Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo ban ngành khen thưởng đóng góp của ông Lực nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Bán đất chữa bệnh cho vợ
Sáng ngày 22/10/2018, nói về hoàn cảnh của ông Phạm Tấn Lực – người 4 năm ròng theo dõi nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) thi công gói thầu A3 dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND xã Bình Trung (Bình Sơn, Quảng Ngãi), ông Trịnh Phú Định không khỏi xót xa.
‘Gia đình ông nghèo kiệt. Vợ ông Lực thường xuyên đau ốm, gia đình không có tiền nên ông mới phải cắt một phần đất ra bán lấy vài chục triệu chữa bệnh cho vợ. Số tiền này cũng chẳng biết sẽ duy trì được cho vợ ông Lực chữa được bao lâu’ – ông Định cho biết.
Vốn là bộ đội xuất ngũ, ông Lực mang theo tinh thần người lính với bản tính cương trực, không chịu khuất phục trước những việc làm sai trái. Cũng vì thế mà ông Lực không ít người yêu cũng nhiều kẻ ghét.
Gia tài lớn nhất của ông Lực là chiếc máy ảnh cũ kỹ và hàng nghìn bức ảnh liên quan đến thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Ảnh Dân trí.
Năm 2011, khi gói thầu A3 dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chạy qua địa bàn, nhà thầu Giang Tô có nhu cầu tuyển nhân viên bảo vệ, ông Lực được nhận vào làm.
Nhưng nhìn công nhân làm việc thấy có nhiều điểm bất thường, ông Lực xin nghỉ làm bảo vệ, dành phần lớn thời gian để giám sát thi công gói thầu A3. Đằng đẵng suốt 4 năm trời, nhiều sai phạm tại gói thầu được ông Lực chỉ ra.
Nghỉ làm, nguồn thu nhập bị giảm sút, cuộc sống của gia đình ông càng khó khăn hơn. Không những thế ông Lực thường xuyên còn nhận được những lời đe dọa nặc danh khiến cuộc sống càng thêm áp lực. Tuy thế, người đàn ông này vẫn không chịu lùi bước. Tranh thủ chở vợ đi chữa bệnh xong ông Lực lại chạy ra giám sát đường cao tốc.
Đơn thư kèm theo những bức ảnh được ông Lực gửi đi khắp nơi. Cuộc sống thường ngày của ông xoay quanh cung đường cao tốc chạy qua địa bàn. Từ vấn đề nhỏ nhất tới vấn đề lớn được ông ghi lại thông qua chiếc máy ảnh nhỏ xíu mà ông phải chắt chiu mãi mới mua được để phục vụ cho công cuộc chống lại cái sai của mình.
Vị Chủ tịch UBND xã Bình Trung kể: ‘Căn nhà của ông Lực chẳng có gì đáng giá. Tài sản lớn nhất là hàng nghìn bức ảnh, tài liệu về quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Các con của ông cũng không có đủ điều kiện để chăm lo hết cho bố mẹ, thành ra vợ chồng ông vẫn phải lo từng bữa cơm. Mới đây, xét thấy hoàn cảnh của ông có nhiều khó khăn nên chính quyền xã duyệt gia đình ông vào diện hộ cận nghèo’.
Tranh thủ đưa vợ đi chữa bệnh, ông Lực lại lên đường giám sát thi công dự án đường cao tốc với tổng vốn đầu tư 34.500 tỷ đồng. Ảnh Dân trí.
Vì sao chưa khen thưởng?
Nhận thấy ông Lực có nhiều đóng góp trong việc đấu tranh sai phạm công trình xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng từng chỉ đạo huyện Bình Sơn xét khen thưởng cho ông Lực, nhưng hiện nay chỉ đạo này vẫn chưa được thực hiện.
Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch UBDN xã Bình Trung cho biết, hồ sơ xét duyệt khen thưởng ông Phạm Tấn Lực vẫn chưa hoàn thiện.
‘Để hồ sơ được xét duyệt thì những sai phạm mà ông Lực chỉ ra phải được các ban ngành công nhận, phản ánh của ông Lực về các sai phạm đó là đúng. Nhưng cho đến nay, các vấn đề phản ánh của ông Lực đều chưa được cơ quan nào chính thức trả lời…’ – ông Định nói.
Còn ông Nguyễn Tiến Thành – Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi từng trả lời báo chí rằng, một số kiến nghị, phản ánh của ông Phạm Tấn Lực đã được xem xét, kiểm tra và có phản hồi. Những phản ánh của ông Lực có thể về mặt hiện tượng là đúng, tuy nhiên do ông Lực không đưa ra được giải pháp nên ông Thành đánh giá thông tin đó ‘không được toàn diện’.
Tuy nhiên, ông Lực cho biết, dù có được nhận bằng khen hay không, hoàn cảnh gia đình có khó khăn (đang nợ hàng chục triệu đồng) đến thế nào đi chăng nữa thì ông vẫn sẽ tiếp tục tham gia giám sát, chỉ ra những sai phạm trên tuyến đường cao tốc 34.500 tỷ đồng chạy qua địa bàn.