Nhìn những tấm hình và cả clip về công trình kí túc xá sinh viên với giá trị đầu tư gần 700 tỉ đồng tại Đà Nẵng sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đang dở dang và hoang hóa mà không cảm thấy xót mới là lạ.
Xót vì trên thực tế sinh viên đang rất cần chỗ ở nhưng không phải em nào cũng có chỗ ở tươm tất. Xót vì dự án sử dụng vốn vay (trái phiếu) nhưng lại để lãng phí.
Trái phiếu Chính phủ chính là khoản nợ của nhà nước, hay nói cách khác đó là khoản vay dài hạn. Phải vay để xây dựng dự án, trong khi dự án để hoang hóa thì còn sự lãng phí nào bằng?
Sự hoang hóa không phải chỉ trong một, hai năm mà đã bốn năm trôi qua. Có thể nói, đây là công trình kí túc xá khá đồ sộ, nếu hoàn thành có thể giải quyết chỗ ở cho khoảng 10.000 sinh viên, và còn trở thành một khu kí túc xá điểm, với nhiều hạng mục công trình trên diện tích đến 9ha, thật sự là nơi đáng sống cho sinh viên như thành phố mà họ đến học tập.
Tình trạng thiếu vốn đối với nhiều dự án, công trình sử dụng tiền nhà nước diễn ra khá phổ biến.
Tuy nhiên, để một công trình đang xây dựng dở dang bị đình trệ, bị hoang hóa tới bốn năm (từ 2014), thì sự xuống cấp của nó thực chất đã “gặm nhấm” dần vào những giá trị đã đầu tư.
Thậm chí còn mất nhiều hơn thế. Bởi khi công trình đang xây dựng dở dang thì bị đình trệ và phơi sương phơi nắng chắc chắn sẽ bị xuống cấp, thì kinh phí để hoàn thiện nó càng tốn kém hơn trước.
Hơn nữa theo thời gian, cả vật tư, thiết bị và nhân công đều tăng sau bốn năm thì các tính toán về giá trị đầu tư cũng sẽ bị đội lên nếu muốn hoàn thành dự án để đưa vào sử dụng. Chẳng ai muốn để tồn tại một công trình hoang hóa như thế nhưng phải làm gì để khắc phục mới là điều đáng nói.
Mỗi năm thu xếp thêm một khoản vốn để xây dựng hoàn thiện từng khu hay một số hạng mục đưa vào sử dụng chính là một cách hạn chế lãng phí do công trình để hoang. Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá lại nhu cầu ở kí túc xá của sinh viên tham chiếu từ các trường để tránh tình trạng không khớp giữa cung và cầu.
Bởi sau nhiều năm công trình xây dựng kí túc xá vẫn chưa hoàn thành, nhưng nhu cầu chỗ ở của sinh viên có thể đã diễn biến khác nhờ những nguồn cung chỗ trọ trong nhân dân hoặc kí túc xá do các trường tự xây dựng góp phần giải quyết một phần không nhỏ nhu cầu chỗ trọ của sinh viên.
Làm được điều này cũng sẽ giúp tránh tình trạng lãng phí, từ đó có thể chuyển đổi công năng của một phần dự án rộng đến 9ha sang mục đích sử dụng khác nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Thế Lâm / Lao Động