Trung Quốc đang phải ngày ngày đối diện với những “căn bệnh” trầm kha còn nguy hiểm hơn cả cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Sau hơn 3 tháng chiến tranh thương mại với Mỹ, có vẻ như Trung Quốc vẫn đang “sống tốt”. Nhưng ẩn dưới vẻ ngoài ổn thỏa ấy là những vấn đề khá nghiêm trọng, và chúng luôn còn có thể trở nên tồi tệ hơn thế – nếu những đòn giáng thuế quan của Mỹ bắt đầu ảnh hưởng sâu hơn tới nền kinh tế của Trung Quốc.
Theo CNN, Bắc Kinh vốn đã phải đối diện với nhiều vấn đề khác trong nội bộ, và cuộc chiến thương mại khiến tình hình tệ hơn trước. Hiện nay tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Hơn nữa, nước này còn đang phải mang trên vai gánh nặng từ các khoản nợ công, những mối lo ngại về bong bóng bất động sản, và đồng nội tệ liên tục trượt giá.
Số liệu trong tháng 10 vừa qua cho thấy giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mạnh, bất chấp việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế mới đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này hoàn toàn có thể thay đổi trong những tháng tới, nếu như mức thuế tăng lên 25% vào cuối năm nay như lời đe dọa của Mỹ, thay vì mức thuế 10% như hiện tại. Thế nhưng đó cũng chỉ là một vấn đề trong danh sách nỗi lo ngày càng thêm dài của chính phủ Trung Quốc.
Sau đây là ba vấn đề nổi cộm nhất trong nền kinh tế của Trung Quốc hiện nay:
Khoản nợ khổng lồ vượt quá tầm kiểm soát
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng nhờ… các khoản nợ.
Ông Gerard Burd, một nhà kinh tế học tại Ngân hàng Nhà nước Australia, cho biết: “Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các khoản vay”.
Quả thực, hiện nay, tổng số nợ trong hệ thống tài chính của Trung Quốc đã nhiều gấp vài lần tổng giá trị của nền kinh tế nước này.
Biểu đồ của CNN so sánh tổng số nợ (đường màu cam) và giá trị (đường màu xanh đen) của nền kinh tế Trung Quốc, theo đơn vị nghìn tỉ USD.
Một phần trong khoản nợ này được sử dụng cho các dự án xây cầu đường và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, một phần lớn hơn lại được đầu tư vào những lĩnh vực kém năng động hơn của nền kinh tế, như những công ty vốn nhà nước lớn và hoạt động kém hiệu quả.
Trong khi đó, thành phần tư nhân năng động hơn lại không nhận được khoản đầu tư tương xứng.
Cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã thử kiểm soát khoản nợ khổng lồ của mình, và đây cũng là một trong những lí do chủ yếu khiến nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này bị mất đà tăng trưởng.
Một số nhà phân tích tỏ ý kiến nghi ngờ đối với cam kết của chính phủ Trung Quốc về việc “dọn dẹp” hệ thống tài chính, đặc biệt là khi mức tăng trưởng ngày càng chậm lại, và cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng.
Chính quyền nhiều tỉnh thành và nhiều doanh nghiệp nhà nước sẽ phải chật vật xoay xở để giữ nhịp phát triển, khi chính phủ giảm dần các khoản vay lãi suất thấp dành cho họ.
Tuy nhiên, theo ông Kevin Lai, một nhà kinh tế học tại ngân hàng đầu tư Daiwa Capital Markets, chính quyền Bắc Kinh sẽ cố gắng duy trì các khoản vay này, bởi việc cắt hoàn toàn có thể đem lại những hệ lụy tiêu cực, như bất ổn xã hội, người dân mất việc làm, và các công ty phá sản.
Đồng nội tệ trượt giá
Hiện nay chính phủ Trung Quốc cũng đang nỗ lực tìm hướng giải quyết tình trạng đồng Nhân dân tệ (NDT) liên tục trượt giá. Số liệu của chính phủ cho thấy đồng nội tệ đã giảm hơn 9% so với đồng USD kể từ tháng 1 năm nay.
Sở dĩ có tình trạng này là bởi những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc, và quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đẩy giá trị của đồng USD tăng cao.
Trong thực tế, đồng NDT yếu đang có lợi cho ngành xuất khẩu của Trung Quốc, tuy nhiên, việc để đồng nội tệ trượt giá quá sâu không có lợi cho nước này về lâu dài.
Bong bóng bất động sản
Một mối nguy khác mà Bắc Kinh đang phải đối diện đang lẩn khuất trong thị trường bất động sản của nước này.
Giá bất động sản đã tăng cao hơn gấp đôi trong một thập kỷ qua, theo kết quả của cơ quan nghiên cứu Gavekal, chủ yếu là do lãi suất thấp và tình trạng thiếu nhà ở tại các thành phố lớn của Trung Quốc.
Thế nhưng, hiện nay thị trường bất động sản của Trung Quốc đã cho thấy một số “vết rạn”, theo nhà kinh tế Aidan Yao của công ty AXA Investment Managers. Ví dụ như một số chủ sở hữu bất động sản sẵn sàng giảm giá để lôi kéo người mua, khi nhu cầu về bất động sản giảm dần.
Ông Yao cho biết việc thị trường bất động sản tại Trung Quốc “nguội lạnh” hiện chỉ còn là vấn đề thời gian.
Năm nay, ngành bất động sản là một trong những điểm sáng ít ỏi của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng nếu lĩnh vực này rơi vào khủng hoảng, thì nó sẽ trở thành gánh nặng khổng lồ.
Những vấn đề “mãn tính”, trầm kha
Trong những nỗ lực tìm phao cứu sinh cho nền kinh tế nước nhà, các quan chức Trung Quốc đã thử cắt giảm thuế, chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng họ đã “chẩn đoán sai bệnh” của nền kinh tế Trung Quốc.
“Những vấn đề của Trung Quốc không phải là cấp tính, mà là mãn tính”, ông Derek Scissors, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ, cho biết.
Theo quan điểm của chuyên gia này, thì chính quyền Trung Quốc và các nhà hoạch định chính sách đã bỏ qua những vấn đề lớn hơn, như dân số già hóa nhanh chóng và môi trường kinh doanh không hề có tính cạnh tranh tại nước này,
Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng quy định sinh một con (đã được áp dụng từ 10 năm nay), và nỗ lực tăng cường cạnh tranh bằng cách mở cửa cho các công ty nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực lớn như ngân hàng và chế tạo xe hơi; nhưng có vẻ như những động thái này đã được đưa ra quá muộn, hoặc chưa đủ để thay đổi tình thế hiện nay.
Xét về lâu dài, triển vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc đang thực sự lung lay vì những vấn đề kể trên.
“Những nền kinh tế già cỗi, nợ nần nhiều đều không thể phát triển”, chuyên gia Scissors nhận định.
theo Thời đại