Tháng 9 vừa qua, việc Tổng thống Trump áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc nhưng chưa tạo nhiều biến động. Tuy vậy việc Tổng thống Trump đe dọa mức thuế 25% từ tháng 1/2019 lại gây lo lắng thực sự. Hiện nay Mỹ đã áp 25% thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đối với những nhà sản xuất Trung Quốc, mức thuế 10% của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay chưa khiến họ thực sự lo lắng, nhưng mức 25% vào năm tới sẽ thực sự trở thành một vấn đề.
Ben Yang, chủ hãng sản xuất đồ nội thất Sunrise Furniture tại Dongguan cho biết nếu mức thuế 25% được áp cho các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2019, tỷ lệ xuất hàng của công ty ông sang thị trường này sẽ giảm từ 90% hiện nay xuống dưới 30%.
“Đối thủ chính của chúng tôi là những nhà sản xuất Việt Nam và 10% thuế hiện nay không thành vấn đề. Tuy nhiên mức thuế 25% lại thực sự đáng lo ngại. Điều này chắc chăn sẽ gây ra các tác động ngắn hạn khi người tiêu dùng Mỹ phải chấp nhận mức giá đồ nội thất đi lên”, ông Yang nói.
Câu chuyện của ông Yang cho thấy một thực tại rằng chiến tranh thương mại chưa thực sự làm suy giảm sản lượng sản xuất của Trung Quốc nhưng chúng đang làm giảm tốc khi hàng hóa nước này không thể cạnh tranh với những đối thủ Châu Á khác, ví dụ như Việt Nam, và tình hình đang ngày một nghiêm trọng.
Ông Ben Yang
Hãng tin Bloomberg đã có cuộc phỏng vấn với nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc và phần lớn các nhà xuất khẩu đang phải đa dạng hóa thị trường, tìm đầu ra mới như thị trường trong nước hay các khu vực khác.
Trên thực tế chính quyền Bắc Kinh đang giảm các quy định siết vay nợ và tăng dần công cụ kích thích kinh tế nhằm chuẩn bị đối phó với chiến tranh thương mại. Thuế nhập khẩu tăng cũng khiến các công ty xuất khẩu Trung Quốc tăng cường sản xuất nhằm đẩy hàng hóa trước khi bị áp thuế mới.
“Tác động của xung đột thương mại Mỹ-Trung lên các công ty Trung Quốc là hạn chế, các rủi ro vẫn nằm trong tầm kiểm soát… Đối với những mặt hàng không bị cạnh tranh nhiều hay khó để thay thế thì ảnh hưởng không lớn…Chỉ một vài công ty hiện nay là đối mặt với nguy cơ đóng cửa và cắt giảm việc làm”, phát ngôn viên Gao Feng của Bộ thương mại Trung Quốc nói.
Tác động của chiến tranh thương mại với kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu biểu hiện khi tăng trưởng GDP dự đoán chỉ đạt 6,6% trong quý III/2018, mức thấp nhất trong gần 10 năm qua. Trước đó Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong quý II/2018. Dự báo năm nay tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới chỉ đạt 6,6% và sẽ tiếp tục giảm tốc mạnh vào năm 2019.
Các chuyên gia kinh tế nhận định tăng trưởng doanh số bán lẻ sẽ đi ngang tương tự các tháng trước đó quanh khoảng 9% còn tăng trưởng sản xuất sẽ giảm tốc xuống 6% so với 6,1% trước đó. Đầu tư tài sản cố định trong 3 quý đầu năm cũng sẽ đi ngang ở mức 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định tại Trung Quốc
Tình hình ngày càng tồi tệ
Tháng 9 vừa qua, việc Tổng thống Trump áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc nhưng chưa tạo nhiều biến động. Tuy vậy việc Tổng thống Trump đe dọa mức thuế 25% từ tháng 1/2019 lại gây lo lắng thực sự. Hiện nay Mỹ đã áp 25% thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tệ hơn, Mỹ mới đây tuyên bố sẽ rút khỏi Liên minh bưu chính toàn cầu vốn đã tồn tại 144 năm, qua đó khiến các công ty Trung Quốc chịu thiệt hại vì phải nâng chi phí vận chuyện cũng như giá bưu chính.
