Tham vấn ý kiến một số luật sư cho thấy, nếu Công ty cổ phần địa ốc Alibaba không được cấp phép bất kỳ dự án khu dân cư nào tại Đồng Nai nhưng lại rao bán, nhận đặt cọc đất nền hàng chục dự án “ma” là có dấu hiệu lừa đảo.
Nhiều người dân cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ vi phạm của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba để xử lý, tạo sự lành mạnh cho thị trường bất động sản Đồng Nai.
* Vẫn lén lút đưa người đi xem “dự án”
Tuy không còn rầm rộ tổ chức sự kiện rao bán đất nền như cách đây gần 1 tháng, nhưng Công ty cổ phần địa ốc Alibaba vẫn lén đưa từng nhóm người dân đến các khu dự án “ma” để quảng bá, rao bán đất nền.
Tại các khu vực công ty rao bán đất nền ở huyện Long Thành, UBND các xã đều đã cắm biển cấm các nội dung như: tự ý tách thửa, làm hạ tầng, tụ tập đông người rao bán đất… Đồng thời, đề nghị các cơ quan truyền thông hỗ trợ tuyên truyền cho người dân trước khi mua đất nền dự án nào nên đến UBND xã nắm thông tin đầy đủ xem dự án ấy có thật hay không để tránh mất tiền oan.
Ngày 10-11, trao đổi với Báo Đồng Nai, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh cho rằng, từ năm 2017 Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh đã nhận được đơn khiếu nại của nhiều người dân về việc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba bán đất nền ở những dự án không có thật tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau đó, Hiệp hội tiến hành điều tra thì phát hiện 3 công ty, trong đó có Alibaba bán khống đất nền tại nhiều dự án ở huyện Long Thành. Hiệp hội cũng đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai nên cảnh báo để người dân biết không mắc “bẫy” để tránh mất tiền oan.
“Không có dự án nhưng Alibaba lại huy động vốn là có dấu hiệu của lừa đảo. Hình thức huy động vốn của Alibaba rất giống kiểu huy động vốn đa cấp trên lĩnh vực bất động sản, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây rối loạn cho thị trường bất động sản vùng Đông Nam bộ” – ông Châu nhấn mạnh.
Hiện nay, các cơ quan: Bộ Công an, Công an tỉnh Đồng Nai, Công an TP.Hồ Chí Minh đang tiến hành điều tra làm rõ mức độ vi phạm của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba để xử lý. Công ty này đang lợi dụng những kẽ hở của Luật Kinh doanh bất động sản để trục lợi.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai Nguyễn Thanh Lâm nhận định: “Alibaba không được cấp phép dự án nào tại tỉnh Đồng Nai nhưng lại rao bán đất tại nhiều dự án ở huyện Long Thành là dấu hiệu lừa đảo. Các cơ quan chức năng nên sớm điều tra rõ những vi phạm của công ty này để xử lý, tránh gây rối loạn cho thị trường bất động sản trong tỉnh”.
Theo tìm hiểu riêng của Báo Đồng Nai, những nơi Alibaba đang quảng bá có dự án khu đô thị, khu dân cư chỉ là những thửa đất nông nghiệp bỏ hoang hoặc trồng tràm, nằm sâu bên trong của 4 xã: Long Phước, Phước Thái, Phước Bình và An Phước (huyện Long Thành). Trong đó, có những khu đất nông nghiệp được ông Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba mua lại; cũng có thửa đất là của người dân. Những thửa đất được quảng cáo đang thực hiện khu dân cư phần lớn được quy hoạch là đất sản xuất nông nghiệp, đất làm đường giao thông.
Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tổ chức quảng cáo, mua bán đất nền ở 18 vị trí trên địa bàn 4 xã của huyện. Nhưng còn 4 dự án là: Long Phước 2, Long Phước 14, Long Phước 16, Long Phước Residence được quảng cáo trên website của Alibaba thì chưa xác định được vị trí cụ thể.
* Sẽ tháo dỡ “văn phòng” của Alibaba
Ông Huỳnh Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Long Phước (huyện Long Thành) cho biết, mấy tháng nay cứ vào thứ bảy, chủ nhật là xã phải cử lực lượng giám sát chặt tại 13 điểm Alibaba đang rao bán đất nền dự án khu dân cư để kịp thời thông báo cho người dân biết đây là khu đất nông nghiệp, không có dự án. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn đến tham quan khu đất và chưa chú ý đến khuyến cáo của xã.
Dự án Alibaba Central Park III được quảng cáo trên website http://diaocalibaba.vn của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba với quy mô 5,7 hécta ở xã Phước Bình dự kiến 200 lô thực tại là thửa đất số 55 tờ bản đồ số 31 ở ấp 6, xã Phước Bình có diện tích 27.423 m2, loại đất cây lâu năm do ông Lê Thanh Tòng và bà Nguyễn Thị Kim Liên đứng tên chủ sử dụng đất. Thế nhưng, Alibaba thường xuyên tổ chức sự kiện, đưa người đến tham quan, giới thiệu mua bán đất nền tại đây. |
Ngoài ra, UBND xã Long Phước cũng phối hợp với huyện tháo dỡ tôn tại các khu đất mà Alibaba quây lại để dán biển quảng cáo là “dự án đang triển khai”. Xã Long Phước đã phối hợp với huyện tổ chức 5 đợt đi tháo dỡ tôn tại các dự án của Alibaba. Những thửa đất Alibaba quây lại và dán biển quảng cáo, đưa người dân xuống xem, giới thiệu là các dự án sắp triển khai có những điểm quây cả vào đất của những hộ dân khác. Các khu đất này đều nằm sâu trong các ấp và còn rất hoang vu.
Huyện Long Thành hiện cũng đang hoàn tất hồ sơ để tiến hành tháo dỡ căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp để làm văn phòng của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tại xã Long Phước. Văn phòng này được Alibaba xây dựng tại ấp Tập Phước để làm điểm dừng chân cho khách tham quan dự án, nhằm tạo thêm lòng tin cho khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Mai, người dân xã Long Phước cho hay, có những điểm Alibaba rao bán một thời gian rồi lại đổi tên thành dự án khác, do đó có khi một điểm đổi tên thành nhiều dự án khác. Trong xã mọi người đều biết rõ dự án khu dân cư Alibaba quảng cáo chẳng qua là khu đất nông nghiệp không được tách thửa nên không ai mua. Người đến tham quan và đặt mua đất hầu hết là người địa phương khác.
Theo kiểm tra, rà soát của UBND huyện Long Thành thì có 18 điểm mà Alibaba đang rao bán đất nền là có thể xác định được. Nhưng có những điểm Alibaba đổi tên nhiều lần, và cũng có những dự án “ảo” mà huyện Long Thành chưa xác định được vị trí.
Quy trình dự án bất động sản
Nguyệt Hạ