Thấy có nhiều khách vãng lai không quản đường sá xa xôi tìm đến để được nhấp ngụm trà ngon, bà Kha Quyên lại nhen nhóm ý định mở lại tiệm trà có tuổi đời thuộc hàng xưa nhất Sài Gòn sau gần 40 năm đóng cửa.
Chúng tôi tìm đến con đường Phan Chu Trinh (Q.1, TP.HCM) một ngày Sài Gòn nắng gắt. Bên hông cửa Tây chợ Bến Thành là những dãy nhà san sát lộng lẫy của khu vực trung tâm thành phố. Trong không gian sầm uất xa hoa, bỗng đâu lọt thỏm một căn nhà nho nhỏ, cũ kỹ mang con số 13, cửa rộng mở nhưng dường như chẳng kinh doanh, buôn bán gì.
Chăm chú nhìn thật kỹ, sẽ thấy bên trong có treo một chiếc bảng cong veo đề chữ “Ô Tòng Ký”. Đó cũng là dấu tích rõ ràng nhất để nhận ra tiệm trà có tuổi đời tồn tại thuộc hàng xưa nhất Sài Gòn.
Cụ Kha Quyên (84 tuổi) chủ tiệm trà hiện tại cho biết, tính đến giờ này, đã có 4 thế hệ đã từng sinh sống tại nơi đây, kể từ khi cha bà – một người gốc Hoa di cư sang Việt Nam và kiếm sống bằng cách mở tiệm vào năm 1913.
“Khi ấy, chợ Bến Thành vẫn còn đang trong quá trình xây dựng. Hồi đó, người ta gọi nguyên khu Bến Thành này là chợ Sài Gòn. Tiệm trà mở được ít lâu thì làm ăn rất được, vì cả chợ chỉ mình gia đình tôi bán trà. Dần dà, từ Sài Gòn, gia đình tôi giao trà cho khắp các tỉnh thành Nam kỳ. Có tiền, cha tôi mua thêm ba căn nhà nữa trên đường Trần Quốc Toản (đường 3-2 ngày nay) để mở rộng thị trường” – bà Quyên nhớ lại.
Vào thời thịnh đạt, nhất là những dịp ngày rằm, Tết trung thu, Tết nguyên đán, hàng hóa chất đầy Ô Tòng Ký, khách đứng xếp hàng đợi mua. Thời thế đổi thay, từ chỗ đang kinh doanh trà phát đạt rồi chuyển sang rượu Tây, bánh kẹo, sau này công việc buôn bán ảm đạm dần. Phần vì các con và cháu đã đi khắp nơi, sang nước ngoài sinh sống, bà Quyên đành ngậm ngùi đóng cửa tiệm trà vốn đã là máu thịt, là tài sản vô giá của cả gia đình, cũng đã gần 40 năm nay.
“Cháu tôi nè. Có đứa đi du học ở Mỹ, đứa ở Canada, đứa thì bên Đài Loan. Nhiều người thân ở Campuchia nữa, nhưng mất hết rồi” – bà Quyên chỉ vào những tấm ảnh, mường tượng bằng trí nhớ của một bà lão đã ở vào tuổi bát tuần.
Hiện tại, ngôi nhà chỉ còn là nơi cư ngụ của 3 người, là bà Quyên cùng hai vợ chồng người cháu cũng đã ở tuổi ngoài 50. Chúng tôi hỏi đùa, sau ngần ấy thời gian bà không lập gia đình, cụ Kha Quyên đáp bằng giọng hóm hỉnh: “Xấu quá, ai mà thèm”.
Dù đã đóng cửa từ lâu nhưng bởi quyến luyến một thời bán buôn sầm uất, bà Kha Quyên vẫn giữ gần như trọn vẹn cách bày trí tiệm trà ngày xưa. Trong căn nhà sạm nâu màu gỗ cũ, các hộp đựng trà lớn in chữ Trung Quốc được xếp ngay ngắn trên các kệ.
