Cuối tháng 3/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, UBND thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, cho biết theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì Chính phủ sẽ quy định chi tiết về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT; quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
Như vậy, kể từ ngày 1/1/2018, không áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng – chuyển giao.
Việc quy định thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT thuộc thẩm quyền của Chính phủ (cấp ban hành văn bản quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT).
“Chúng tôi đề xuất thanh toán chứ không phải dừng các dự án BT”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Ông Ngô Chí Tùng, Phó chánh văn phòng Bộ Tài chính, cho biết không phải Bộ Tài chính vượt quyền và đi “tuýt còi” các tỉnh, thành, đơn vị. Thực tế, bộ chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn lại luật và các quyết định, nghị quyết của Chính phủ.
Cụ thể, tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 9/9/2018 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật có liên quan, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác để hoàn thiện dự thảo nghị định.
Trước đó, hồi tháng 10/2017, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Tuy nhiên đến nay, văn bản này vẫn chưa được ban hành.
Trả lời câu hỏi về lý do chậm trễ ban hành nghị định này, ông Thịnh cho biết, Luật quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, về quy tắc luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo.
Theo ông Thịnh, đối với nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan rất khẩn trương trong việc soạn thảo, trình dự thảo nghị định. Dự thảo này cũng được Thủ tướng, Phó Thủ tướng quan tâm cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện. Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến bằng văn bản các thành viên Chính phủ, thường trực Chính phủ cũng đã cho ý kiến.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, quá trình xây dựng dự thảo nghị định này rất khó vì liên quan tới nhiều luật khác nhau như luật về đầu tư, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để đảm bảo theo giá thị trường, tránh thất thoát.
“Chính phủ rất thận trọng trong việc hoàn thiện trước khi ban hành”, ông Thịnh cho biết.
Để không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, ông Thịnh cho biết trong thời gian chờ nghị định ban hành, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết để giải quyết việc thanh toán.
“Đối với các dự án đã ký hợp đồng rồi thì thực hiện theo nghị quyết của Chính phủ để xử lý khoảng trống pháp lý. Nguyên tắc là được thanh toán theo các văn bản quy phạm pháp luật ở từng thời kỳ. Hợp đồng ký ở thời kỳ nào thì áp dụng nguyên tắc thanh toán ở thời kỳ đó”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Sau khi nghị định của Chính phủ được ban hành thì việc thanh toán các dự án BT thực hiện theo các quy định của nghị định mới này. Tuy nhiên, có điều khoản chuyển tiếp với các dự án đã ký hợp đồng trước ngày nghị định có hiệu lực thi hành.