CFLD – tập đoàn chuyên về khu công nghiệp của tỷ phú hàng đầu Trung Quốc đã thâu tóm những dự án khu đô thị và khu công nghiệp quy mô lớn tại vị trí đắc địa của Nhơn Trạch, Đồng Nai từ doanh nghiệp Việt.
Đối tác chiến lược
Đầu năm 2018, Tổng công ty Tín Nghĩa công bố việc thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch liên doanh với Công ty VNIC 2 Pte., Ltd – thành viên của Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD), vận hành dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn quy mô hơn 940 ha, tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, theo tìm hiểu của PV Nhadautu.vn, ngày 9/11/2017, Công ty VNIC 2 Pte., Ltd và Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch đã ký hợp đồng liên doanh đồng ý thực hiện thành lập Công ty TNHH Thành phố Công nghiệp mới Nhơn Trạch. Tổng giá trị hợp đồng hợp tác kinh doanh là 566,25 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch góp 20% vốn điều lệ, tương đương 113,25 tỷ đồng. Tài sản góp vốn là giá trị quyền sử dụng khu đất có tổng diện tích là 1.061.928m2. Các bên nhất trí xác định giá trị quyền sử dụng khu đất này là 1.045,57 tỷ đồng. Phần giá trị quyền sử dụng đất cao hơn phần góp vốn của công ty là 932,3 tỷ đồng sẽ được Công ty TNHH Thành phố Công nghiệp mới Nhơn Trạch thanh toán lại bằng tiền.
VNIC 2 Pte., Ltd (đối tác nước ngoài) góp 80% vốn điều lệ, tương đương 453 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn có tổng diện tích 942ha nằm ở vị trung tâm của Đô thị mới Nhơn Trạch, thuộc cửa ngõ phía Đông của TP.HCM, được quy hoạch bởi hai đơn vị tư vấn Ubiz – Hồng Kông và EDAW/AECOM – Mỹ.
Đông Sài Gòn có ưu thế về mặt giao thông vì tọa lạc trên hai trục đường chính của Nhơn Trạch đó là đường Tôn Đức Thắng (25B) rộng 80m đi Quốc lộ 51 và đường Nguyễn Ái Quốc (25C) rộng 100m đi sân bay quốc tế Long Thành; liền kề với đường vành đai 3 TP.HCM rộng 120m kết nối vào đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây qua Cầu Quận 9 ở phía Bắc và đường cao tốc Bến Lức – LongThành ở phía Nam.
Sau khi lập liên doanh với đối tác nước ngoài là công ty con của CFLD, dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn được đổi tên thành dự án Swan Park Đông Sài Gòn. Bản thân dự án Đông Sài Gòn là dự án “khủng” không chỉ bởi quy mô lên đến hơn 940ha mà còn bởi số vốn đầu tư được công bố tới 6 tỷ USD nhưng được xem là dự án “bánh vẽ” khá lâu.
Đến nay, sau khi về tay CFLD, dự án đã hoàn thiện khâu giải phóng mặt bằng và hạ tầng giao thông.
Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD) thành lập từ năm 1998 được biết đến là một trong 10 tập đoàn bất động sản đứng đầu ở Trung Quốc, chuyên phát triển các thành phố công nghiệp.
CFLD đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế “Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc”, sông Dương Tử với chiến lược “một vành đai, một con đường” và vùng châu thổ sông Châu Giang. CFLD đã hiện diện trên hơn 50 vùng miền trên thế giới trong đó có Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Hoa Kỳ… Tính đến tháng 6/2016, CFLD có trên 1.100 đối tác chiến lược trong lĩnh vực thành phố công nghiệp, có khoản đầu tư vốn khoảng 4,1 tỷ USD.
Theo cập nhật bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes ngày 15/9/2018, tỷ phú Wang Wenxue – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn CFLD đứng thứ 424 người giàu thế giới, với khối tài sản 4,7 tỷ USD.
Ẩn số Thành Thành Công
Trong khi đó, Tổng công ty Tín Nghĩa có tiền thân Công ty Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Đồng Nai – một doanh nghiệp nhà nước – ra đời năm 1989.
