Thế nhưng qua nửa thời gian triển khai, nhiều công trình thi công đang ngổn ngang, dang dở do thiếu vốn. Giải bài toán vốn bằng việc việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, nhưng cũng đang rơi vào bế tắc vì cơ chế.
Nhiều công trình ì ạch
Nổi cộm nhất trong việc chỉnh trang đô thị hiện nay là hiện trạng nhà tạm bợ ven kênh đang đặt ra nhiều nỗi lo của người dân và chính quyền, bởi phải sống chung với nhếch nhác, hôi thối trong đô thị hiện đại. TP có khoảng 57 tuyến kênh rạch cần thực hiện cải tạo môi trường, di dời khoảng 22.000 căn nhà, đây là một phần của chương trình chỉnh trang đô thị giai đoạn 2016-2020, chủ yếu tập trung ở các quận 4, 6, 7, 8 và Bình Thạnh.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay chương trình di dời chủ yếu thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB). Song cho tới nay, dù đã đi qua nửa chặng đường, nhưng kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh, rạch của TPHCM vẫn chưa có chuyển động nào đáng kể.
Nguyên nhân khiến kế hoạch này gặp khó do quỹ đất xây dựng nhà tái định cư của TP hiện đang thiếu nghiêm trọng; vướng mắc về phương án giải tỏa, di dời và tái định cư.
Một trong những vướng mắc lớn nhất trong việc di dời cải tạo chung cư cũ là số tiền hỗ trợ cho người dân thường rất ít, không đảm bảo để người dân có thể tìm kiếm chỗ ở mới, trong khi nhiều dự án tái định cư lại nằm quá xa trung tâm TP, chất lượng không đảm bảo. Nên phần lớn người dân không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ông Trần Trọng Tuấn,
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM
|
Chương trình chống ngập có thể nói rất nan giải, bởi với đô thị như TPHCM cứ mưa xuống là ngập trên diện rộng. Trong khi đó 10 năm qua, TPHCM đã chi hơn 22.000 tỷ đồng để chống ngập, nhưng kết quả không tương xứng với công sức và chi phí bỏ ra, năm sau ngập hơn năm trước và còn xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới.
Nguyên nhân của thực trạng này do các giải pháp, dự án chống ngập do triều cường đang được TP triển khai thực hiện chưa được nghiên cứu kỹ, thời gian thực hiện quá dài và TPHCM đến nay vẫn chưa định hình một giải pháp chống ngập căn cơ, hiệu quả…
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn TP hiện có gần 500 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, trong đó có nhiều chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa tới an toàn và tài sản của hàng ngàn hộ dân. Dù việc cải tạo, xây mới chung cư cũ là 1 trong 7 chương trình đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã đề ra, song trong mấy năm qua chương trình này rất đình trệ.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong việc di dời cải tạo chung cư cũ là khâu thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng. Và chính thái độ thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương cũng khiến cho công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.
Trong khi đó, các dự án metro tại TPHCM cũng không khá hơn. Trong 8 tuyến metro theo quy hoạch, tuyến số 1 đã triển khai thực hiện từ tháng 3-2007, kế hoạch ban đầu đưa ra hoàn thành vào năm 2018, nhưng sau đó được dời lại đến năm 2019 và đưa vào vận hành năm 2020 do thay đổi thiết kế kỹ thuật, kéo tổng mức đầu tư dự án tăng từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng. Tuyến metro số 1 đang khốn khổ vì thiếu vốn, TPHCM lại tiếp tục xin gia hạn thực hiện dự án metro tuyến số 2 đến năm 2020, càng khiến bức tranh đường sắt đô thị trên cao của TP trở nên xa vời.
Tắc vốn
Việc chỉnh trang ven bờ kênh rạch, UBND TPHCM chia thành 3 nhóm triển khai di dời: Nhóm 1 gồm 52 dự án với khoảng 14.400 căn, kinh phí bồi thường, tái định cư gần 22.400 tỷ đồng; nhóm 2 thực hiện bằng nguồn vốn doanh nghiệp (DN), tập trung tại 3 tuyến kênh, di dời khoảng 1.800 căn, kinh phí dự kiến hơn 2.700 tỷ đồng; nhóm 3 thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP) với 6 dự án tại quận Bình Thạnh, 7 và 8, di dời hơn 6.200 căn, kinh phí khoảng 19.000 tỷ đồng.
BT là giải pháp quan trọng để Nhà nước huy động nguồn lực tư nhân. Bản chất hình thức đầu tư BT không sai, song khi thực hiện một số dự án đã đi sai hướng so với mục đích ban đầu. Điều quan trọng phải đánh giá được dự án BT nào tốt và chưa tốt, không nên đánh đồng các dự án, lo ngại vài sai sót để dừng tất cả, khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh của xã hội bị ách tắc.
