Khi bỏ tiền ra mua một nội dung như ứng dụng, phim hay nhạc trên iTunes thì chúng ta đều chắc mẻm rằng chúng ta sở hữu nó vĩnh viễn, không tính tới dạng nội dung thuê có hạn theo tháng hay thuê bao trả tiền theo định kỳ. Tuy nhiên, vụ việc của một người dùng tên Anders G da Silva dưới đây khiến chúng ta phải suy nghĩ lại. Chúng ta có thể không toàn quyền sở hữu những gì đã mua trên iTunes bởi một khi nội dung được gỡ bỏ bởi nhà phát hành, điều này đồng nghĩa chúng ta mất trắng!
Anh này phát hiện ra một loạt các bộ phim đã mua trên iTunes một ngày đẹp trời không cánh mà bay, không còn xem được nữa. da Silva có vẻ như ở Canada và vụ việc liên quan đến iTunes tại đây. Một nhân viên của Apple phản hồi rằng: “Sau khi xem xét trường hợp của anh thì tôi nhân ra nhà cung cấp nội dung đã loại bỏ những bộ phim này ra khỏi iTunes Storetại Canada thế nên chúng không có sẵn tại Store này vào thời điểm hiện tại.”
Những bộ phim trên iTunes có giá từ khoảng $10 đến trên $20, anh da Silva có vẻ như đã chi khoảng $30 đến $60 cho 3 bộ phim. Nhưng trong email trả lời, Apple lại gợi ý rằng sẽ “đền” cho da Silva bằng 2 vé thuê phim để anh có thể thuê phim xem trên iTunes Store với trị giá mỗi phim không quá $5,99. Như vậy khoảng đền bù này không đáng là bao so với số tiền mà anh đã bỏ ra mua phim.
Khi phản hồi rằng không thích thuê phim, muốn trả lại phim đã mua hoặc trả lại tiền thì Apple trả lời rằng: iTunes hay App Store chỉ là cửa hàng thôi và chức năng là một nền tảng hay một nơi để các nhà cung cấp nội dung bán thứ họ có (ở đây là nhà phát hành phim bán phim). Do đó Apple chỉ có thể cung cấp những thứ mà các xưởng phim hay nhà phát hành phim có sẵn. Do những bộ phim mà da Silva mua đã bị gỡ bỏ khỏi Store tại Canada thành ra Apple không thể cung cấp bản copy của các phim này. Ngoài ra, những thanh toán của da Silva (mua phim) đủ điều kiện để bồi hoàn!
Tội anh da Silva thật nhưng đó là Apple – công ty ngàn tỉ đô đầy quyền lực trong giới công nghệ. Apple đã thay đổi cái cách mà ứng dụng, nội dung được phân phối trên các thiết bị di động và App Store cũng chỉ là cái cửa hàng “ký gởi” nơi ai muốn bán gì thì bán (dĩ nhiên phải được kiểm duyệt để đảm bảo chất lượng). Apple đứng ở vị thế trung gian, người dùng bỏ tiền ra mua ứng dụng hay nội dung như phim nhạc thì Apple ăn % giống như tiền môi giới vậy, phần còn lại là giữa người mua (người dùng) và người bán (nhà phát hành ứng dụng, phim, nhạc …).
Da Silva sẽ khó mà đòi được tiền hay phim đã mất vì chắc chắn Apple đã chuẩn bị kỹ càng những điều khoản giữa hãng và khách hàng để phòng hờ những vụ việc như trên. Vấn đề chỉ là Apple đáng nhẽ ra phải làm rõ vai trò của mình khi đứng ra bán nội dung cho người dùng. Quan trọng nhất là phải khiến người dùng hiểu được họ bỏ số tiền đó ra và họ được sở hữu nội dung đó như thế nào.