Theo UBND huyện Long Thành, vốn điều lệ đăng ký ban đầu của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba chỉ là 1 tỷ đồng, sau hơn 1 năm, Alibaba đã tăng vốn đột biến lên 1.600 tỷ đồng (gấp 1.600 lần). Thực tế, chỉ một vài tập đoàn lớn có uy tín, thương hiệu tại Việt Nam và được cấp phép dự án tầm quốc gia mới có thể huy động được nguồn vốn nhiều như vậy trong thời gian ngắn.
Từ năm 2017, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba được dư luận biết đến với vụ việc bán hàng loạt dự án “ma” tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh đã có khuyến cáo rộng rãi với các tỉnh – những nơi Alibaba đang rao bán dự án không có thật – để chính quyền can thiệp.
* Tăng vốn 1.600 lần
Công ty cổ phần địa ốc Alibaba có địa chỉ tại số 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh
(TP.Hồ Chí Minh), đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 5-5-2016 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng.
Đến ngày 3-12-2016 (sau gần 7 tháng), doanh nghiệp tăng vốn lên 20 tỷ đồng và đến ngày 26-9-2017 tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng. Vốn do 3 cổ đông là ông Nguyễn Thái Luyện góp 80%, bà Võ Thị Thanh Mai góp 10% và ông Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc của công ty góp 10%.
Đại diện một số công ty bất động sản có tiếng tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh bình luận, nếu không có dự án bất động sản lớn được cấp phép thì một công ty khó có thể huy động được nguồn vốn lớn như vậy trong một thời gian ngắn.
Ông Hà Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đô thị công nghiệp số 2 – D2D (TP.Biên Hòa), một công ty khá thành công với nhiều dự án khu dân cư lớn tại Đồng Nai bày tỏ nghi ngại: “Không được cấp phép dự án lớn nhưng trong một thời gian ngắn lại tăng vốn quá nhanh là “có vấn đề”. Cơ quan chức năng khi phát hiện những công ty bất động sản không được cấp phép dự án khu dân cư lớn nào mà lại huy động lượng vốn quá nhiều thì cần làm rõ”.
Trong thời gian ngắn, Alibaba tăng vốn gấp 1.600 lần là việc xưa nay ít công ty có thương hiệu làm được. Theo nhận định của nhiều doanh nhân và luật sư, nếu một doanh nghiệp không được cấp phép dự án lớn song lại tăng vốn quá nhanh và quá nhiều chỉ trong thời gian ngắn, các ngành chức năng phải làm rõ, nếu không có thể để lại những hệ lụy rất lớn. Cụ thể là trong hơn 2 năm qua, biết bao nhiêu người dân đã mua đất nền ở những dự án “ma” của Alibaba theo hình thức “hợp đồng đặt cọc” và “hợp đồng góp vốn”, “hợp đồng đầu tư”?
* Có dấu hiệu huy động vốn đa cấp?
Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tư vấn thuế kế toán Luật Việt Á
(TP.Biên Hòa) cho hay: “Các công ty hoạt động sau 1 năm thường chỉ tăng vốn từ 5-10 lần, còn Alibaba trong hơn 1 năm tăng vốn từ 1 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng là điều bất thường, các ngành chức năng phải kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện xem doanh nghiệp kinh doanh có lành mạnh hay không để có biện pháp quản lý, ngăn chặn nếu phát hiện sai phạm”. Cũng theo ông Tuấn, tăng vốn đột biến như trường hợp nêu trên có nhiều dấu hiệu của huy động vốn đa cấp trên lĩnh vực bất động sản.
Chị N.T.H., nhà ở quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi gom góp hết tiền tích lũy trong nhà và vay thêm bạn bè để mua một nền đất tại dự án của Alibaba ở xã Long Phước, huyện Long Thành với số tiền hơn 500 triệu đồng. Trong hợp đồng ghi là đặt cọc, nhân viên công ty giải thích như vậy sẽ được ưu đãi với giá rẻ hơn nên tôi đã tin tưởng đặt mua. Công ty hứa sau 5 tháng sẽ giao đất, nhưng đã hơn 1 năm vẫn chưa giao đất”.
Theo tìm hiểu, không chỉ chị H. mà nhiều người đã nhận “quả đắng” từ việc mua đất nền theo lời quảng cáo của Alibaba mà chưa tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của dự án.
Từ trước đến nay, bao nhiêu người đã mua đất nền ở những dự án “ma” của Alibaba theo hình thức đặt cọc, hợp tác đầu tư và tổng số tiền là bao nhiêu, hiện vẫn đang được cơ quan công an làm rõ. Nhiều người dân cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc, xử lý những vi phạm nếu có và làm rõ đây thực chất có phải là một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hay không, hay đây là một mạng lưới huy động vốn theo hình thức đa cấp “núp bóng” kinh doanh bất động sản?
Khánh Minh