Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT:
Chuyển đổi số – Xu thế tất yếu
Đứng trước sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ của CMCN 4.0, sự chủ động chuyển đổi số trong DN đang được đặt ra như yêu cầu và xu thế tất yếu, giúp DN vượt qua khó khăn, thách thức, giảm thiệt hại, đồng thời tận dụng tối đa các cơ hội trong CMCN 4.0. Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, nếu không bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số, DN Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà, chưa nói tới những mục tiêu như chinh phục các thị trường khu vực, quốc tế; vì hầu hết những mô hình kinh doanh thời đại số đều có một đặc điểm rất nổi bật là “không biên giới”. Để chuyển đổi số, quan trọng nhất là tư duy chấp nhận và dám dấn thân của người đứng đầu DN. Người chủ DN cần hiểu quá trình này là không thể né tránh, không thể chần chừ vì nó không trừ quốc gia hay loại hình DN nào. Từ đó, các DN cần xác định cho mình lộ trình phù hợp, trọng tâm ưu tiên đầu tư và phải xây dựng văn hóa số trong DN một cách nghiêm túc, bài bản, không chỉ nội bộ DN mà cả giữa DN với khách hàng, đối tác, xã hội nói chung.
Về giải pháp cho chuyển đổi số, DN truyền thống có thể tận dụng và phát huy các giải pháp công nghệ từ những DN số, DN khởi nghiệp sáng tạo, kết hợp phát triển hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D) của riêng mình. Trong nền kinh tế số, các giải pháp số là nền tảng cho mọi quá trình đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến khác trong hoạt động của DN. Nếu chỉ nhìn vào những đặc điểm hiện tại của DN Việt Nam, nhiều người có thể cho rằng các yêu cầu nêu trên đối với nhiều DN là “quá sức” và dự báo trước một tương lai kém tươi sáng. Tuy nhiên, trong thời đại số, tư duy và tốc độ là quan trọng nhất, chứ không phải tiền bạc và những cơ sở hạ tầng sẵn có. Vì thế, cuộc chơi này là công bằng cả về cơ hội lẫn thách thức đối với các DN lớn, DN nhỏ, thậm chí người thắng thế có thể là những DN khởi nghiệp chưa ai biết tên. Do đó, thay vì chần chừ và e ngại, các DN Việt Nam phải sớm tiến hành chuyển đổi số ngay từ bây giờ. Tôi tin rằng cơ hội cho chúng ta vẫn còn rất lớn nếu quyết liệt và làm ngay.
Hoàng Mạnh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Fumee Tech:
Thích nghi với tình hình mới để không bị đào thải
Thuộc nhóm DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chúng tôi đã và đang cảm nhận rõ sự thay đổi mạnh mẽ từ quá trình hội nhập quốc tế cũng như CMCN 4.0 với nền cơ khí trong nước. Không chỉ còn là mối quan tâm của những DN có quy mô lớn, những tác động của CMCN 4.0 đang đặt ra câu hỏi cả với những DN nhỏ và vừa: Thích nghi với tình hình mới để biến thách thức thành cơ hội phát triển hoặc chấp nhận bị đào thải trước sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài. Khi đề cập những lợi thế cạnh tranh của nước ta, yếu tố thường được nhắc đến đầu tiên chính là nhân công giá rẻ. Đây là lợi thế được DN trong nước tận dụng suốt nhiều năm qua để bù đắp sự hạn chế về vốn cũng như công nghệ so với DN nước ngoài. Tuy nhiên, với sự đổ bộ mạnh mẽ của các công nghệ mới vào Việt Nam, nhân công giá rẻ đã không còn thật sự phù hợp, nhất là với ngành cơ khí. Thí dụ, chỉ nói riêng về công nghệ robotics – một mảng nhỏ của công nghệ 4.0, hiện rô-bốt không chỉ đơn thuần là bắt chước hành động của con người với độ chính xác và năng suất cao hơn, mà còn có khả năng phán đoán, xử lý tình huống cũng như học tập rất cao. Do vậy, nếu không thay đổi tư duy, chậm cải tiến công nghệ, ngay cả với những nhóm ngành cơ khí có hàm lượng công nghệ thấp vẫn sẽ bị thay thế trong tương lai gần.
Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex):
Tập trung chuyển đổi phương thức sản xuất
Với làn sóng công nghệ 4.0, tốc độ thay đổi sẽ rất nhanh, thậm chí được dự báo theo hàm số mũ chứ không phải các hàm tuyến tính như các cuộc cách mạng trước. Do vậy, áp lực phải có giải pháp nhanh, quyết liệt và đúng hướng đang đè nặng lên các ngành thâm dụng lao động. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội mới cho ngành dệt may như việc áp dụng tự động hóa, giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất. Do đó, trong 5 năm tới sẽ là giai đoạn mang tính bản lề để đạt được sự phát triển mới hoặc bị đào thải trong cạnh tranh. Theo khảo sát, các DN hiện đạt tiệm cận tiêu chuẩn công nghệ mới về thiết bị chỉ chiếm dưới 10% lượng thiết bị hiện có. Tuy vậy, với công nghệ được đổi mới một phần trong thời gian qua, năng suất lao động ngành đã cải thiện khá nhiều. Nếu 10 năm trước, để tạo thêm một tỷ USD xuất khẩu cần có thêm khoảng từ 80 đến 90 nghìn lao động mới thì hiện nay chỉ cần từ 50 đến 60 nghìn lao động.
Thời gian tới, DN cần tập trung chuyển đổi sang phương thức sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng (ODM và OBM) vì với công nghệ mới, nhu cầu đặt hàng gia công lô lớn sẽ giảm mạnh; tiết kiệm tài chính, tập trung lợi nhuận để đầu tư đổi mới công nghệ; liên tục theo dõi và cập nhật công nghệ của thế giới; có kế hoạch thay thế, cập nhật dần thiết bị hiện đại để không bị đào thải do công nghệ lạc hậu, giá thành cao, không đạt chuẩn xanh;… Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách cụ thể, chỉ đạo quyết liệt phát triển công nghiệp hỗ trợ; thu hút và khuyến khích đầu tư trong nước và ngoài nước vào sản xuất nguyên liệu chính của ngành dệt may, da giày với điều kiện bảo đảm sản xuất xanh – sạch.
HOÀNG HỒNG VIỆT (ghi)