Năm 2009, Tỉnh ủy Đồng Nai đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình hoạt động công ty với tên gọi tắt Tổng công ty Tín Nghĩa, và đến năm 2010, được chuyển sang hoạt động theo mô hình “công ty mẹ – công ty con””.
Đến năm 2016, Tín Nghĩa được cổ phần hóa với cơ cấu cổ đông tính đến ngày 30/6/2018 gồm đại diện phần vốn Nhà nước do Văn phòng tỉnh ủy Đồng Nai nắm giữ 48,06%; Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) của ông Đặng Văn Thành sở hữu 33,64%; cổ đông khác nắm giữ 18,3%. Tổng vốn điều lệ tính đến hết ngày 30/6/2018 của Tín Nghĩa là 2.000 tỷ đồng.
Để trở thành cổ đông chiến lược của Tín Nghĩa, Thành Thành Công đã chi ra khoảng 500 tỷ đồng. Các lĩnh vực hoạt động của Thành Thành Công và Tín Nghĩa khá đồng điệu với nhau: từ kinh doanh nông sản, bất động sản, phát triển khu công nghiệp đến logistics, du lịch…
Tín Nghĩa cùng với Tổng Công ty Sonadezi hiện quản lý hầu hết các khu công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, gồm có KCN Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 6D, Tam Phước, Bàu Xéo, Tân Phú…
Chưa kể Tín Nghĩa còn có nhiều dự án tham vọng trong lĩnh vực khu đô thị và du lịch như Khu đô thị Đông Sài Gòn (Nhơn Trạch, Đồng Nai), Bàu Trúc Resort (Ninh Thuận), Cù lao Tân Vạn (Biên Hòa, Đồng Nai)… Trong đó, dự án đáng kể nhất là Khu đô thị Đông Sài Gòn được đầu tư bởi công ty con Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch (NIC).
Tại Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch, Tổng Công ty Tín Nghĩa nắm giữ 51,76% (656,5 tỷ đồng); Ngân hàng TM Cổ phần Đại Á (nay là HD Bank) nắm giữ 9,84% và Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) sở hữu 7,57%.
Tham vọng của CFLD
Trước đó, hồi tháng 9/2016, Tổng công ty Tín Nghĩa và Tập đoàn CFLD đã ký thỏa thuận ghi nhớ về việc xây dựng thành phố công nghiệp mới và Khu công nghiệp Ông Kèo tại Nhơn Trạch.
CFLD cũng được biết đến là đơn vị đã chi hơn 65 triệu USD thông qua 2 công ty con là CFLD Investment 27 Pte., Ltd và CFLD Investment 28 Ptd., Ltd để nắm giữ hơn 70% cổ phần tại dự án Khu đô thị Đại Phước Lotus từ hai quỹ đầu tư VNL và VOF (thuộc Tập đoàn VinaCapital).
Dự án này trước thuộc sở hữu của liên doanh Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) và Tập đoàn Vina Capital. Trước khi về tay CFLD, dự án này đã có một thời gian dài bị đình trệ (được chấp thuận đầu tư từ năm 2005). Đến năm 2017, sau khi hoàn thành 2 khu biệt thự và villa cuối, VinaCapital đã nhượng lại toàn bộ phần đất chưa triển khai và một số hạng mục của Đại Phước Lotus cho CFLD.
Sau khi được nhượng lại cho CFLD, Đại Phước Lotus đã được đội tên thành Swan Bay Đại Phước và tiếp tục phát triển thêm nhiều hạng mục biệt thự và villa nghỉ dưỡng.
Đại Phước Lotus được mệnh danh là “hòn ngọc phía Đông Sài Gòn với quy mô 464ha và địa thế hình giọt nước, được bao bọc bởi sông Sài Gòn. Dự án có vị trí tương đối thuận lợi khi nằm trên cù lao Ông Cồn tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), tiếp giáp với quận 2 và quận 9 của TP. HCM với các tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 51A nối quốc lộ 1 với TP. Vũng Tàu, cao tốc Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành kết nối sân bay Long Thành trong tương lai.
Được biết, trong tương lai, CFLD sẽ cho giới thiệu dự án đầu tiên tại phân khúc Hà Nội là Swan City Láng Hòa Lạc.
Anh Mai
Theo Nhà đầu tư