Việc chống ngập bằng máy bơm được đánh giá là không khả thi, lãng phí; thiết kế của công trình này chưa đúng tiêu chuẩn thoát nước .
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) gần đây lại bị ngập, dù những lần thử nghiệm máy bơm công suất lớn trước đó đều thành công. Nghiêm trọng nhất là trận mưa đêm 1/6 khiến cả đoạn đường biến thành sông, ngập lút yên xe máy.
Công ty Quang Trung (chủ đầu tư máy bơm) cho rằng, rác đã gây nghẽn cống khiến nước không về trạm bơm và không loại trừ khả năng có hành vi “cố tình phá hoại”. Lãnh đạo TP HCM đã đề nghị chuyên gia, nhà khoa học vào cuộc tìm nguyên nhân.
Chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm thoát nước
Trao đổi với VnExpress, Kỹ sư Vũ Hải (hơn 50 năm công tác trong lĩnh vực cấp thoát nước, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa và ĐH Xây dựng Hà Nội) đánh giá, chủ đầu tư giỏi chế tạo máy bơm nhưng lại không phải là đơn vị thoát nước chuyên nghiệp. Họ đã thiết kế công trình không đúng quy phạm, tiêu chuẩn thoát nước, dẫn đến việc chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh không hiệu quả.
Ông Hải phân tích, máy bơm phải hút từ bể chứa mới đủ nước để vận hành. Trong khi đó hệ thống đang hút nước trực tiếp từ đường phố, dẫn đến tình trạng thiếu nước, máy bơm không hoạt động.
Về nguyên tắc thiết kế, một trạm cần 2-3 máy bơm. Lúc mưa nhỏ dùng một cái, khi mưa to thì tăng số lượng. Hiện, chủ đầu tư dùng duy nhất một máy bơm, khi hư hỏng sẽ bị động.
Máy bơm công suất lớn, tốc độ nước chảy vượt quá tiêu chuẩn có thể làm vỡ ống. Nhất là phải bơm nước nhiều lần nên khả năng bục vỡ ống là rất cao. Lực hút của máy rất mạnh khiến bùn rác luôn bị cuốn vào trong, làm tắc ống.
“Theo tôi không có ai phá hoại máy bơm. Ống bơm có lực chảy nhất định nhưng đang bị cưỡng bức phải chảy nhanh, khiến hệ thống ống rơi vào tình trạng không an toàn. Thực tế là sau một thời gian sử dụng ống bơm đã xuất hiện hàng tấn rác và đơn vị thoát nước đô thị phải vào cuộc dọn dẹp, khơi thông”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo ông Hải, chống ngập bằng máy bơm chỉ giải quyết bề nổi, không phải giải pháp lâu dài. Trong khi ngập đang là vấn đề lớn của thành phố, nếu vẫn giữ lối tư duy cứng nhắc sẽ khó giải quyết triệt để.
Đường ngập nhưng máy bơm thiếu nước hút
Tương tự, TS Hồ Long Phi (chuyên gia thoát nước) cho rằng, việc dùng máy bơm công suất lớn chống ngập cấp bách cho đường Nguyễn Hữu Cảnh cần tính toán khoa học hơn.
Hệ thống thoát nước tại tuyến đường không đồng bộ, trong khi máy bơm chưa được áp dụng kiến thức về thủy lực, khiến lượng nước về không đủ cho máy hoạt động. Nếu dùng máy bơm công suất nhỏ nhưng chia thành nhiều lưu vực sẽ hiệu quả, hợp lý hơn.
“Giải pháp dùng máy bơm chống ngập là cần thiết cho những khu trũng. Nhưng nó chỉ mang tính tình thế, không thể áp dụng ngày này qua tháng kia. Thành phố phải có những giải quyết căn cơ hơn, đặc biệt là đối với đường Nguyễn Hữu Cảnh và những khu ngập nặng khác phải có hệ thống thoát và ngăn nước”, ông Phi nói.
Siêu máy bơm được đánh giá chống ngập thành công sau hơn chục lần chạy thử nghiệm. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Lãng phí mà không hiệu quả
Đứng ở góc độ nhà quy hoạch kiến trúc, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc lắp máy bơm chống ngập là xử lý phần ngọn, trong khi cốt lõi vấn đề là vì sao nước chỉ tập trung ở đó.
Theo ông, thành phố phải tổ chức lại không gian xanh và không gian nước cho các khu vực ngập, vừa ít tốn kém lại hiệu quả lâu dài. Chú ý việc cân đối độ bêtông hóa, độ dốc và độ nền của khu vực xung quanh; đồng thời phải làm những không gian chứa nước tạm thời như: hồ điều tiết, hồ chứa nước ngầm, hệ thống thoát nước từ những hồ này ra sông, để đối phó với những trận mưa lớn.
“Có như thế thì vấn đề mới được giải quyết. Còn việc thấy ngập ở đâu thì lắp máy bơm ở đó sẽ lãng phí tiền tỷ mà không hiệu quả”, ông Sơn nói.
Hữu Nguyên – Minh Ngọc
Nguồn::vnexpress.vn