Lãnh đạo TP. Hà Nội đã chỉ rõ những yếu kém trong công tác quản lý như vụ việc vi phạm trật tự xây dựng ở Ba Vì, Sóc Sơn mà dư luận đang quan tâm.
Theo ông Chung, thành phố đã phân cấp thanh tra xây dựng cho các quận, huyện nhưng nhiều nơi làm việc vẫn hời hợt; trách nhiệm phối hợp giữa các sở với huyện còn yếu và cần khắc phục ngay.
Ông Chung yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm những vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn. Riêng đối với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng, Sở NNPT&NT và huyện phải tổ chức cưỡng chế vi phạm.
“Trước tiên, cần ra thông báo để các hộ dân tự tháo dỡ. Nếu họ không thực hiện thì phải ra quyết định cưỡng chế, không để tồn tại các công trình vi phạm”, ông Chung nói.
Với các công trình vi phạm trước đó, ông Chung chỉ đạo các đơn vị cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
“Sau khi Thanh tra thành phố thực hiện xong thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai”, ông Chung nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, tại nghị trường Quốc hội chiều ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, thời gian qua vi phạm trật tự xây dựng đã giảm dần, bình quân mỗi năm giảm 13%.
Tuy nhiên, bộ này cũng thừa nhận tình trạng vi phạm còn phức tạp, một số vi phạm chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Nhằm khắc phục những tồn tại, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện pháp luật, đang trình UBTVQH sửa đổi 4 luật liên quan đến xây dựng và đang xây dựng Luật Kiến trúc. Đồng thời, bộ cũng đã tham mưu Thủ tướng ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vục xây dựng.
Trong năm 2018, bộ đã tổ chức nhiều đoàn xuống địa phương kiểm tra quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, yêu cầu địa phương làm tốt hơn nữa. Mỗi năm có 80 – 90 cuộc thanh tra với khoảng 200 công trình xây dựng.
Thay mặt Bộ Xây dựng, ông Hà cho biết ông chịu trách nhiệm về những hạn chế tồn tại trong công việc quản lý thời gian qua và cam kết cố gắng hết sức trong thời gian tới để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay chỉ có thể hứa, cam kết với những việc ông đủ căn cứ và do ông có thể quyết định được mà thôi.
Ngay sau khi ông Hà kết thúc phần trả lời chất vấn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đăng ký tranh luận, thể hiện quan điểm không đồng tình.
Theo ông Nghĩa, những công trình xây dựng trái phép ở Sóc Sơn là điển hình của tình trạng vi phạm trật tự xây dựng được báo chí, cử tri phản ánh nhiều trong thời gian qua.
“Tất nhiên vi phạm thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm trước hết là ở họ. Nhưng tôi xin hỏi Bộ trưởng, về phía quản lý nhà nước, với 63 Sở Xây dựng ở 63 tỉnh thành, Bộ Xây dựng quản lý theo ngành dọc, còn ngành ngang trực thuộc các địa phương. Chưa kể ở các quận, huyện, kể cả cấp xã cũng có cán bộ phụ trách xây dựng. Nếu như địa phương làm việc lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, không làm đủ chức trách thì Bộ trưởng đã làm gì? Đã phản ánh lên Thủ tướng chưa?”, ông Nghĩa hỏi.
Theo ông Nghĩa, một loạt công trình vi phạm vẫn tồn tại, gây bức xúc, mất niềm tin trong nhân dân. Nhiều người cho rằng ở đây có lợi ích nhóm, bao che. “Tôi chưa hài lòng với cách trả lời của Bộ trưởng”, ông Nghĩa nói.
Trước đó, ngày 26/10, Ban Thường vụ huyện Sóc Sơn đã thống nhất đình chỉ đối với ông Nguyễn Văn Hân 30 ngày để tập trung chỉ đạo giải quyết 18 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng.