Nếu nhìn vào một số chuỗi sản xuất, rõ ràng việc đánh bại Trung Quốc thông qua áp thuế của Tổng thống Trump là điều không dễ dàng.
Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc và Mỹ đang bên bờ của một cuộc chiến tranh lạnh mới nếu những dự báo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson là chính xác. Bộ trưởng Paulson từng cảnh báo một bức màn đen tối đang phủ bóng lên 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu họ không thể thay đổi quan điểm về nhau.
Trước cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp G20 tới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ ý sẽ thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc mà nhiều người kỳ vọng sẽ là chìa khóa giải tỏa căng thẳng thương mại hiện nay.
Dẫu vậy, kể cả khi đạt được một thỏa thuận thì 2 bên sẽ phải mất vài tháng để đàm phán chi tiết cũng như hiện thực hóa các kế hoạch, trong khi doanh nghiệp của 2 nước sẽ vẫn chịu thiệt hại bởi hàng rào thuế quan hiện đã áp lên 60% hàng hóa giao thương giữa 2 nền kinh tế.
Tổng thống Trump từng coi chiến tranh thương mại là một vấn đề mang tính an ninh cho nước Mỹ khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng quá mạnh, gây thiệt hại cho thị trường Mỹ. Ở bên kia Thái Bình Dương, chính quyền Bắc Kinh cũng nhận ra một cuộc chiến đang chờ đợi họ. Trong chuyến thăm một nhà máy tại tỉnh Quảng Đông vào tháng 10/2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc phải tập trung vào sức mạnh tự thân nhằm chống lại các cuộc chiến thương mại.
Tiêu điểm của cuộc chiến hiện nay là việc các công ty tìm cách duy trì chuỗi cung ứng của mình nhằm tránh các ảnh hưởng của chiến tranh thương mại. Tuy nhiên nếu nhìn vào một số chuỗi sản xuất, rõ ràng việc đánh bại Trung Quốc thông qua áp thuế của Tổng thống Trump là điều không dễ dàng.
Đóng góp của Trung Quốc trong tổng giao dịch thương mại toàn cầu đã tăng 300% kể từ năm 2001
Ắc quy điện Lithium
Trọng tâm áp thuế của Mỹ lên các mặt hàng Trung Quốc nhắm đến kế hoạch “Made in China 2025”. Một trong số đó là mảng công nghệ xe điện cùng những thứ đi kèm, như ắc quy điện Lithium. Tuy vậy việc ép các doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất ắc quy điện khỏi Trung Quốc là điều không hề dễ dàng.
Hiện phần lớn các công ty Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung ắc quy điện từ Trung Quốc. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi Lầu Năm Góc đã phải đánh giá vấn đề này là một hiểm họa tiềm tàng cho an ninh quốc gia trong báo cáo tháng 9/2018.
Số liệu cho thấy hiện các nhà sản xuất ắc quy Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường thế giới và sẽ còn bành trướng trong những năm tới. Báo cáo của Bloomberg New Energy Finance cho thấy Trung Quốc sản xuất tới 113.000 MWH điện ắc quy trong tổng số 175.000 MWH của toàn thế giới, trong khi phía Mỹ chỉ chiếm khoảng hơn 30.000 MWH.
Tệ hơn, nhiều dự đoán cho thấy năng suất sản xuất ắc quy của Trung Quốc sẽ còn tăng hơn 300% trong 3 năm tới bất chấp việc Tesla của Elon Musk xây dựng nhà máy sản xuất ắc quy lớn nhất toàn cầu tại bang Nevada-Mỹ.
Trung Quốc chiếm 60% sản lượng sản xuất ắc quy Lithium hiện nay trên toàn cầu
Ngoài ắc quy Lithium, Trung Quốc cũng là nguồn cung cấp chủ chốt cho các nguyên liệu thô khác có liên quan đến Lithium, vốn là đầu vào quan trọng của Apple hay Tesla trong việc sản xuất các thiết bị của họ.
Chính quyền Washington đã loại bỏ việc áp thuế bổ sung với các mặt hàng liên quan đến Lithium trong danh sách các mặt hàng áp thuế tháng 9/2018. Rõ ràng, những đòn thuế của Tổng thống Trump vẫn chừa lỗ hổng để doanh nghiệp 2 bên “thở” và chính quyền Washington vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại gay gắt, toàn diện.