Bà nhớ lại thời kỳ sầm uất ấy, ban đầu, gia đình bà Kha Quyên nhập trà từ Trung Quốc sang bán, rồi chuyển sang lấy các loại trà được sao từ các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Thái Bình. Sau này khi các cánh đồng trà ở Bảo Lộc mọc lên, cha bà Quyên chọn nơi này làm mối lấy hàng chính.
Ngay trên sảnh chính của tiệm trà cũ, nổi bật lên một chiếc cân Thiên Bình đã úa bụi thời gian. Bà Quyên cho biết, đó thứ tồn tại ngay từ khi tiệm trà được mở. Giờ đây khi quá khứ đã chuyển dời, nó gần như là là chiếc cân thiên binh duy nhất còn sót lại – chứng tích của Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20. Bà khoe, cân vẫn còn xài tốt, có những tay buôn đồ cổ đã tới hỏi mua cái cân này và nhiều đồ cổ khác trong nhà, nhưng bà không muốn suy suyển vật gì.
Hỏi đã đóng cửa vậy thì trong nhà chắc không còn trà, đôi mắt bà Quyên chợt sáng bừng. Lắc đầu quầy quậy, bà cho biết vẫn thường xuyên nhập trà ngon về dùng và đãi khách. Đó cũng là cách để cái nghề trà của gia đình không bị thất truyền. Giờ đây khi đầu óc đã dần chậm vì tuổi tác, việc pha trà, chế biến trà được bà Quyên giao hẳn cho người cháu tên Minh.
“Trà lá và trà lài lúc nào cũng sẵn trong nhà. Ngoài ra còn có trà ô long, thứ mà ngày xưa gia đình vẫn thường xuất khẩu ra nước ngoài” – ông Minh chia sẻ. Bóc một bao trà màu đỏ sọc trắng, ông Minh cho biết, túi giấy gói trà cũng là loại riêng của gia đình, đã có từ 50 năm trước.
Chỉ trong ít phút, một bình trà nóng bừng đã được bưng lên. Nhẹ nhàng lấy ra từ chiếc hộp gáo dừa, ông Minh cẩn thận nghiêng vòi ấm xuống. Màu nước trà vàng ươm nhưng không gắt, uống vào nghe chát chát, thanh thanh nơi đầu lưỡi.
Bà Quyên kể bằng giọng lơ lớ đặc trưng của người Tàu: “Dạo gần đây có rất nhiều người không biết nghe ai kể mà lặn lội tìm đến, có người ở tận mấy tỉnh khác cũng ghé qua để mong được thưởng thức trà. Trà thì tôi không thiếu, luôn sẵn lòng. Họ uống xong còn đòi mua về nữa”.
Chúng tôi bảo rằng, chắc họ cũng yêu thích sự mộc mạc, cổ kính, muốn tìm về những nét văn hoá đẹp của Sài Gòn xưa mà tìm đến. Tiệm trà của bà đã góp phần làm nên cái hồn của Sài Gòn. “Rồi sẽ có nhiều người tìm đến mua nữa cho mà coi” – chúng tôi động viên bà cụ bát tuần, truyền nhân của tiệm trà thuộc hàng già nhất Sài Gòn như thế.
Nghe vậy, ánh mắt vui lên trông thấy. Bà bảo nếu vậy thì thời gian tới sẽ nhập trà lại để bán lại sau 40 năm đóng cửa. Dù mới vừa khi nãy, bà còn than với chúng tôi, rằng “hai cái chân giờ đã không còn nghe lệnh chỉ huy, hôm bữa vừa té, không còn đi đứng thuận tiện nữa”. Quả thực đã là cái nghề của gia tộc, đã là thứ ăn sâu vào máu, thì tuổi tác, bệnh tật có đáng gì để nề hà. Giữa phố xá nhộn nhịp, lọt thỏm giữa những cao ốc ở trung tâm Sài Gòn, một tiệm trà như thế lẽ nào không thể hồi sinh?
theo Trí Thức Trẻ