-
Các nhà tâm lý gọi 30 là mốc trưởng thành của người trẻ. Nhưng tại sao một số người tuổi 30 đã có nhà, xe, công việc vững vàng còn nhiều người khác vẫn sống ngày nào lo ngày ấy? Đó có thể vì những thói quen tài chính có hại dưới đây, theo Bright Side:
Coi tiền từ thẻ tín dụng như tiền mình có
Thẻ tín dụng không phải là một nguồn thu nhập nhưng nhiều người lại không nhớ điều này. Hạn mức cao trong tài khoản thẻ tín dụng thường tạo ra ảo tưởng về số tiền bạn có thể tiêu. Nhưng để không phải trả lãi ngân hàng, hãy trả khoản nợ này hằng tháng và chi tiêu có kế hoạch.
Không mặc cả
Mặc cả là một nghệ thuật và kỹ năng đặc biệt cho những người thích tiết kiệm tiền. Bạn có thể mặc cả ở mọi nơi. Khi mua căn hộ, đồ nội thất hay cả các thiết bị – luôn có cơ hội được giảm giá nếu bạn có khả năng thương lượng tốt.
Ảnh: Business Insider.
Không hỏi ý kiến bạn thân, người nhà khi mua tài sản lớn
Gia đình không chỉ hỗ trợ bạn những lúc khó khăn. Khi định mua những món lớn, đừng quên hỏi lời khuyên của cha mẹ, vợ/chồng mình nếu bạn còn băn khoăn.
Tiêu tiền cho rượu, thuốc lá
Hút thuốc, uống rượu và dùng đồ ăn nhanh không chỉ hại cho sức khỏe mà còn “đau” ví tiền. Các chuyên gia tài chính tính rằng trung bình một công dân Mỹ tiêu khoảng 5.000 đôla một năm vào những thứ này.
Mua quần áo không hợp với những trang phục đã có
Giày sáng màu bạn chỉ có thể sử dụng vài lần hay chiếc túi cực mốt trông lạc loài trong tủ quần áo của bạn sớm muộn cũng ảnh hưởng tới tình hình tài chính. Bạn nên thành thật với hiện trạng tài chính của bản thân và luôn mua đồ có thể dễ phối hợp với những thứ đã có.
Nhẵn túi vào cuối tháng
Còn một tuần nữa mới có lương nhưng bạn đã phải ăn uống tằn tiện vì tài khoản sắp cạn tiền. Nếu có ngân sách hợp lý, bạn sẽ không rơi vào tình huống này. Nên cân nhắc khi chi tiền cho những thứ không cần thiết để luôn có khoản dắt lưng cho những việc phát sinh.
Gọi điện thoại vô tội vạ
Thời nay, có nhiều cách giúp bạn kết nối mà không tốn tiền gọi điện. Hãy tận dụng các ứng dụng, internet để thực hiện các cuộc gọi video chẳng tốn đồng nào.
Mua sắm để giải khuây
Mua sắm để nâng tinh thần là thói quen tiêu tiền xấu. Theo các chuyên gia tài chính, khi mua sắm kiểu này, bạn dễ sắm phải những món không cần thiết. Và dù các món đó không tốn bao nhiêu, bạn sẽ tiêu một khoản lớn nếu tính tổng cả năm.
Ngoài ra, mua sắm thiếu suy nghĩ cho thấy bạn không giải quyết đúng khúc mắc tâm lý của mình, có thể do thiếu tự tin hay mắc vấn đề nào đó từ thời thơ ấu.
Có nhiều niềm vui miễn phí – đi dạo với bạn bè, chơi thể thao ngoài trời… đều cải thiện tâm trạng tốt hơn cả mua sắm.
Không lên kế hoạch trước cho kỳ nghỉ
Để có kỳ nghỉ ngẫu hứng, bạn có thể tiêu tốn khoản lớn vì giá vé máy bay và phòng nghỉ thường đắt hơn nhiều. Khi đi du lịch, thứ 2 và thứ 4 là rẻ nhất. Thời điểm đắt đỏ nhất là chủ nhật, vào tháng 7 và tháng 12.
Mua đồ lẻ tẻ, tiện đâu mua đấy
Đừng nghĩ chỉ những bà nội trợ có tuổi mới mua tích trữ. Chẳng có gì xấu khi mua nhiều và dự trữ, nhất là với những thứ có thể để được thời gian dài.
Trữ những đồ cần thiết như ngũ cốc, giấy vệ sinh, dầu gội đầu, bột giặt sẽ ngăn bạn mua những thứ mình không cần vì ít phải lang thang vào siêu thị, cửa hàng. Nhưng nên nhớ là các cửa hàng thường giảm giá cho những món đồ chất lượng thấp, vì thế, hãy chọn cẩn thận.
Vương Linh (VnExpress)