Mỹ và Việt Nam khẳng định dự án xử lý đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng đạt hiệu quả, tạo cơ hội phát triển cho thành phố.
Ngày 7/11, tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (Thứ trưởng Quốc phòng) và ông Daniel Kritenbrink (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam) chứng kiến lễ công bố hoàn thành Dự án xử lý đất ô nhiễm dioxin tại sân bay và bàn giao 13,7 ha đất sạch cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Dự án do Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện suốt sáu năm qua, với mức đầu tư 106 triệu USD vốn ODA không hoàn lại và 60 tỷ đồng vốn đối ứng của phía Việt Nam. Tổng cộng 32,4 ha đất nhiễm dioxin đã được xử lý.
Trong bài phát biểu gần 5 phút, đại sứ Daniel Kritenbrink đánh giá việc hoàn tất dự án là cột mốc đáng nhớ trong mối quan hệ đang mở rộng giữa hai nước. Dự án là nét đặc trưng tiêu biểu, thể hiện tầm nhìn giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. ‘Đó là trung thực với quá khứ, giải quyết có trách nhiệm các vấn đề di sản còn lại, và chuyển nội dung gây bất đồng thành hợp tác’, ông nói.
Đại sứ cho rằng quá trình làm việc cùng nhau để giải quyết quá khứ, hai nước đã xây dựng được ‘một lòng tin có chiến lược’, từ đó giúp tăng cường hơn nữa mối quan hệ hướng về phía trước, thúc đẩy các lợi ích chung và gắn kết giữa nhân dân hai nước. Việc bàn giao đất sẽ tạo điều kiện để mở rộng sân bay và mang thêm cơ hội kinh tế cho thành phố Đà Nẵng.
‘Nhìn về phía trước, USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ dùng những bài học thu được ở Đà Nẵng để tiếp tục cộng tác, xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Và tất nhiên Mỹ tiếp tục cam kết là một đối tác tin cậy của Việt Nam trong việc cùng nhau đạt đến mục đích chung là hỗ trợ phát triển một nước Việt nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập’, ngài Daniel Kritenbrink.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng (bìa trái) trao đổi với Đại sứ Mỹ khi đi tham quan thực tế khu vực đã hoàn thành tẩy rửa dioxin ở sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, đánh giá cao cam kết và sự hợp tác hiệu quả của Chính phủ Mỹ.
‘Nhận bàn giao dự án cũng đồng nghĩa với việc sân bay Đà Nẵng không còn tên trong danh sách khu vực nhiễm dioxin tại Việt Nam. Những lo âu của người dân Đà Nẵng bấy lâu đã được giải quyết, thay vào đó là cơ hội để mở rộng sân bay, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế để người dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn’, thượng tướng nói.
Dự án kết thúc nhưng vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ cho các bộ ngành và chính quyền địa phương. Tướng Vịnh đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam và Mỹ tiếp tục hợp tác quan trắc lâu dài, đảm bảo duy trì môi trường trong sạch, đồng thời cần có báo cáo đánh giá về kết quả dự án để công bố quốc tế.
Trong năm 2019, Việt Nam và Mỹ dự kiến khởi động dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). ‘Với quan hệ ngày càng phát triển giữa hai quốc gia, chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau chứng kiến nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả khác liên quan đến việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam’, tướng Vịnh nói.
Khu vực vừa hoàn tất xử lý dioxin đang được rào chắn và bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Nguyễn Đông.
Sau lễ bàn giao, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Daniel Kritenbrink đã kiểm tra thực tế tại diện tích đất vừa được xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Từ năm 2000, Mỹ đã hợp tác với Việt Nam giải quyết những vấn đề về nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh, bao gồm tháo gỡ bom, mìn, vật nổ, tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích và xử lý ô nhiễm dioxin.
Khu vực sân bay Biên Hòa là điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam. Ngày 11/5, USAID đã ký thỏa thuận với Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam, tài trợ kinh phí dự kiến là 183 triệu đôla để xử lý ô nhiễm tại khu vực bay này trong 5 năm đầu. Dự án dự kiến xử lý 500.000 m3, với diện tích khoảng 50 ha đất.