Bộ chuyển đổi năng lượng mặt trời
Ngành năng lượng mặt trời chịu thiệt hại khá nặng trong cuộc chiến thương mại hiện nay bởi Tổng thống Trump áp thuế phần lớn những hàng hóa liên quan đến mảng này. Ngoài mức thuế bổ sung cho những tấm pin năng lượng, Mỹ còn đánh thuế lên bộ chuyển đổi năng lượng (Solar Inverters), vốn là một thiết bị chủ chốt cho các hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời của các hộ gia đình.
Theo Hiệp hội ngành năng lượng mặt trời Mỹ (SEIA), phần lớn bộ chuyển đổi năng lượng hiện nay trên thị trường này đến từ Trung Quốc. Tình hình này có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới do chính sách áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc, tuy nhiên chúng chẳng thể tồn tại lâu khi các doanh nghiệp Châu Á dịch chuyển nhà máy sang nước khác để tiếp tục tiếp cận thị trường Mỹ.
Các tấm pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc bị đánh thuế đặc biệt khi vào Mỹ
Vào tháng 4/2018, một trong những hãng sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời Trung Quốc lớn nhất thế giới đã tuyên bố sẽ mở nhà máy đầu tiên tại Ấn Độ nhằm tiếp cận thị trường Mỹ. Theo SEIA, đây sẽ là điểm xuất phát mới cho những bộ chuyển đổi năng lượng mà người tiêu dùng Mỹ sử dụng chứ không phải bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất trên đất Mỹ.
Thiết bị y tế
Đối với tập đoàn chuyên sản xuất robot, xe hơi và thiết bị y tế như Omron của Nhật Bản, chiến tranh thương mại đang ảnh hưởng xấu đến chuyện làm ăn. Sản phẩm máy “TENS” của hãng là thiết bị y tế truyền một dòng điện nhỏ đến các dây thần kinh gây đau nhức của bệnh nhân, qua đó có tác dụng giảm đau mà không gây nghiện. Sản phẩm này nhằm đến những người lao động cổ xanh hay những nhân viên bình thường mắc các chứng bệnh đau lưng, cơ hoặc khớp.
Nhà máy của Omron có tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Trung Quốc. Trong khi đó doanh số của TENS tại Mỹ vào khoảng 10-12 triệu USD/năm, chỉ tương đương 10% tổng doanh số toàn cầu. Bởi vậy, hãng không có ý định chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Mỹ bởi nó quá tốn kém cũng như không hiệu quả.
Tổng giá trị thiết bị y tế Mỹ nhập từ Trung Quốc tăng mạnh từ năm 2001 đến nay
Ngoài hàng tháng trời giải quyết các thủ tục, chi phí sản xuất là một trong những rào cản lớn nhất khiến Omron từ chối xây nhà máy tại Mỹ.
Tương tự, ngay cả các công ty Mỹ như Walgreens hay Walmart cũng đang chật vật với tốc độ tăng chi phí hoạt động tại thị trường này chứ chưa nói đến những hãng nước ngoài.
Bồn tắm
Trong khi nhiều công ty Trung Quốc chịu ảnh hưởng do khó nhập khẩu vào Mỹ, hãng Shenzhen Kingston Sanitary Wave, chuyên sản xuất bồn tắm và thiết bị nhà vệ sinh lại đau đầu vì mức thuế chính quyền Bắc Kinh áp lên hàng Mỹ.
Phần lớn đầu vào của Kingston là nhập khẩu từ Mỹ và khoản thuế mới hiện nay mà Trung Quốc đánh lên hàng hóa của Mỹ hiện chiếm tới 65% chi phí của hãng. Để duy trì chuỗi cung ứng, Kingston hiện đang phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Canada nhằm đảm bảo chất lượng. Đối với những khách hàng vẫn muốn nguyên liệu từ Mỹ, họ sẽ phải chấp nhận mức giá cao hơn.
“Đối với chúng tôi, cuộc chiến thương mại này thật là một cú sốc lớn”, Giám đốc bán hàng Cash Liu của Kingston ngậm ngùi nói.
Theo Thời Đại