Khi “cuộc cách mạng” của thầy Park giành chiến thắng vẻ vang ở Mỹ Đình, có một người hùng thuộc “lực lượng hậu phương” âm thầm nở nụ cười tại một nơi khá xa xôi, ấy là bầu Đức.
Khi thầy Park làm ‘cách mạng’
Năm 1946, khi nhà thơ Tố Hữu được giác ngộ lý tưởng cách mạng đã viết nên những vần thơ bất hủ: Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu. Dấn thân vô là phải chịu tù đầy. Là gươm kề tận cổ, súng kề tai. Là thân sống chỉ coi còn một nửa’.
Năm 2018, tức hơn 7 thập kỷ sau khi những vần thơ được ra đời, có một người vẫn đang từng ngày ‘làm cách mạng’. Tất nhiên, đây không phải là một cuộc cách mạng nơi chiến trường, mà là ‘cách mạng’ ở một mặt trận khác, bóng đá Việt Nam. Người đó chẳng thể là ai khác ngoài HLV Park Hang-seo.
Ở mặt trận bóng đá, những chiến công mà HLV Park Hang-seo tạo ra suốt từ đầu năm 2018 thực sự là những chiến thắng vĩ đại. Sự cách tân giống như một cuộc cách mạng thực sự mà thầy Park tạo ra đã giúp bóng đá Việt Nam tạo nên một diện mạo mới, một kỷ nguyên mới hoàn toàn khác biệt so với những HLV tiền nhiệm.
Trong những cuộc chiến cam go nhất, khốc liệt nhất, như trận chung kết lượt tại Mỹ Đình tối qua chẳng hạn, HLV Park đã có cách dùng người mang tính chất ‘cách mạng’ và đầy mới mẻ mà có lẽ những đời HLV tiền nhiệm sẽ không dám làm.
Tối qua, thầy Park đã sử dụng đội hình xuất phát mà không có bất kỳ một bóng dáng nào của cầu thủ HAGL. Đây không phải là đầu tiên thầy Park làm như thế ở kỳ AFF Cup năm nay.
Trước đó ở trận bán kết lượt về gặp Philippines hoặc trận chung kết lượt đi gặp Malaysia, chiến lược gia sinh năm 1959 cũng ‘mạo hiểm’ bỏ qua những cầu thủ lò HAGL ở đội hình xuất phát. Những cái tên tưởng chừng ‘bất khả xâm phạm’, vốn được người hâm mộ ‘phát cuồng’ như Công Phượng, Xuân Trường đã phải ngồi ngoài.
Với những HLV tiền nhiệm Miura hay Hữu Thắng, việc bỏ qua cầu thủ lò HAGL như thế có thể sẽ vấp phải ứng dữ dội từ phía người hâm mộ. Và thực tế, những vị HLV tiền nhiệm cũng chưa đủ dũng khí để ‘làm cách mạng’ trong cách dùng người như vậy. Nhưng thầy Park dám làm điều mạo hiểm đó ở một cuộc chiến sống còn, trong thế ‘gươm kề tận cổ, súng kề tai’.
Những tư duy đột phá của thầy Park đã đem tới chiến thắng cho tuyển Việt Nam.
Nhưng, chẳng một ai còn nghi ngờ về quyết định dùng người mang tính cách tân ấy của thầy Park nữa. Đơn giản, tất cả người hâm mộ đều vững tin vào ‘lý tưởng cách mạng’ của thầy Park. Để rồi những quyết định mang tính đột phá ấy đã mang về trái ngọt.
Rõ ràng, sự mới mẻ trong tư duy cầm quân, đặc biệt là cách dùng người của thầy Park đã tạo nên một diện mạo mới cho bóng đá Việt Nam.
Những thành công liên tiếp từ giải U23 châu Á, Asiad đến chức vô địch AFF Cup là minh chứng cho thấy bóng đá Việt Nam đã sẵn sàng bước sang một kỷ nguyên mới, vận hội mới, giống như HLV Lê Thụy Hải nhận định ‘lứa này còn thì sẽ còn vô địch’. Rõ ràng, những thành quả ấy chẳng phải là một ‘cuộc cách mạng’ mà thầy Park đã tạo ra hay sao?
Người hùng thầm lặng mang tên bầu Đức
Sở dĩ câu chuyện HLV Park Hang-seo ‘năm lần bảy lượt’ bỏ qua nhóm cầu thủ HAGL ở đội hình xuất phát tại AFF Cup 2018 được nhắc đến khi nói về ‘cuộc cách mạng’ của HLV Park Hang-seo là bởi những quyết định táo bạo ấy có liên quan tới bầu Đức – một người có rất nhiều công trạng với bóng đá Việt Nam.
