“Khi con ngỗng đẻ nhiều trứng vàng hơn, những người bị bỏ lại, mà không phải do lỗi của chính họ, vẫn nên được có cơ hội tham gia vào sự thịnh vượng đó. Và đó là nơi mà chính phủ cần ra tay”, Buffett nói.
Ở Mỹ, chúng ta đang sống trong một nền kinh tế thị trường, Warren Buffett nói.
Và trong nền kinh tế như vậy, nhờ vào khả năng đầu tư của mình, Buffett, CEO kiêm Chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway, hiện là người giàu thứ ba trên thế giới, với tài sản 86,6 tỷ USD, theo ước tính của Forbes. Ông có một tài năng thiên bẩm về đầu tư, và được đặt biệt danh là “Nhà tiên tri vùng Omaha”, theo tên một thị trấn ở bang Nebraska, quê nhà của ông.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tiền chỉ kiếm được thông qua một kỹ năng khác nào đó – như khả năng thể thao chẳng hạn? Buffett nói rằng ông sẽ gặp rắc rối.
“Nếu đây là một nền kinh tế thể thao, tôi sẽ chết đói. Bạn có thể dành cho tôi sáu giờ huấn luyện mỗi ngày và tôi có thể tập luyện thêm vào ban đêm, nhưng tôi cũng sẽ chẳng giỏi hơn được chút nào đâu”, Buffett nói với phóng viên Poppy Harlow của CNN tại một bữa trưa từ thiện được tổ chức tại nhà hàng bít tết Smith & Wollensky ở thành phố New York vào hôm thứ Năm. Buffett sử dụng giả thuyết để đưa ra một quan điểm: “Kỹ năng của bạn phù hợp với nền kinh tế thị trường, kỹ năng của tôi phù hợp với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng thế”, ông nói với Harlow.
Đối với những người có kỹ năng không phù hợp, điều đó có thể có nghĩa là họ sẽ gặp khó khăn về tài chính – và làm một điều gì đó về vấn đề ấy là công việc của những người thành công nhất và của chính phủ trong nền kinh tế thị trường, ông nói.
“Chúng tôi muốn có một nền kinh tế thị trường, nhưng một gia đình giàu có không nên bỏ rơi người khác”, Buffett giải thích.
Ông đã nói điều đó trước đây. “Tất cả mọi thứ trước hết nên được dành cho việc đạt năng suất cao hơn. Tuy nhiên, khi con ngỗng đẻ nhiều trứng vàng hơn, những người bị bỏ lại, mà không phải do lỗi của chính họ, vẫn nên được có cơ hội tham gia vào sự thịnh vượng đó. Và đó là nơi mà chính phủ cần ra tay”, Buffett phát biểu tại đại học Columbia hồi năm 2017.
Ví dụ, nền kinh tế đang phát triển “không mang lại lợi ích cho nhà sản xuất thép ở Ohio, thì đó là vấn đề cần giải quyết, bởi vì khi bạn có thứ gì đó tốt cho xã hội, nhưng lại cực kỳ có hại cho các cá nhân nào đó, thì chúng ta phải đảm bảo rằng những cá nhân đó cần được chăm sóc”, Buffett nói trong chương trình PBS Newshour hồi năm 2017.
Vào hôm thứ Năm, Buffett một lần nữa đề nghị cập nhật chính sách khẩu trừ thuế thu nhập cá nhân – một lợi ích về thuế giúp những người đang làm việc nhưng không kiếm được nhiều tiền.
“Khấu trừ thuế thu nhập kiếm được (EITC hoặc EIC), là một lợi ích cho người lao động có thu nhập từ thấp đến trung bình. Để đủ điều kiện, bạn phải đáp ứng các yêu cầu nhất định và nộp tờ khai thuế, ngay cả khi bạn không nợ bất kỳ khoản thuế nào hoặc không bị yêu cầu nộp. EITC giúp giảm số tiền thuế bạn nợ và có thể hoàn trả cho bạn”, theo Sở Thuế vụ của Mỹ cho biết.
“Tôi nghĩ chúng ta có thể cải cách và mở rộng EITC. Mọi người không cần lương tối thiểu, họ cần một số tiền tối đa trong túi của mình và EITC tưởng thưởng cho những người làm việc nhưng cũng giúp ích cho người có kỹ năng không phù hợp với nền kinh tế thị trường.”
Ngoài việc đề xuất chính phủ đóng một vai trò tích cực trong việc tái phân phối của cải, Buffett thực hiện vai trò cá nhân của mình thông qua hoạt động từ thiện. Ông cho rằng ‘vấn đề thực sự’ với nền kinh tế Mỹ là những người như mình.
Bữa trưa nói trên chỉ là một phần của những nỗ lực từ thiện của Buffett. Cùng với tỷ phú Bill Gates, Buffett đồng sáng lập “Cam kết cho đi”, một lời kêu gọi công khai dành cho các tỷ phú để cho đi hơn một nửa tài sản của họ.
Mặc dù nhiều người được hưởng lợi từ nền kinh tế thị trường của Mỹ, nhưng Buffett nói với phóng viên Harlow rằng số lượng tỷ phú ở phố Wall đã hưởng ứng “Cam kết cho đi” của ông là “thấp đến mức không tương xứng” so với các lĩnh vực khác.
Buffett cũng cho biết có một nhóm khác “nói chung là ít muốn” cho đi gia sản của họ hơn vì bản thân họ là “những người thừa kế”.
“Họ cảm thấy giống như đang phá vỡ một giao ước mà ông của họ dành cho cha của họ và cha của họ dành cho họ, vì vậy họ không cảm thấy là nên cho đi tài sản của mình. Thật là khó nếu tất cả tài sản đó cũng gắn chặt với một doanh nghiệp gia đình”, Buffett nói.
Tuy nhiên, Buffett không nghĩ rằng họ nên giữ nó. Thay vào đó, những người may mắn có được tài sản nên giúp đỡ những người kém may mắn khác.
“Phần lớn những gì được xác định về chúng ta là thời điểm chúng ta được sinh ra, nơi chúng ta được sinh ra, và ai sinh ra chúng ta.Ý tôi là được sinh ra trong một môi trường giàu có là một lợi thế cho tương lai sau này của mình và tôi đã may mắn, bạn đã may mắn, hầu hết bạn bè của chúng ta đều đã may mắn, nhưng vẫn còn nhiều người thì không được như vậy”, Buffett nói.
Theo Trí thức trẻ/CNBC