Theo chia sẻ của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence với tờ Washington Post ngày 13/11, trong hành trình từ Nhật Bản sang Singapore để dự hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), chiếc chuyên cơ của ông đã bay qua Biển Đông, cách quần đảo Trường Sa của Việt Nam chỉ khoảng 30km. Đây cũng là nơi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền và bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Ông Pence gọi đây là “một kiểu chiến dịch tự do hàng hải, hàng không của Mỹ”. “Chúng tôi sẽ không bị đe dọa và sẽ không nhượng bộ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải”, Phó tổng thống Mỹ khẳng định.
Cũng trong bài phỏng vấn với Washington Post, Phó Tổng thống Mike Pence đã chia sẻ những thông tin liên quan tới chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương của Nhà Trắng.
Ông Pence cho biết chuyến đi của ông tới châu Á lần này nhằm thể hiện rằng “Mỹ không có ý định nhượng bộ tầm ảnh hưởng hay quyền kiểm soát” cho Trung Quốc.
Vị quan chức Mỹ khẳng định rằng chủ nghĩa độc đoán và gây hấn không có chỗ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương
Theo một quan chức cấp cao chính phủ Mỹ, ông Pence sẽ đề cập rất thẳng thắn về vấn đề Biển Đông với lãnh đạo tất cả các nước tham dự cuộc họp Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 13, sẽ diễn ra vào ngày hôm nay (15/11) tại Singapore.
Vị quan chức cấp cao cũng nhấn mạnh lập trường của Mỹ rằng việc mời đối tác tham gia thăm dò tài nguyên là quyền của mỗi quốc gia và quyền này không thể bị xâm phạm bởi một nước thứ 3.
Ông đồng thời bác bỏ những nhận định cho rằng việc Mỹ tăng tham gia vào khu vực sẽ làm suy yếu vai trò của ASEAN. Ông nhấn mạnh Mỹ luôn xem ASEAN là “trái tim” của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và tầm nhìn chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Mới đây, sau cuộc hội đàm cấp cao giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc tại Washington hôm 9/11, Mỹ cũng đã công khai yêu cầu Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa khỏi các thực thể tranh chấp trên quần đảo Trường Sa và hối thúc Trung Quốc giữ đúng cam kết trước đó trên Biển Đông.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang trên nhiều mặt trận mà cả hai bên đều không muốn nhượng bộ.
Bắc Kinh thời gian gần đây có những động thái quyết liệt để ngăn chặn các tàu chiến Mỹ di chuyển gần những nơi nước này tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi đó, phía Washington cho rằng họ đang hành động đúng luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không của mình cũng như các nước khác trên Biển Đông.