TTO – Truyền thông Mỹ và Nhà Trắng cho rằng sau bữa ăn tối bàn công việc ở Argentina, Washington đang cùng Bắc Kinh giải quyết ‘các ưu tiên của Mỹ’.
Tại bữa tối bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires (Argentina), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không thực hiện một ký kết chính thức nào. Nhưng thay vào đó, hai lãnh đạo nhất trí một giai đoạn ngừng áp đặt rào cản thuế quan sau ngày 1-1-2019.
Trong các bản tin ban đầu phát trên China Daily và đài truyền hình quốc tế Trung Quốc (CGTN), ông Trump và ông Tập được biết đồng thuận ngừng áp thuế nhập khẩu “sau ngày 1-1”, thời điểm Mỹ trước đó dự kiến áp thuế nhập khẩu lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Hãng tin AP đi vào chi tiết hơn cho biết đó là một thỏa thuận miệng, khi hai bên đồng ý không áp thêm thuế nhập khẩu trong 90 ngày kể từ ngày 1-1-2019.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói hai nước sẽ “lập tức khởi động đàm phán về các thay đổi trong cấu trúc” về bảo vệ tài sản trí tuệ, đánh cắp thông tin mạng và “các ưu tiên khác của Mỹ”.
Nói cách khác, nếu căng thẳng thương mại Mỹ – Trung bị xem là “chiến tranh thương mại”, động thái vừa qua là một “thỏa thuận đình chiến” kéo dài 90 ngày. Và sau 90 ngày ấy, nếu mọi thứ không được giải quyết, chính quyền của ông Trump sẽ quay lại áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc theo kế hoạch.
Cụ thể trước đó, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc. Ngày 1-1-2019 tới là thời điểm Washington tăng mức thuế quan này lên thành 25%.
Hãng tin Bloomberg trong khi đó nêu bật sự tự tin từ phía Mỹ, trích lời phát biểu ông Trump nói sau cuộc họp: “Một cuộc gặp tuyệt vời và hiệu quả với những khả năng không giới hạn cho cả Mỹ và Trung Quốc. Thật vinh dự khi làm việc cùng Chủ tịch Tập”.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng – ông Larry Kodlow, cũng cho rằng cuộc gặp đã diễn ra “rất tốt” khi trả lời ngắn gọn với phóng viên trước khi phái đoàn của Tổng thống Trump rời Buenos Aires để trở về Washington.
Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập vừa qua thu hút sự chú ý lớn của truyền thông quốc tế vì tiềm ẩn khả năng mở ra hướng giải quyết cho tranh chấp thương mại hai nước.
Cuộc gặp này được cho đã kéo dài hơn hai tiếng, tức lâu hơn so với lịch trình dự kiến. Bloomberg dẫn lời một nhân vật tham gia thu xếp lịch họp nói rằng đây là chi tiết cố tình, trong đó Mỹ cũng đưa ra những tín hiệu cải cách Tổ chức Kinh tế thế giới (WTO), và các cải cách này đã tiếp tục gây áp lực buộc Trung Quốc phải hợp tác.
Mục đích “gây sức ép lên Trung Quốc” để đạt sự nhượng bộ nào đó từ Bắc Kinh cũng là điều ông Trump tiết lộ trong bài phỏng vấn báo Washington Post trước sự kiện G20 tại Argentina.