Dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy – ngã tư Sở đã được cơ quan chức năng của Hà Nội nghiên cứu từ năm 2012. Song, do nhiều vướng mắc khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và công tác GPMB nên mãi đến ngày 22-4-2018, dự án mới chính thức được khởi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Theo đó, đoạn đường bằng sẽ có chiều dài trên 3km, với điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy và điểm cuối tại nút giao ngã tư Vọng. Sau khi hoàn thành, tuyến đường Minh Khai nhỏ hẹp hiện nay sẽ được mở rộng ra từ 53,5 – 63,5m với 6 làn xe ô tô, 2 làn xe thô sơ, vỉa hè mỗi bên rộng từ 4 – 6m.
Đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao ngã tư Sở, phía đường Trường Chinh. Tổng chiều dài đoạn này khoảng 5km, với các hạng mục như cầu chính (bề mặt 19m), cầu dẫn (bề mặt 7m) và các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại 3 vị trí là cầu Vĩnh Tuy, ngã tư Vọng và ngã tư Sở.
Dự án được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT, với tổng vốn đầu tư khoảng 9.400 tỉ đồng, trong đó 4.194 tỉ đồng chi cho giải phóng mặt bằng. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và UBND TP Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào đầu tháng 3-2018.
Đoạn đường Trường Chinh đã hoàn thành công tác GPMB và thi công xong phần cột.
Tuyến đường từ cầu Vĩnh Tuy nối dài theo đường Minh Khai – Trường Chinh đến ngã tư Sở đi qua địa bàn 4 quận gồm Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa và Thanh Xuân.
Đây cũng là một trong những “điểm đen” về ùn tắc giao thông ở Hà Nội, nhất là đoạn từ Minh Khai đi Trường Chinh luôn trong tình trạng tắc nghẽn vào tất cả các khung giờ.
Nguyên nhân là do tuyến đường này phải chịu áp lực giao thông lớn, một phần từ mật độ dân cư cao trong khu vực, đặc biệt là dân cư hai bên tuyến đường. Những năm gần đây, tuyến đường này còn phải gánh thêm một lượng lớn cư dân của hàng chục chung cư cao tầng mới mọc lên. Trong khi lòng đường thì nhỏ hẹp, nhiều nút thắt, không đồng đều, không đáp ứng được nhu cầu lưu thông thực tế.
Mặt khác, từ khi cầu Vĩnh Tuy được xây mới, lưu lượng giao thông từ phía Long Biên, Gia Lâm… ra vào nội thành qua tuyến đường này lại ngày càng gia tăng.
Điểm đầu dự án khu vực đường Minh Khai – Hai Bà Trưng.
Do đó, việc đầu tư xây dựng Vành đai 2, bao gồm mở rộng và xây đường cả đường trên cao và dưới thấp, qua khu vực này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, được kỳ vọng sẽ giải được bài toán quá tải về hạ tầng cho khu vực cũng như các chung cư cao tầng 2 bên.
Theo quan sát của CafeLand, đến nay dự án đã triển khai xây dựng đoạn từ ngã tư Vọng đến ngã tư Sở và đoạn từ cầu Mai Động đến chân cầu Vĩnh Tuy, đặc biệt là đoạn đường Trường Chinh cơ bản đã hoàn thành cột trụ và đang chuẩn bị đổ bê tông dầm mặt cầu.
Đoạn đường Minh Khai (đối diện Time City) đã GPMB và đang thi công.
Tuy nhiên, công tác GPMB đoạn từ cầu Mai Động đến ngã tư Vọng vẫn chưa được thực hiện. Không chỉ thường xuyên ùn tắc, bộ mặt đô thị trên tuyến đường, nhất là khu vực Vĩnh Tuy – Minh Khai, cũng đang trong tình trạng nhếch nhác, tạm bợ và đầy khói bụi.
Dọc hai bên đường, hàng quán, cửa hiệu mọc lên san sát, nhưng đa số là các cửa hàng nhỏ, cũ kỹ, tiểu thương đua nhau lấn chiếm vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường khiến cho tình hình giao thông khu vực này ngày càng trở nên phức tạp.
Dự án đường Vành đai 2 được kỳ vọng sẽ giải được bài toán quá tải về hạ tầng giao thông trong khu vực.
Đoạn qua khu vực cầu Mai Động, đường Minh Khai vẫn chưa được GPMB.
Đoạn Đại La nối Trường Chinh.
Theo nhận định của giới chuyên gia giao thông, tuyến đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy – ngã tư Sở có vai trò rất quan trọng với hướng lưu thông từ phía đông thành phố vào khu vực trung tâm, kết nối một số trục đường chính khác như Giải Phóng – QL1, Nguyễn Trãi – QL6…
Do đó, chừng nào tuyến đường còn chưa được mở rộng, nâng cấp, bài toán ùn tắc giao thông khu vực này vẫn chưa được giải quyết. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến mạng lưới giao thông đô thị của thủ đô.