(Xây dựng) – Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã có Văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức việc rà soát các dự án trên địa bàn thành phố. Đối với các doanh nghiệp việc rà soát mang ý nghĩa thanh lọc thị trường, loại bỏ đi những chủ đầu tư kém chất lượng gây ảnh hưởng đến thị trường.
Chia sẻ về việc Đà Nẵng tổ chức rà soát các dự án đã quy hoạch trên địa bàn thành phố, đa phần các doanh nghiệp, Cty đóng trên địa bàn đều có cái nhìn tích cực, hy vọng vào việc rà soát các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn.
Bởi trong thời gian vừa qua, không ít chủ đầu tư cố tình tự ý thay đổi công năng sử dụng tại các công trình dự án như Khách sạn Eden, Khu du lịch biển The Song…
Mới nhất, dự án khu du lịch, thể thao và giải trí biển của Cty CP TMDV San Hô (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) liên tục xảy ra vi phạm về lĩnh vực xây dựng, xả thải ra môi trường.
Theo giấy phép do Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cấp, đơn vị được xây 3 hạng mục khu nhà học viên – huấn luyện viên – nhà thay đồ; khu xử lý nước thải và khu bể bơi, khu trẻ em.
Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án đã tự ý thay đổi công năng, từ 9 phòng thành 28 phòng, tăng 19 phòng. Dự án này của Cty San Hô còn không có cầu thang thoát nạn, xây vượt 45cm so với chiều cao công trình trong giấy phép.
Chủ đầu tư cũng đã bị xử phạt 15 triệu đồng do xả thải chưa qua xử lý ra môi trường biển hay bị UBND quận Sơn Trà ra Quyết định xử phạt 40 triệu đồng về các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng.
“Điều đó cho thấy việc rà soát các dự án để kiểm tra từ giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng… là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc tổ chức rà soát quá rộng nên phải giới hạn phạm vi rà soát. Đơn cử rà soát các dự án ven biển khu vực Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà chẳng hạn. Phải khoanh vùng thì mới rà soát hiệu quả, không ảnh hưởng đến hoạt động, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động đàng hoàng khác”, ông Tr. – Giám đốc một khu du lịch đóng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, chia sẻ.
Đánh giá về hoạt động rà soát, ông Tr. cho biết thêm: Các doanh nghiệp tin tưởng sự minh bạch của đợt rà soát. Bởi Đà Nẵng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và tạo hấp lực cho đầu tư tại Đà Nẵng so với các nơi khác. Hiện nay, Đà Nẵng đã giảm thời gian xin cấp phép từ 60 ngày xuống tối đa 20 ngày tùy theo công trình.
“Dù sao việc rà soát là nhạy cảm và ảnh hưởng tiến độ, thời gian xin giấy phép của doanh nghiệp. Nó mất khá nhiều thời gian nhưng cũng tạo khung pháp lý chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp còn lại. Tôi nghĩ việc các doanh nghiệp cố tình làm sai chỉ là thiểu số, chiếm khoảng 10%. Còn các doanh nghiệp khác đều không mong muốn làm sai để bị cơ quan chức năng tuýt còi. Bởi khi dự án bị tạm dừng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tài chính, bị ảnh hưởng nguồn vốn vay từ ngân hàng”, ông Tr. phân tích.
Việc Đà Nẵng rà soát các dự án trên địa bàn có tác động tiêu cực lẫn tích cực với doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông V. T – Giám đốc Cty V. chuyên môi giới trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) thì đánh giá rằng: “Đây là việc có lợi đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư thứ cấp liên quan thủ tục pháp lý, sở hữu… khi giao dịch các dự án. Nó tạo tiền lệ tốt khi thị trường BĐS rõ ràng, minh bạch. Việc tương tác giữa nhà đầu tư thứ cấp với chủ đầu tư, khách hàng sẽ thuận lợi hơn, mang đến sự tươi sáng hơn cho thị trường địa ốc. Qua rà soát cũng sàng lọc các chủ đầu tư có kinh nghiệm, chuyên nghiệp và tạo ra sản phẩm chất lượng, đồng thời loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém”.
Lấy vụ sốt đất bất thường tại khu vực Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) những ngày vừa qua làm dẫn chứng, ông T. cho biết: “Qua rà soát sẽ không có những câu chuyện bong bóng trong BĐS như thế hay những tin đồn thất thiệt để chuộc lợi cho một số đối tượng môi giới. Trái lại, các Cty phân phối sẽ an tâm khi tư vấn, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng”.
Đánh giá về những hệ lụy có thể xảy ra, một chuyên gia khác trong lĩnh vực BĐS tại khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng lại cho rằng: Việc rà soát có thể gây tiêu cực khi lợi dụng thanh tra – rà soát để gây khó dễ cho doanh nghiệp dẫn đến tình trạng “đi đêm” khiến đánh giá thiếu khách quan, kéo theo những sản phẩm không chất lượng, hàng lang pháp lý không rõ ràng.
Việc rà soát ảnh hưởng việc giới thiệu dự án, kéo theo các Cty thứ cấp dùng các bán hàng huy động vốn trái phép, không rõ ràng, minh bạch sẽ gây tâm lý e ngại cho khách hàng, dẫn đến thị trường ảm đảm, thiếu giao dịch như giai đoạn quý II và quý III/2018.
“Các doanh nghiệp lớn ít nhiều cũng bị ảnh hưởng từ việc rà soát, nếu việc rà soát quá mất thời gian cũng ảnh hưởng quyết định đầu tư, giao dịch các dự án từ nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy khi kéo theo tâm lý đám đông, làm loạn giá thị trường như sự việc xảy ra ở Hòa Liên mấy ngày gần đây.
Ngoài ra, Cty phân phối cũng bị ảnh hưởng giao dịch, buộc phải đóng cửa, dừng hoạt động khi thị trường ế ẩm, thiếu sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng chính yếu gây ảnh hưởng thị trường mà hệ lụy từ việc thị trường BĐS bị đóng băng vì việc thanh tra, rà soát quá lâu”, chuyên gia T. cho hay.