Chiều ngày 28-9, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi họp báo thường kỳ báo cáo kết quả công tác 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ quý 4-2018. Nhiều vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm đã được đặt ra, trong đó có vấn đề liên quan đến phương án sửa chữa cầu Thăng Long – Hà Nội cũng như kinh phí sửa chữa công trình này.
Thứ trưởng Nguyễn Ngoc Đông chủ trì họp báo.
Ông Đông cho biết, ngày 17-9 vừa qua, đoàn chuyên gia của Nga đã sang khảo sát hiện trạng cầu Thăng Long – Hà Nội. Trong đoàn có một số chuyên gia từng tham gia xây dựng cây cầu này. Về phương án sửa chữa, hiện bộ chưa có phương án cụ thể vì đang phải lấy ý kiến đánh giá của các chuyên gia Nga. Sau đó, các giải pháp, phương án xử lý sẽ được đưa ra để so sánh trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Vị thứ trưởng cũng cho biết đã nhận được đề nghị từ các chuyên gia Nhật Bản và Đức về phương án sửa chữa cầu Thăng Long. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải đánh giá, xem xét”, ông Đông nói.
Đối với kinh phí sửa chữa cầu, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Thời gian thực hiện phụ thuộc vào phương án, số tiền sửa chữa cầu sẽ lấy từ quỹ bảo trì đường bộ”.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội từ chối nhận quản lý cầu Thăng Long do bề mặt của cây cầu này bị rạn nứt và hằn lún trên diện tích hơn 10.000m2.
Cầu Thăng Long hoàn thành vào năm 1985, đến nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Được biết, năm 2009, mặt cầu Thăng Long đã được trải lại toàn bộ lớp nhựa mặt cầu tầng 2. Nhưng do công nghệ nay chưa thực sự hiệu quả nên từ đó tới nay, lớp bê tông nhựa bị xô dồn, nứt ngang mặt do bê tông nhựa mới sửa không bám dính với bản mặt thép của cầu, khi xe chạy gây lực trượt làm cho lớp nhựa mặt đường trượt trên mặt thép, tạo ra các điểm dồn ụ mấp mô và các vết nứt làm nước thấm xuống. Do đó, quá trình “phá hoại” lớp thảm nhựa diễn ra nhanh hơn khi trời mưa.
Giai đoạn năm 2012-2013, mặt cầu Thăng Long được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.
Từ năm 2016 đến nay, mặc dù được thực hiện sửa chữa cục bộ để đảm bảo giao thông nhưng thời gian gần đây do mưa nhiều nên mặt cầu lại tiếp tục bị trồi sụt.
Cầu Thăng Long – Hà Nội được khởi công xây dựng ngày 26-11-1974 và chính thức khánh thành vào 9-5-1985. Đây là cây cầu duy nhất của Hà Nội có thời gian thi công lâu nhất (11 năm). Ban đầu, cầu do Trung Quốc giúp xây dựng, nhưng đến năm 1978, Trung Quốc cắt viện trợ và rút hết các chuyên gia về nước khiến cho công trình bị bỏ dở. Sau đó, Liên Xô tiếp quản, viện trợ, khôi phục lại thi công từ tháng 6-1979 và cơ bản kết thúc vào năm 1985. Phía Liên Xô đãcung cấp cho Việt Nam các vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, dầm thép, máy móc thiết bị thi công, cử chuyên gia sang làm việc…
Khi chưa có cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long là cây cầu quan trọng bắc qua sông Hồng, nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm, từ thủ đô đi sân bay quốc tế Nội Bài và kết nối Hà Nội với nhiều tỉnh phía bắc như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ… Từ những năm 1990, vùng đất Từ Liêm, Đông Anh trở thành điểm hội tụ trong đầu mối giao thông phía tây và tây bắc thủ đô. |
Khi UBND TP. Hà Nội chính thức khởi công dự án đầu tư mở rộng đường Phạm Văn Đồng – Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long vào tháng 10-2016, thị trường bất động sản các khu vực Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn bắt đầu được đánh thức. Hàng loạt các dự án bất động sản tại các khu vực này dần xuất hiện, trong đó giao dịch sôi động nhất phải kể đến các khu đô thị Minh Giang – Đầm Và, Hà Phong, Cienco 5, AIC, Chi Đông, VIT Tiền Phong…
Thời điểm tháng 5-2017, khi Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép Hà Nội triển khai dự án đường tây Thăng Long kết nối khu vực tây Tây Hồ và phía bắc cầu Thăng Long với khu đô thị Sơn Tây chạy qua địa phận Đan Phượng, giá đất khu vực này rục rịch tăng giá. Trên thực tế, theo tìm hiểu của CafeLand, giá đất Đan Phượng thời điểm đó, nhất là tại các vị trí mặt đường các trục chính dao động khoảng từ 55-65 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong làng khoảng từ 22- 35 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Nếu so với thời điểm đầu 2015, giá đất giữa năm 2017 tăng khoảng 30-40%. |