Trong một năm đại thành công của bóng đá Việt Nam, đằng sau hình bóng của ông thầy vĩ đại Park hang-seo, đâu chỉ có riêng một bầu Đức “chính nhân quân tử”?
1. Hai lần lập nên kỳ tích lẫy lừng cho bóng đá Việt Nam, là hai lần ông thầy người Hàn Quốc đích thân bắt tay, cảm ơn bầu Đức – người có cái ơn lớn khi đem mình đến với bóng đá Việt Nam. Và thành công của HLV Park Hang-seo chính là thành công của bóng đá Việt Nam, những thành công lẫy lừng vô tiền khoáng hậu mà chức vô địch AFF Cup 2018 chưa phải là kỳ tích cuối cùng.
Hơn 3 năm trước, trong sự trăn trở khôn nguôi cho bóng đá nước nhà, cho lứa cầu thủ con cưng mà mình dày công xây dựng từ nhiều năm về trước, bầu Đức từng phát lời hứa “như đinh đóng cột”: “Sa thải Miura đi, tôi sẽ lo tất cho đội tuyển, từ việc trả lương cho HLV trưởng, lẫn chuyện tập huấn của ĐTQG cũng như U23 Việt Nam“.
Hai năm sau, khi “nghiệp lớn” cùng HLV Hữu Thắng không thành. Dù đã từ chức phó chủ tịch VFF, bầu Đức vẫn canh cánh bên lòng nỗi lo cho đại cục, cùng VFF bôn ba đi mời HLV cho đội tuyển.
Sau lời từ chối của một HLV người Nhật, đích thân ông Đoàn Nguyên Đức cùng các quan chức VFF sang tận Hàn Quốc để phỏng vấn HLV Park Hang-seo, thông qua đơn xin việc được vợ ông Park gửi gắm qua người đại diện của Xuân Trường, cũng là người đại diện của vị cựu trợ lý HLV ĐTQG Hàn Quốc trong kỳ tích World Cup 15 năm về trước.
Và trong hoàn cảnh nền bóng đá Việt Nam suy sụp sau hai thất bại thảm hại của HLV Hữu Thắng, vượt qua những khó khăn trong việc kinh doanh, bầu Đức quyết tâm thực hiện lời hứa khi xưa của mình, xuất phát bằng việc gánh phần trả lương cho HLV Park Hang-seo thay vì tìm nguồn tài trợ khác, hay lấy tiền của VFF chi trả.
Với công lao ấy, sau thành công rực rỡ của nhà cầm quân người Hàn Quốc với U23 Việt Nam, cũng như ĐTQG Việt Nam, lời tri ân đầu tiên – chẳng những là của HLV Park Hang-seo, mà còn là của toàn bộ người hâm mộ bóng đá Việt Nam dành cho ông bầu phố Núi luôn nặng lòng với bóng đá nước nhà, là hoàn toàn xứng đáng và cần thiết.
2. Nhưng chỉ cảm ơn mỗi bầu Đức thôi là chưa đủ.
Gần 4 năm trước, bầu Đức từng bày tỏ ý muốn lứa cầu thủ U19 HAGL với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… sẽ đóng vai trò nòng cốt tại đội tuyển Olympic Việt Nam, cũng như tương lai của đội tuyển Việt Nam.
Ông bầu phố Núi từng bày tỏ thẳng từng với HLV Miura: “Sẵn sàng để quân của mình lên đội tuyển quốc gia. Nhưng triệu tập lên đông mà ngồi dự bị thì cũng không giải quyết được vấn đề gì“.
Trận chung kết U23 châu Á hồi đầu năm, HAGL đóng góp 3 cầu thủ trong đội hình xuất phát, đến trận tranh huy chương đồng Asiad 2018 con số này rút xuống còn 2, và đến trận chung kết AFF Cup vừa qua, không còn bất cứ cầu thủ HAGL nào còn hiện diện trong đội hình xuất phát của HLV Park Hang-seo.
Thay vào đó, các cầu thủ của CLB Hà Nội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong những thành công của HVL Park Hang-seo. Nếu như bầu Đức mất ngót nghét 10 năm để luyện thành lứa U19 HAGL lẫy lừng, thì ở CLB Hà Nội, bầu Hiển cũng mất ngần ấy năm để kiến tạo nên lứa cầu thủ đang “làm mưa làm gió” ở đấu trường khu vực và châu lục ngày hôm nay.
Những Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu, Đức Huy, Hùng Dũng… không phải tự nhiên mà “chín” như quả trên cây. Nó là thành quả của sự đầu tư, tính toán không mệt mỏi suốt nhiều năm trời, để có ngày kiến tạo nên một thế hệ vàng cho bóng đá Việt Nam.