Trong quá khứ, trước kỳ SEA Games 2019, bầu Đức từng khiến người hâm mộ ‘giật mình’ với phát biểu: ‘Bây giờ Thái phải sợ ta, sao ta phải sợ Thái?’. Thế rồi, U23 Việt Nam dưới trướng HLV Hữu Thắng gục ngã ngay từ vòng bảng, vì Thái Lan. Trước đó nữa, vào năm 2014, bầu Đức từng nói: ‘Lứa này không vô địch SEA Games, hãy gọi tôi là Đức nổ, tôi cũng chịu’.
Với một người như bầu Đức thì tình yêu bóng đá là hằng số không bao giờ thay đổi. Chỉ có điều khác, đó là ông dần trở thành ‘người hùng thầm lặng’ khi trực tiếp sang Hàn Quốc mời thầy Park về làm thuyền trưởng bóng đá Việt Nam. Người ta dần dần không còn thấy bầu Đức ‘nổ’ thêm nữa. Tần suất vị tỷ phú phố Núi xuất hiện trên các trang báo thể thao cũng thưa dần.
Đằng sau chiến công của tuyển Việt Nam có chiến công lớn của bầu Đức.
Thế nhưng, khi thầy trò HLV Park Hang-seo ở rất gần chiếc cúp vô địch AFF Cup, người ta lại phải nhắc tới những cống hiến của bầu Đức đằng sau thành công của đội tuyển.
Có lẽ, sẽ có thêm rất nhiều người phải ngưỡng mộ bầu Đức khi biết tin, ông đã bỏ ra tới 19,2 tỷ đồng tiền lương cho HLV Park Hang-seo. Mỗi tháng, số tiền mà tập đoàn HAGL của bầu Đức chuyển khoản cho VFF để trả lương, đóng thuế cho HLV Park Hang-seo là 800 triệu đồng, cho bản hợp đồng kéo dài 2 năm.
Tối qua, khi thầy trò HLV Park Hang-seo giành chiến thắng vẻ vang ở Mỹ Đình, giới truyền thông lại bắt gặp bầu Đức với đôi dép lê quen thuộc, lặng lẽ ăn mừng cùng với bầu Thắng ở một nơi khá xa xôi, tận Đà Nẵng.
Bầu Đức không hạnh phúc sao được, khi mà những đóng góp nơi ‘hậu phương’ của ông đã đem lại chiến thắng cho thầy trò HLV Park Hang-seo ở nơi tiền tuyến.
Giờ đây, người ta chẳng mấy khi thấy bầu Đức xuất hiện trên báo giới để nói về ‘công trạng’ của mình. Nhưng, điều đó chỉ làm người hâm mộ dành thêm cho ông sự kính trọng và trân quý.
Hồi đầu năm, sau chiến tích ở giải U23 châu Á, việc đầu tiên mà HLV Park Hang-seo trở về từ Thường Châu đó là lên Pleiku để tri ân bầu Đức. Có lẽ trong ít ngày tới, thầy Park cũng sẽ không quên làm điều tương tự với vị tỷ phú gốc Bình Định.
Bầu Đức cùng bầu Thắng ăn mừng ở Đà Nẵng trong ngày Việt Nam vô địch (ảnh: Sao Star)
Và chắc hẳn tối qua, sẽ chẳng một ai buồn khi những đứa con tinh thần của bầu Đức như Công Phượng, Xuân Trường phải ngồi ngoài. Vị tỷ phú phố Núi có lẽ cũng chẳng cần phải bận tâm tới điều đó. Bởi điều cốt lõi nhất, đó là thầy Park cùng học trò đã gặt được trái ngọt là chức vô địch. Đấy mới là phần thường quý giá nhất để đền đáp những đóng góp nơi hậu phương của bầu Đức.
Giờ đây, ắt hẳn những đứa con tinh thần của bầu Đức như Xuân Trường, Công Phượng, Hồng Duy, Văn Toàn… đã thực sự trưởng thành sau chuỗi thời gian được chui rèn ở những đấu trường khốc liệt nhất. Đó cũng chính là tương lai của bóng đá Việt Nam, điều mà bầu Đức vẫn hằng mong muốn.
Chắc chắn, bầu Đức có thể mỉm cười khi chứng kiến những đứa con tinh thần của mình vẫn như thể ‘hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu; hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão; gân đang săn và thớ thịt căng da; đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa…’.