9 năm kể từ khi khởi công, cây cầu vượt biển dài 55 km nối liền Hồng Kông – Macau và thành phố Chu Hải (Trung Quốc) đã chính thức thông xe. Với kinh phí lên đến 20 tỷ USD, cây cầu được thiết kế để chịu được động đất và bão, làm từ 400.000 tấn thép, một lượng vừa đủ để xây dựng 60 tháp Eiffel. Có khoảng 30 km chiều dài cầu đi ngang qua vùng biển thuộc khu vực Đồng bằng Châu Giang. Để tàu bè có thể lưu thông, các kỹ sư quyết định xây dựng một đường hầm xuyên lòng đại dương kéo dài 6,7 cây số, đi qua giữa 2 hòn đào nhân tạo cũng thuộc một phần của dự án khổng lồ này.Phần còn lại của cầu chính là phần đường liên kết, cầu cạn và đường hầm nối Chu Hải và Hồng Kông với phần chính của công trình. Cây cầu này là chìa khóa then chốt nhằm thực hiện kế hoạch tạo ra một vùng vịnh rộng lớn của Trung Quốc, cái mà họ gọi là Greater Bay Area, bao gồm Hồng Kông, Maucau và 9 thành phố khác ở miền Nam Trung Quốc. Nếu như trước đây, việc đi lại từ Chu Hải đến Hồng Kông mất bốn tiếng thì giờ đây, thời gian đó rút ngắn lại chỉ còn 30 phút.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có quyền sử dụng công trình đặc biệt này. Người dân muốn đi qua cầu phải được cấp một loại giấy phép đặc biệt, và xe khi lưu thông tất nhiên cũng phải chịu một khoản phí. Chính quyền Trung Quốc ban đầu ước tính sẽ có khoảng 9200 người băng qua cầu mỗi ngày, nhưng sau đó con số này lại giảm xuống bởi sự ra đời của các mạng lưới giao thông khác trong khu vực. Bất kỳ một công trình to lớn nào đều hứng chịu chỉ trích và cây cầu này cũng không ngoại lệ, bởi nhiều lý do khác nhau, cả chính trị lẫn phi chính trị. Tính đến thời điểm hoàn thành, ghi nhận 18 công nhân trong quá trình làm việc đã bị thiệt mạng và có đến hàng trăm người bị thương.
Bên trên cầu, có một thứ đặc biệt chính là hệ thống camera quan sát. Những chiếc camera này sẽ có trách nhiệm phát hiện dấu hiệu buồn ngủ của tài xế thông qua các biện pháp khác nhau, chẳng hạn như nếu nhận thấy người lái ngáp 3 lần, cơ quan chức năng sẽ đưa ra cánh báo. Nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp như khủng bố, bên trên cầu còn có “48 camera giám sát độ nét cao” để đưa ra cảnh báo sớm nhất, đồng thời một đội cảnh sát chống khủng bố cũng sẽ thường xuyên tuần tra quanh khu vực. Sẽ có những đoạn đường đặc biệt nhằm đáp ứng cho sự thay đổi làn đường bởi sự khác biệt về giao thông ở Hồng Kông và Ma Cao với Trung Quốc.
Liên quan đến môi trường, không ít ý kiến cũng tỏ ra lo ngại về vấn đề này. Một số tổ chức môi trường cho rằng dự án có thể đã gây ra những thiệt hại nghiệm trọng cho sinh vật biển trong khu vực, bao gồm cả cá heo trắng Trung Quốc vốn đang bị đe dọa về số lượng. Số lượng cá heo có thể nhìn thấy ở vùng biển Hồng Kông đã giảm từ 148 xuống còn 47 trong 10 năm qua và hiện nay, chúng không xuất hiện ở vùng biển gần cây cầu, theo thông tin từ Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) chi nhánh Hồng Kông.
Về chi phí, tổng số tiền xây dựng đường liên kết và đảo nhân tạo là 20 tỷ đô la Mỹ, trong khi chỉ tính riêng cây cầu thì là 6,92 tỷ USD. Các quan chức Trung Quốc cho biết cây cầu khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra tới 1,44 tỷ USD cho nền kinh tế, nhưng nhà lập pháp Hong Kong ;ại tỏ ra nghi ngờ về con số đó. Theo ước tính của BBC Trung Quốc, cây cầu sẽ chỉ kiếm được khoảng 86 triệu USD phí cầu đường mỗi năm. Trên thực tế, chi phí bảo trì của cây cầu đã lấy đi 1/3 khoản thu nhập này.