọng nhất là ý tưởng của mình có phục vụ cho nhu cầu của một cộng đồng lớn hay không.”
Trước đó, trong nhiều buổi tọa đàm chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp trong nước, Shark Dzung đã nhiều lần khẳng định “ý tưởng tốt trước tiên phải giải quyết được vấn đề thị trường, sau đó là xác định thị trường cho vấn đề giải quyết có đủ lớn không”. Cũng theo ông Dũng, độ lớn ở đây sẽ được xác định bởi dòng tiền thuộc mô hình đó.
Vì hầu hết các ý tưởng mà các start-up nghĩ ra thực chất đều đã có rồi nên “cách đơn giản nhất để thực hiện ý tưởng là hãy bắt chước mô hình thành công nhất”, shark Dũng khuyên các start-up.
“Và đôi khi, để khởi nghiệp thành công còn dựa vào sự may rủi và thời điểm. Vì thế, trước khi thực hiện hóa ý tưởng, Founder nên xem lại động lực khởi nghiệp của mình là gì; xem xét mô hình đã có ai làm chưa, nếu thị trường đã có ông lớn thì liệu mình có làm nổi không; và ý tưởng có khả năng thực hiện hóa không (các yếu tố công nghệ, nguồn lực)…”, ông Dũng chia sẻ.
Theo Shark Dzung, trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo thì sản phẩm công nghệ có vòng đời ngắn.Chỉ cần khoảng 6 tháng là biết 1 start-up công nghệ “sống hay chết” và phải thay đổi liên tục. Start-up nhỏ cần vốn mồi nhỏ đủ để sống và nếu không có tiền để qua vòng đầu tư thứ nhất thì chắc chắn không có vòng gọi vốn với những con số đầu tư lên đến chục, trăm triệu USD.
“Điều này cũng giống như khi có Facebook, người ta quên My Space; hay ở Việt Nam, sự thành công của VNG (VinaGame trước đây) đã chiếm hơn 60% thị phần trò chơi trực tuyến. Do đó, chỉ có thể lọt vào Top 3 trong lĩnh vực này, dự án mới có thể thu hút được người sử dụng và tạo ra lợi nhuận cao”, ông Dũng cho biết.
Lời khuyên của Shark Dzung cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là “cần nghiên cứu kỹ khi gọi vốn, phải thuyết phục nhà đầu tư tin mình để thực hiện đầu tư cho việc phát triển kinh doanh sản phẩm”.
Nhắc đến điểm yếu của các start-up Việt, ông Nguyễn Mạnh Dũng từng cho rằng “các Founder (người sáng lập) của start-up Việt có mức độ cọ xát quá ít so với các start-up ở nước ngoài”. Vì vây, một trong những cái cần cải thiện của start – up Việt là kiến thức thực tế và tầm nhìn…
Start-up công nghệ ở Việt Nam có lẽ không lo thiếu cơ hội được đầu tư. Bởi lẽ, shark Dzung từng chia sẻ “nếu dựa trên đánh giá của hơn 400 công ty Nhật Bản thì Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam xếp thứ 3 (sau Indonesia và Thái Lan) là những thị trường thu hút sự quan tâm của họ. Vì thế, ở đâu có cơ hội, chắc chắn sẽ không thiếu phần tham dự của các quỹ”.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) sẽ đánh giá cao và sẵn sàng đầu tư cho các start-up biết nhìn nhận và khai phá lĩnh vực còn nhiều tiềm năng. Giá trị đầu tư của các VC dao động từ 500.000 – 5 triệu USD cho những công ty mới, nhiều tiềm năng và trên 10 triệu USD cho những công ty đã phát triển.
Trong danh mục đầu tư của CyberAgent tại Việt Nam thì phần lớn các khoản đầu tư đều ở dạng “ươm mầm” (seed-funding) hoặc doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu (early-stage). Chỉ có 2 trong số 12 khoản đầu tư là nhằm vào công ty đã phát triển (growth-stage), có lợi nhuận như trường hợp của VNG và VMG.
Thời hạn nắm giữ một khoản đầu tư của VC thường kéo dài từ 3 – 7 năm (thậm chí có thể gia hạn 10 năm).
Một trong 5 yếu tố quan trọng trong cấu trúc của một thương vụ đầu tư là tính thanh khoản. Một khoản đầu tư có tính thanh khoản cao đồng nghĩa với khả năng thoái vốn dễ dàng và đạt tỷ suất lợi nhuận như mong muốn.
Theo Hoàng Loan/VietnamFinance
Nguồn:thuongttruong24h.vn