Sau TP.HCM, có thể công tác phòng, chống tham nhũng trong đất đai sẽ rà tới nhiều thành phố lớn trực thuộc trung ương…
Thời gian qua, những sai phạm tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án số 8-12 Lê Duẩn, khu đất Phước Kiển… được chấn chỉnh, khiến nhiều lãnh đạo, cán bộ TP.HCM phải vướng vòng lao lý.
Nhận định về hiện tượng trên, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, động thái trên cho thấy quyết tâm phòng chống, tham nhũng của Đảng và Chính phủ ngày càng đi vào thực chất và không có vùng cấm. Bất kỳ ai đã có sai phạm là phải bị trừng trị thích đáng.
Đây là điều dư luận mong mỏi và mong muốn phải làm quyết liệt, quyết tâm đưa ra ánh sáng mọi khuất tất, sai phạm và xử lý nghiêm minh để làm gương những sai phạm về đất đai không chỉ ở TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành, địa phương khác.
Theo ông Nhường, đất đai là nguồn lực lớn nhưng dễ bị lợi ích nhóm thao túng, xà xẻo gây thất thoát, tham nhũng. Hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng đất đai xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố lớn, TP.HCM chỉ là một địa bàn và chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm trong lĩnh vực này.
‘Quyết liệt xử lý sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai không những giúp TP.HCM thu về được nguồn lực lớn mà còn mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và địa phương phát triển, đặc biệt với những doanh nghiệp có tiềm năng và tiềm lực sẽ có được cơ hội tiếp cận với đất đai để làm nhà xưởng, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển, sản xuất.
Điều này cũng hạn chế phần nào hiện tượng doanh nghiệp thân hữu, sân sau ôm đất làm của để dành, gây lãng phí nguồn lực, làm mất cơ hội phát triển của thành phố và địa phương.
Rõ ràng, những bức xúc trong công tác giải phóng mặt bằng cần phải chấm dứt. Dự án phải được đưa ra đấu giá công khai, minh bạch, doanh nghiệp được lựa chọn là những doanh nghiệp có tiềm lực thật sự, giá trị thu về phải tương xứng’, Đại biểu Nhường nhấn mạnh.
Sai phải sửa
Tiếp tục phân tích thêm, ĐBQH Lê Công Nhường cho rằng, chính sách quản lý đất đai thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là cơ chế thu hồi, bồi thường cho người dân khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, cơ chế giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu thầu cũng là kẽ hở lớn làm nảy sinh những kẻ hở tiêu cực, tham nhũng. Đây là những hạn chế phải được nhìn nhận và khắc phục.
Tuy nhiên, để khắc phục được tình trạng trên, trước hết những sai phạm tương tự phải được xử lý một cách dứt điểm không chỉ tại TP.HCM.
‘Tôi kỳ vọng, với sự ra đời của Luật phòng, chống tham nhũng cùng với sự quyết tâm phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền, vấn nạn tham nhũng tới đây sẽ được xử lý. Chắc chắn phần nào sẽ khiến cán bộ, lãnh đạo có ý đồ tham nhũng phải run sợ, cán bộ muốn tham nhũng sẽ không dám tham nhũng nữa’, ông Nhường kỳ vọng.
Với kỳ vọng trên, ông Lê Công Nhường nhận định, sau xử lý sai phạm tại TP.HCM, công tác phòng, chống tham nhũng có thể tiếp tục rà tới các địa phương được xem là điểm nóng, có nguy cơ tiêu cực, tham nhũng đất đai cao như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Nha Trang, Quảng Ninh…
Ông Nhường cho rằng, một trong những thành công trong công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai chính là thái độ quyết liệt, nghiêm khắc, sai phải kỷ luật, có tội phải xử nghiêm.
‘Xử lý nghiêm những sai phạm sẽ góp phần đẩy lùi tham nhũng, ngăn chặn những ý đồ tham nhũng mới phát sinh.
Do đó, nếu đã phát hiện cán bộ, lãnh đạo có sai phạm thì cần quyết liệt trong xử lý, phải xử lý tới nơi, tới chốn, không thể xuê xoa. Có như vậy mới thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật’, ông Nhường nhấn mạnh.