Việt Nam có 2 hãng bay hoạt động theo hình thức hàng không giá rẻ, tuy nhiên ở tầm khu vực, quy mô các hãng bay Việt trong phân khúc này vẫn còn khiêm tốn.
Năm 2013, khi Vietjet Air mang nhiều điểm vượt trội của mô hình hàng không giá rẻ từ AirAsia áp dụng vào thị trường Việt Nam, phân khúc hàng không giá rẻ trong nước mới thực sự bùng nổ.
Sự bùng nổ của phân khúc đã mang lại thị phần không nhỏ cho Vietjet Air, cả từ nhóm khách hàng chuyển đổi từ đối thủ và từ nhóm khách hàng mới tiếp cận với hàng không nhờ mức giá rẻ. Sự cạnh tranh của hãng khiến Jetstar Pacific phải năng động hơn để cạnh tranh.
Cuộc đua tứ mã ở Đông Nam Á
Bằng việc áp dụng tốt những gì đã làm nên thành công của AirAsia, Vietjet Air nhanh chóng có trong tay gần một nửa thị phần hàng không nội địa Việt Nam, trở thành đối trọng của nhóm bay Vietnam Airlines và Jetstar Pacific.
Chứng minh được tiềm năng của mô hình hàng không giá rẻ tại Việt Nam, tuy nhiên khi đem quy mô của Vietjet Air ra sân chơi Đông Nam Á, hãng bay giá rẻ số một Việt Nam chỉ là một người chơi nhỏ trong khu vực.
Theo thống kê của CAPA, tính tới năm 2017, có khoảng 23 hãng hàng không giá rẻ tại khu vực Đông Nam Á, vận hành khoảng hơn 700 máy bay. Tổng số lượng máy bay của các hãng giá rẻ Đông Nam Á đã tăng 75% kể từ năm 2013.
Cũng theo CAPA, hàng không giá rẻ Đông Nam Á chiếm 57% lượng ghế cung ứng ra thị trường và vận chuyển 2/3 lượng hành khách di chuyển hàng không trong khu vực. Tổ chức này nhận định dù tốc độ tăng trưởng của thị trường đang chậm lại, ở mức 6% một năm, nhưng tương lai vẫn rất tích cực cho các hãng hàng không.
Có thể thấy gần 8 năm trở lại đây, hàng không giá rẻ Đông Nam Á là cuộc đua riêng của Lion Air (Indonesia), AirAsia (Malaysia), Cebu Pacific Air (Philippines) và TigerAir (Singapore).
Từng là một ông lớn về hàng không giá rẻ tại Đông Nam Á nhưng TigerAir đã hụt hơi trong những năm gần đây. Năm 2016, TigerAir sáp nhập với Scoot, một hãng bay giá rẻ khác, do sau thương vụ công ty mẹ của TigerAir bán phần lớn cổ phần cho Singapore Airlines hai hãng gần như đã về một nhà và việc sáp nhập là tất yếu.
Với việc thâu tóm thành công TigerAir, thương hiệu Scoot của Singapore Airlines đã khiến cuộc đua giá rẻ của hàng không Đông Nam Á trở nên hấp dẫn hơn.
Nhóm 4 doanh nghiệp trên đang áp đảo phần còn lại của Đông Nam Á cả về thị phần, quy mô doanh nghiệp lẫn số lượng máy bay. Khi mang tương quan doanh thu và lợi nhuận ra so sánh, Vietjet Air thể hiện rất tốt khi chỉ thua kém AirAsia.
Tuy nhiên xét kỹ, nếu chỉ tính riêng doanh thu từ hoạt động kinh doanh hàng không, Vietjet Air lại tỏ ra khiêm tốn so với các ông lớn hàng không giá rẻ trong khu vực bởi khoảng một nửa doanh thu của hãng tới từ các mảng kinh doanh khác như “sale and lease back” máy bay.
Vẫn là khoảng cách xa
Ngoài ra, Vietjet Air đang trong thời kỳ “trăng mật” về chi phí vận hành khi hãng vẫn sở hữu cơ sở vật chất mới, chi phí khấu hao chưa lớn nên tỷ suất lợi nhuận tốt hơn các hãng bay đang trong giai đoạn lão hóa.
Chênh lệch thực sự được chỉ ra khi so sánh lượng đường bay, điểm đến của Vietjet Air so với các ông lớn trong khu vực. Trong khi Vietjet Air chủ yếu phục vụ thị trường hàng không nội địa và có một vài chuyến bay tới các điểm đến Đông Nam Á hay Đông Bắc Á thì các hãng bay giá rẻ lớn của khu vực đã sở hữu mạng lưới đường bay quốc tế dày đặc cùng vài công ty con để khai thác các thị trường nội địa.
Cụ thể, AirAsia thống lĩnh thị trường nội địa Malaysia cùng 4 công ty con khai thác các thị trường Thái Lan, Indonesia, Philippines và Ấn Độ. Hãng hiện diện tại 21 quốc gia, có 293 đường bay tới 119 điểm đến toàn cầu.
Lion Air cũng không thua kém đối thủ khi cung ứng đường bay tới 126 điểm đến toàn cầu trong khi Cebu Pacific Air có 113 đường bay tới 62 điểm đến. Con số này của Vietjet Air là 82 đường bay với 53 điểm đến.
Bước ra sân chơi Đông Nam Á để cạnh tranh với các ông lớn đã có hàng chục năm xây dựng thị trường là bài toán không dễ dàng với những hàng bay giá rẻ Việt Nam như Vietjet Air. Nước cờ Thai Vietjet Air mang tính thử nghiệm từ hãng bay của bà Nguyễn Thị Phương Thảo tại thị trường Thái Lan cũng đang trả về những kết quả chưa khả quan.
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn không chỉ cho riêng AirAsia mà còn cho nhiều hãng hàng không khác … Việt Nam là thị trường lớn cuối cùng mà chúng tôi chưa đặt chân”, CEO Tập đoàn AirAsia, ông Tony Fernandes từng chia sẻ về quyết tâm thâm nhập sâu thị trường Việt Nam.
“Khác với Vietnam Airlines và Vietjet Air, chúng tôi mang lại lượng khách hàng mới cho ngành du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh”, ông Fernades đề cập thẳng tới những đối thủ cạnh tranh tương lại tại thị trường Việt Nam.
Nhiều khả năng khi chưa kịp “mang chuông đi đánh xứ người”, hàng không Việt sẽ phải cạnh tranh ngay chính trên sân nhà khi AirAsia cùng nhiều ông lớn hàng không giá rẻ Đông Nam Á đã nhiều lần cho thấy tham vọng tại thị trường Việt Nam.
Ngô Minh
Theo Zing News