Các trợ lý cho ông Trump nói tổng thống tin rằng Mỹ đang ở thế tay trên so với Trung Quốc, với khả năng áp đặt thuế quan lên một lượng hàng hóa lớn hơn nhiều con số Trung Quốc có thể đáp trả vì Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.
Theo các nhà phân tích, phía Trung Quốc có lý do chính trị riêng để không đầu hàng. Tuy nhiên, đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, việc nhượng bộ trước tổng thống Mỹ sẽ được coi là dấu hiệu của sự yếu đuối.
Trên đây là nhận định chung của nhiều nhà phân tích trên thế giới. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bắt đầu có những lo ngại về sự kéo dài của cuộc chiến tranh thương mại có thể gây ra nhiều tổn hại cho cả 2 cường quốc so với mức người ta dự đoán. Cùng với đó, thế giới cũng bắt đầu đặt những câu hỏi hồ nghi rằng “Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ kéo dài, Mỹ sẽ được gì?” hay “Liệu cuộc chiến thương mại sẽ kết thúc như thế nào?”
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán SSI, cho rằng, “Trung Quốc không thiệt hại nhiều như mọi người nghĩ”.
Ông Hưng cho biết, một số nhà kinh tế và chính trị cấp cao đã chia sẻ phương án hành động tiếp theo của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, rằng “Trung quốc sẽ không lớn tiếng đấu khẩu, hạn chế việc ra các đòn trừng phạt bằng cách đánh thuế hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ, họ sẽ im lặng và triển khai theo cách rất “Trung Quốc”.
Tức là, Trung Quốc sẽ triển khai mọi hành động trong im lặng miễn sao đạt mục tiêu mà họ ngầm đặt ra. Họ sẽ chấp nhận thua “trận chiến trước mắt” gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc để nhân cơ hội Mỹ đang bảo hộ các công ty Mỹ bằng đánh thuế hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, để thực thi các hàng rào kỹ thuật chiến thuật nhằm bảo hộ cho các công ty của Trung Quốc kiểm soát thị trường 1,4 tỉ dân nội địa.
Viện dẫn thêm lý do, ông Hưng cho rằng, sau 40 năm cải cách kinh tế, mở cửa thị trường kêu gọi đầu tư nước ngoài theo cách Trung Quốc, hiện các doanh nghiệp Trung Quốc đã có đủ tiềm lực, cả kỹ thuật và tài chính để có thể cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài. Nay có thêm chủ trương hỗ trợ của chính phủ chắc chắn họ sẽ có nhiều ưu thế trong “cuộc chiến lâu dài” này.
“Trung quốc thực chất không thiệt hại nhiều như mọi người nghĩ vì Trung quốc xuất khẩu chỉ chiếm 19% GDP và trong số đó 19% xuất khẩu vào Mỹ, nên thuế quan vào Mỹ chỉ ảnh hưởng chưa đến 4% GDP”, ông Hưng bổ sung.
Riêng về ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung với kinh tế Việt Nam, ông Hưng lại lên tiếng cảnh báo. Cụ thể, “Đúng là Việt nam đang có chút cơ hội trước mắt khi cuộc chiến thương mại Trung Mỹ xảy ra, nhưng thực chất quy mô sản xuất của chúng ta hiện nay là quá nhỏ nên cũng chẳng tận dụng được bao nhiêu”.
Không những thế, trong tình hình này, nếu Việt Nam không tỉnh táo, vẫn tiếp tục kêu gọi FDI bằng các chính sách ưu đãi và theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng gia công hàng xuất khẩu thì lợi sẽ là rất ngắn hạn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta hiện tại đã là 200% GDP. Thị trường Trung Quốc lại luôn gắn chặt với thị trường Việt nam, nên điều quan trọng nhất lúc này là cần có chiến lược gì để các doanh nghiệp Việt nam không đánh mất vị thế tại thị trường 100 triệu dân của mình. “Đây mới chính là lợi ích bền vững và lâu dài cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trật tự thế giới mới?
Khi cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung lan rộng ra nhiều lĩnh vực, thậm chí có những lo lắng rằng căng thẳng thương mại về lâu dài có thể khiến viễn cảnh về một cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc là điều có thể xảy ra. Một câu hỏi được đặt ra ngay lúc này là: liệu cuộc chiến thương mại sẽ kết thúc thế nào?
Ông Richard McGregor, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Lowy ở Australia, đánh giá trên Los Angeles Times cho rằng “tôi không nghĩ chúng ta sẽ kết thúc với việc nước này chế ngự được nước kia”.
“Tôi nghĩ chuyện này nghiêm trọng. Nó đa chiều và hoàn toàn có thể kéo dài trong vài thập kỷ nữa. Nhưng nó sẽ tệ đến thế nào? Tôi không nghĩ có ai đó nói về xung đột quân sự toàn diện hay thậm chí tranh chấp quân sự lẻ tẻ”.
Nơi mà Washington và Bắc Kinh có thể đi đến trong thập kỷ tới là một thực tế phức tạp hơn nhiều. Mỹ và Trung Quốc đang cùng tạo ra một “vùng xám” vô định mới, không chỉ là sự chia rẽ kinh tế từng định hình quan hệ Mỹ – Liên Xô trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, mà còn là thoát ra khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ cao được nhìn thấy trong những năm đầu thế kỷ 21.
Theo tác giả Abigail Grace, nghiên cứu viên tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ giai đoạn 2016-2018: “Sự ủng hộ rộng rãi tại Mỹ dành cho lập trường cứng rắn hơn về kinh tế hơn với Bắc Kinh, bối cảnh chính trị trong nước phức tạp ở Trung Quốc, và nhận thức của cả hai về nhu cầu đa dạng hóa một cách lành mạnh quan hệ kinh tế, sẽ có thể tạo ra một loại quan hệ mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Từ đó, có thể hình thành nên bối cảnh mới cho trật tự thế giới”.