Theo đó, phần di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế với tổng kinh phí là 2.735 tỷ đồng thực hiện trong 2 giai đoạn: Giai đoạn I (2019-2021) tiến hành di dời phạm vi di tích Kinh Thành Huế (gồm tường thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ), khoảng 2.938 hộ dân với kinh phí 1.880 tỷ đồng.
Giai đoạn II (2022-2025), di dời các di tích Hồ Tịnh Tâm và Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám và Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 04 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (khoảng 1.263 hộ) với kinh phí 855 tỷ đồng.
Về hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời khu vực I di tích Kinh thành Huế quy mô 105 ha với kinh phí khoảng 1.362 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn I (2019-2021) khoảng 73 ha, tổng mức đầu tư khoảng 946 tỷ đồng. Giai đoạn II (2022-2025) khoảng 32 ha, tổng mức đầu tư khoảng 416 tỷ đồng.
Dự kiến, kinh phí thực hiện từ nguồn Ngân sách Trung ương hỗ trợ; một phần từ nguồn thu bán vé tham quan di tích giai đoạn 2019 đến 2021 và các nguồn huy động khác. Nguồn vốn giai đoạn II (2022-2025) đề nghị đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau năm 2021.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, phần lớn bà con sống trên khu vực 1 Kinh thành thuộc hộ cận nghèo, một số hộ nghèo, chủ yếu lao động phổ thông.
Do đó, một số phương án là tạo việc làm, tạo sinh kế cho người dân trên cơ sở những nghề nghiệp họ đang có. Một số đất trên thượng thành sau khi thu hồi có thể xây dựng phương án để trồng hoa, trồng cây cảnh để bà con có thể tiếp tục tham gia.
“Ngoài ra, đào tạo nghề để người dân có thể làm việc tại các cơ sở sản xuất. Tỉnh tạo mọi điều kiện để người dân sớm ổn định trên mảnh đất họ di dời đến” – ông Phan Ngọc Thọ cho biết.
UBND tỉnh cũng yêu cầu sau khi thực hiện công tác di dời cần có phương án để phát huy giá trị di tích. Cụ thể, sau khi di dời dân cư sẽ triển khai công tác bảo tồn, trùng tu, phục hồi và tôn tạo các yếu tố gốc của công trình di tích trên cơ sở các hồ sơ, tư liệu lịch sử.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả phát huy giá trị di tích, thực hiện các giải pháp khai thác với sự tham gia của cộng đồng và nguồn lực xã hội hóa, như: Tổ chức dịch vụ khai thác tuyến du lịch Thượng Thành và tham quan đời sống người dân Thành Nội; trưng bày toàn bộ tuyến Thượng Thành tái hiện lại hệ thống phòng thủ kiên cố thời quân chủ, các chứng tích chiến tranh; Phục dựng lễ Tế Xã Tắc hàng năm cũng như trong các dịp lễ hội Festival Huế, phục hồi nghi lễ quốc gia cho cộng đồng cùng tham gia,
Hình thành các điểm tham quan du lịch có tính chất kết nối đồng bộ các hoạt động khai thác phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của Cố đô Huế như: Hình thành điểm tham quan du lịch gắn yếu tố lịch sử văn hóa với cảnh quan môi trường sinh thái; Phục dựng các hoạt động làm việc, sinh hoạt vốn có dưới triều Nguyễn (buổi thiết triều; nghỉ ngơi, lưu trú kiểu Hoàng gia; tiệc tiếp khách cao cấp) làm phong phú kho tàng văn hóa phi vật thể triều Nguyễn để khai thác các dịch vụ phục vụ du khách về đêm.
Nguồn:baomoi.com