Mùa bóng 2015, trong khi bầu Đức đôn toàn bộ lứa U19 lên V.League, thì những Quang Hải, Hùng Dũng, Đức Huy, Đình Trọng – những trụ cột của ĐTQG Việt Nam ngày hôm nay được bầu Hiển đưa xuống giải hạng Nhất để thử lửa sân chơi chuyên nghiệp, đồng thời tránh xa sự soi mói của truyền thông.
V.League năm ấy, HAGL trầy trật trong diện mạo mới, cán đích ở vị trí 13/14 đội tham dự, trong khi Quang Hải và các đồng đội của mình có một mùa bóng thành công rực rỡ với ngôi vô địch giải hạng Nhất. Sau một năm được “kích hoạt ngòi nổ”, Quang Hải trở lại CLB Hà Nội ở tuổi 18 và cùng các đồng đội hôm nay của mình tìm và chiếm suất đá chính ở đấu trường V.League.
Sự trui rèn ấy, cùng với việc được thi đấu trong CLB đoạt đến 2 chức vô địch trong 3 mùa bóng gần nhất, với sức mạnh áp chế cả V.League, bên cạnh những đàn anh lão luyện là tuyển thủ quốc gia lâu năm như Văn Quyết, Thành Lương… đã khiến những cầu thủ trẻ của CLB Hà Nội trưởng thành và tiến bộ vượt bậc.
Trong thành công của các cầu thủ “cả trẻ lẫn già” của CLB Hà Nội trong tay HLV Park Hang-seo, rõ ràng có nhiều lời cảm ơn nên được gửi đến cho bầu Hiển, cũng như những người thầy tận tay dạy dỗ, huấn luyện cho Quang Hải và các đồng đội của mình ở CLB Hà Nội, phải không?
3. Trong những năm tháng bết bát của bóng đá Việt Nam dưới thời Hữu Thắng, vẫn còn đó một điểm sáng, là chiến tích lẫy lừng của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn ở giải U19 châu Á, đoạt vé dự World Cup U20 tại Hàn Quốc. Đấy là điểm xuất phát chói lòa của thủ môn Bùi Tiến Dũng, Văn Hậu, Đình Trọng, Quang Hải, Tiến Linh lẫn Đức Chinh…
Lối chơi mà HLV Hoàng Anh Tuấn áp dụng cho U19 Việt Nam, cũng như kinh nghiệm thu thập được từ giải đấu trẻ mang tầm quốc tế ấy đã giúp các cầu thủ trẻ sớm có được bản lĩnh trận mạc, đồng thời va đập với các đối thủ cực mạnh, là sự chuẩn bị cực kỳ ý nghĩa cho thành công ở giải U23 châu Á – giải đấu mà họ lập nên kỳ tích với ngôi Á quân.
Dẫu cho không được bầu Đức đánh giá cao, nhưng với lứa cầu thủ trẻ dự World Cup ngày ấy, và thành công hôm nay, HLV Hoàng Anh Tuấn đích thực là người thầy xứng đáng được tôn vinh.
Nếu như HAGL từng thông qua giải U11 toàn quốc 2006 & 2007 để thâu tóm những ngôi sao trẻ của các tỉnh thành, từ Xuân Trường (Tuyên Quang), Tuấn Anh, Minh Vương (Thái Bình), đến lứa trẻ Hải Dương gồm Văn Toàn, Văn Thanh, Văn Sơn… thì vẫn còn đó một lò đào tạo “Hoàng Anh Gia Lâm” – trung tâm đài tạo bóng đá trẻ Hà Nội, thuộc trung tâm huấn luyện thi đấu TDTT – Sở VHTT Hà Nội.
Từ mặt sân ruộng ở Gia Lâm, những Duy Mạnh, Quang Hải (Đông Anh), Đình Trọng (Gia Lâm), Huy Hùng (Sóc Sơn), Đức Huy (Hải Dương), Thành Chung (Tuyên Quang) dù phải tập luyện dưới điều kiện khác nghiệt, thiếu thốn hơn nhiều so với HAGL, nhưng từ đây, những tài năng trẻ hôm nay của bóng đá Việt Nam được học những bài học đầu tiên, làm nền tảng cho thành công hiện tại.
Những người thầy của ngày đầu bỡ ngỡ ấy, chắc chắn xứng đáng nhận được mọi sự tôn vinh, biết ơn mà những cậu học trò nhỏ ngày nào dành cho mình.
Chắc hẳn danh sách những người cần phải gửi lời cảm ơn sau chiến công lẫy lừng của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 còn dài lắm, như những người cha, người mẹ của các tuyển thủ, những người nuốt nước mắt vào lòng, ủng hộ hết mình cho sự nghiệp của con, và lặng lẽ đứng sau thành công của họ.
Đừng chỉ nhìn thấy mỗi bầu Đức, dù cho ông bầu ấy cũng đáng trân trọng biết bao, giữa một nền bóng đá Việt Nam còn lắm hỗn mang.
theo Trí Thức Trẻ