Theo hãng tin Bloomberg, ngành sản xuất tại Quảng Đông đang ngày càng chịu áp lực, nhất là vào năm 2019 tới, khi tăng trưởng trong nước giảm tốc.
Hãng sản xuất đồ nội thất Baker Perfect tại Dongguan cho biết việc chuyển hướng sang thị trường nội địa đang gặp khó khi tăng trưởng trong nước giảm tốc. Hãng đã hoãn kế hoạch mở rộng công ty cũng như dừng các dự án đầu tư mới.
“Vấn đề của chúng tôi không tệ đến mức phải vật lộn để sống sót mà chỉ là vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Chúng tôi sẽ giữ tiền an toàn trong các ngân hàng hơn là đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản. Trong giai đoạn khó khăn bạn sẽ rất cẩn trọng, không muốn mở rộng hay đầu tư quá nhiều”, nhà sáng lập Li Shuiqing của Baker nói.
Dẫu vậy hãng tin Bloomberg cho rằng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. Dự đoán cho thấy tăng trưởng đầu tư năm 2019 sẽ giảm từ 6,5% xuống 6% bất chấp các nỗ lực kích thích kinh tế của chính quyền Bắc Kinh như giảm thuế, thúc đẩy đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, giảm mức dự trữ bắt buộc với ngân hàng thương mại (RRR)…
Tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc
Chính quyền Quảng Đông mới đây cũng ban hành một loạt chính sách hỗ trợ ngành sản xuất như giảm thuế, hạ mức phí thuê đất, giảm giá điện nước, vận tải, bảo hiểm…
Mặc dù số đơn hàng năm 2018 của Trung Quốc tăng nhưng khảo sát cho thấy số đơn hàng mới lại giảm xuống mức thấp nhất 2 năm qua. Theo chuyên gia kinh tế Betty Wang của ANZ chi nhánh Hong Kong, đây có thể là dấu hiệu cho sự giảm tốc sắp tới.
Trái ngược lại, một số chuyên gia cho rằng mức thuế 25% có thể không ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc. Hãng nghiên cứu Panjiva nhận định mặc dù những mặt hàng đồ gỗ, linh kiện điện tử, đồ gia dụng… chịu ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu Mỹ nhưng chúng cũng là những mặt hàng mà thị trường Mỹ phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc.
“Hệ thống chuỗi cung ứng hiện nay khá chặt chẽ và Trung Quốc trở thành trung tâm chuỗi nhờ quy mô, tốc độ giao hàng cũng như tiềm năng của thị trường nội địa nước này… Tôi không cho rằng việc tăng thuế nhập khẩu của Mỹ, thậm chí lên 25%, có thể đảo lộn trật tự này”, Phó giám đốc James Laurenceson của Viện quan hệ Australia-Trung Quốc nhận định.
Hãng Shenzhen Garlant Technology Development có 1/5 doanh số trị giá 150 triệu USD của hãng đến từ thị trường Mỹ và doanh số tại thị trường này đã giảm 20% do tăng giá sản phẩm sau khi nhận mức thuế 10%. Công ty cho biết kể cả mức thuế lên 25% thì hãng cũng sẽ tăng giá sản phẩm tiếp.
“Thiệt hại sẽ chỉ trong ngắn hạn. Chúng tôi sẽ điều chỉnh chiến lược bán hàng của mình, mở rộng kinh doanh tại các nước Đông Nam Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Điều đó sẽ bù đắp được phần nào thiệt hại”, nhà sáng lập Andy Yu của Garlant nói.
Theo Thời Đại/Bloomberg