Chợ An Đông (quận 5), chợ Bình Tây (hay còn gọi là Chợ Lớn/chợ Lớn mới, quận 6) cùng với chợ Bà Chiểu, chợ Bến Thành và chợ Tân Định là 5 khu chợ truyền thống có lịch sử lâu đời nhất TP.HCM. Các khu chợ này từng là biểu tượng sầm uất, giao thương tấp nập của Sài Gòn.
Sau nhiều năm hoạt động, chợ xuống cấp trầm trọng, có nơi tường gạch, mái vòm xiêu vẹo, bong tróc, chỉ cần một cơn mưa ngang qua là nước mưa dột tứ bề, hàng hóa dễ dàng cháy nổ… Ban quản lý và tiểu thương một số chợ như An Đông, Bình Tây cũng đã có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp chợ. Tuy nhiên, việc sửa chữa kéo dài nhiều năm chưa xong, đẩy tiểu thương vào thế khó càng thêm khó.
Tại chợ An Đông, tình trạng xuống cấp đã từ nhiều năm trước. Từ đầu năm 2012, hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông đã được vận động đóng trước hơn 217 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp chợ. Thế nhưng, sau nhiều năm, việc sửa chữa vẫn chưa hoàn thành.
Việc sửa chữa chậm tiến độ khiến tiểu thương buôn bán ở chợ An Đông rơi vào cảnh ế ẩm. Ảnh: Khải Huyền
Bà Trần Thị Thu Thùy, tiểu thương đang kinh doanh tại chợ An Đông bức xúc, chính quyền quận 5 cam kết chậm nhất trong tháng 6.2018 sẽ ban hành dự thảo hợp đồng và các văn bản liên quan đến việc sử dụng quầy sạp của tiểu thương, nhưng đến nay vẫn chưa có.
Các cam kết nhanh chóng sửa chữa chợ, bao gồm các hạng mục: gắn máy lạnh, sửa chữa bốn mặt tiền, vệ sinh trong ngoài chợ, chống dột, phòng cháy chữa cháy… cũng chưa đâu vào đâu. Trong khi mùa buôn bán dịp cuối năm đã cận kề.
“Cả năm khách hàng bỏ chợ đến những nơi khác rất nhiều, tiểu thương buôn bán ế ẩm. Chỉ còn mong mỗi mùa tết để đẩy mạnh kinh doanh, thu về chút đỉnh bù vào chi phí. Nhưng với tình hình này, không mấy tiểu thương hy vọng có thể ăn tết vui vẻ được”, bà Thùy nói.
Mới đây, vì quá lo lắng với tiến độ “rùa bò” trong việc sửa chữa chợ An Đông, tập thể tiểu thương chợ này đã gửi đơn kiến nghị đến Bí thư Thành ủy TP.HCM để kêu nài về tiến độ sửa chữa chợ.
Báo cáo của Sở Công thương TP.HCM cũng nhận thấy tiến độ triển khai các dự án nâng cấp, sửa chữa chợ của UBND quận 5 từ năm 2017 đến nay khá chậm. Hiện chỉ mới có hạng mục “Gói lát gạch nền, lắp đặt trần, thay cửa” hoàn thiện 100% diện tích tầng trệt, lầu 1, 2 và 60% diện tích phần lát đá tầng hầm. Phần vách kính đã lắp xong 90% khung nhôm kính các mặt đường. Riêng khung vách kính khu vực ô giếng trời mới đạt 70% khối lượng. Hạng mục “Gói điều hòa không khí, máy biến thế” vận hành thử. Gói chiếu sáng bốn mặt tiền đang chờ thiết kế của phần cải tạo nâng cấp bốn mặt tiền để phối hợp chỉnh sửa cho phù hợp với kiến trúc tổng thể.
Cảnh nhếch nhác thường thấy ở chợ truyền thống.
Còn dự án “cải tạo nâng cấp bốn mặt tiền” chỉ mới dự kiến khởi công trong tháng 9.2018. Các hạng mục “lắp đặt hệ thống đèn led bảo vệ bên trong trung tâm”, “đầu tư máy phát điện dự phòng 1250KVA”, “lắp camera bên trong trung tâm”, “lắp đặt hệ thống wifi” còn trong giai đoạn duyệt chủ trương hoặc khảo sát thiết kế.
Tương tự như chợ An Đông, tiến độ sửa chữa, nâng cấp chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM) cũng rơi vào tình trạng chậm chạp. Một số hạng mục như lợp mái ngói chậm tiến độ do ngói nhập về bị lỗi nhiều, hạng mục trồng thêm cây xanh đã tìm được loại cây thích hợp nhưng gặp khó trong việc di chuyển từ Đồng Nai về TP.HCM, việc lắp trạm biến áp cũng chưa phù hợp…
Bà Minh Nguyệt, tiểu thương kinh doanh tại chợ Bình Tây cho rằng, đây là khu chợ có truyền thống lâu đời, đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 2015, là chợ đầu mối sầm uất bậc nhất Sài Gòn. Việc sửa chữa, nâng cấp quá chậm khiến chợ ngày càng xuống cấp.
“Chưa kể không gian chợ chật chội, ẩm thấp, việc cảnh quan môi trường quanh chợ sập sệ, bên trong thì nóng bức… khiến khách đến tham quan mua sắm không thể chịu được cũng đã khiến việc cạnh tranh của tiểu thương giảm sút rất nhiều”, bà Nguyệt phân trần.
Cũng theo bà Nguyệt, hiện nay, các khu trung tâm thương mại lớn mọc lên rất nhiều, không gian thoáng mát, rộng rãi lại sạch sẽ hơn so với các khu chợ truyền thống. Khách hàng có thể mang theo cả gia đình đi tham quan mua sắm. Còn với các mối sỉ, việc kinh doanh qua mạng đang rất phát triển cũng khiến tiểu thương ở chợ truyền thống ngày càng ế ẩm.
“Nếu việc sửa chữa không đảm bảo, chợ không hoạt động tốt thì không chỉ ảnh hưởng tới thu nhập của hàng trăm tiểu thương mà nguồn thu từ thuế cho nhà nước cũng ảnh hưởng”, bà Nguyệt nói.
Trước tình hình trên, mới đây Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND quận 5 và Chủ tịch UBND quận 6 khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ An Đông (quận 5) và chợ Bình Tây (quận 6), bảo đảm đúng tiến độ và đúng quy định, công khai, minh bạch, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của tiểu thương.
Bên cạnh đó, giao Sở Công Thương TP, Chủ tịch UBND quận 5, 6 và các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TP về giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, từ đầu năm 2012 đến nay, UBND quận 5 đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục công trình ở chợ An Đông nhưng mới hoàn thành 1/4 dự án. Những hạng mục còn lại tốc độ triển khai còn chậm, nhiều hạng mục còn dừng ở mức xây dựng hồ sơ chờ đấu thầu.
Tại chợ Bình Tây, việc sữa chữa, nâng cấp toàn diện bắt đầu từ tháng 11.2017, nhiều khối công trình đã hoàn thành đúng tiến độ nhưng khối chợ chính mới hoàn thành 65%, chậm so với kế hoạch đã đề ra. |