Ông Trương Thanh Đức,
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Luật Basico
|
Để có nguồn vốn đầu tư, từ năm 2015, TPHCM đã đa dạng hóa hình thức thu hút đầu tư, nhưng thời gian qua các nhà đầu tư chủ yếu quan tâm hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), nhà đầu tư bỏ vốn chính quyền trả bằng quỹ đất. Trong khi đó, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT.
Song đến nay Nghị định chưa được ban hành, và Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho dự án BT. Việc chờ ban hành Nghị định này là cần thiết, để hoàn thành khung pháp lý theo yêu cầu phát triển của thực tế, nhưng việc dừng để chờ chính sách có thể gây ra những ách tắc và tác động không đáng có cho các bên, tác động xấu đến kinh tế-xã hội. Và nguy cơ vỡ kế hoạch chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven kênh rạch của TPHCM.
Rõ ràng nếu không có giải pháp, cơ chế cụ thể và sự chỉ đạo quyết liệt, TPHCM sẽ không thể giải được bài toán di dời nhà trên và ven kênh rạch. Minh chứng là vào tháng 5-2018, TPHCM kêu gọi các DN Nhật Bản tới khảo sát, tham gia vào chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của TP, nhưng các DN này không có bất cứ hồi âm nào.
Nguyên nhân chủ yếu TP chưa có cơ chế đặc biệt trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư các dự án có nhà ven và trên kênh, rạch. Chẳng hạn phải hỗ trợ thêm 30% giá trị đất để tạo ra sự đồng thuận của người dân, như vậy mới có thể di dời, tạo cuộc sống cho những hộ dân có nhà diện tích nhỏ.
Liên quan đến công tác chống ngập, TP đã có dự án 10.000 tỷ đồng đến nay vẫn trong tình trạng dang dở do chưa thống nhất việc giải ngân giữa chủ đầu tư và chính quyền TP. Dự án này tạm ngưng thi công từ tháng 4-2018, vì gặp vướng mắc trong thủ tục tái cấp vốn.
Do đó, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chủ trì cuộc họp để giải quyết các vướng mắc, triển khai dự án đúng tiến độ. Bởi dự án do UBND TPHCM là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư, chịu trách nhiệm toàn diện về việc đầu tư và hiệu quả của dự án.
Một khu chung cư cũ xuống cấp trầm trọng.
Căng thẳng các công trình cấp bách
Trong lúc Sân bay quốc tế (SBQT) Long Thành dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2025, SBQT Tân Sơn Nhất đang ở trong tình cảnh “tắc cả trên trời và dưới mặt đất”. Trước tình hình này, vào đầu tháng 10 vừa qua, Bộ GTVT phối hợp với UBND TPHCM tổ chức công bố quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo đó, quy hoạch điều chỉnh SBQT Tân Sơn Nhất vẫn giữ nguyên phương án sử dụng 2 đường băng hiện có, song bổ sung các hệ thống đường lăn song song, xây dựng một số đường lăn thoát nhanh ở phía Nam, phía Bắc và hệ thống đường lăn vòng để sân bay đạt công suất một năm có 320.000 lượt cất hạ cánh, tương đương phục vụ 50 triệu lượt khách.
Theo quy hoạch, sẽ có một con đường mới mở chạy song song với đường Cộng Hòa, nối từ khu vực công viên Hoàng Văn Thụ đến gần nút giao Trường Chinh-Cộng Hòa, rộng từ 4-6 làn xe nhằm giảm ùn tắc giao thông ra vào SBQT Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, nguồn vốn để giải tỏa và xây dựng ước tính lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Thực ra giai đoạn 2016-2020, Sở GTVT TPHCM dự kiến đầu tư và đưa vào sử dụng 6 dự án bên ngoài SBQT Tân Sơn Nhất, nhằm tạo thuận lợi cho xe lưu thông vào ga trong nước và ga quốc tế. Tuy nhiên cho đến nay chỉ mới đưa vào sử dụng dự án cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn-Hồng Hà-Phạm Văn Đồng.
Còn với 3 dự án đang “đứng hình” gồm: dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) chưa triển khai thi công, vì hầu hết diện tích đất giải tỏa là đất quốc phòng, đang phải vận động các đơn vị đang sử dụng đất giao đất. Dự án đường song song với đường Cộng Hòa đến đường Trường Chinh hiện chưa triển khai, đây là lối thoát thứ 2 cho SBQT Tân Sơn Nhất. Dự án thứ 3 cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long hiện đang trong tình trạng không có mặt bằng để xây dựng.
Việc cải tạo chung cư cũ rơi vào bế tắc là do giữa DN, người dân và chính quyền chưa có niềm tin vào nhau. Người dân luôn trong trạng thái phòng thủ, đề phòng vì sợ DN lấy mất lợi ích của mình, nên khi thương thảo giá cả bồi thường họ luôn đưa ra những yêu cầu và mức giá rất cao so với thực tế. Nhiều dự án, chỉ một vài hộ dân không đồng ý, chính quyền cũng thiếu chế tài hỗ trợ khiến dự án bị kéo dài nhiều năm, nhà đầu tư mất đi cơ hội. |
ĐÔNG GIA