Vừa qua, tờ Wall Street Journal đã tiết lộ nội dung của cuộc gặp gỡ giữa các quan chức cấp cao của liên minh tình báo tín hiệu Five Eyes tại Canada hồi tháng 7, trong đó có đề cập tới “kế hoạch nhằm ngăn chặn sự phát triển” của Huawei trên toàn cầu.
Tại cuộc họp nội bộ của nhóm Five Eyes hồi tháng 7, các quan chức đứng đầu tổ chức tình báo từ Mỹ, Canada, Australia, New Zealand và Anh đã thông qua “kế hoạch nhằm ngăn chặn sự phát triển” của tập đoàn viễn thông Trung Quốc, Huawei trên toàn cầu.
Theo Wall Street Journal, tất cả quốc gia thuộc liên minh Five Eyes đã đưa ra quan điểm tương đồng về nguy cơ gián điệp, đe dọa an toàn thông tin trên thiết bị Huawei, kể cả đối tác lâu năm của Huawei là Anh.
Trong cuộc họp các quan chức đã đề cập đến mối quan ngại về khả năng gián điệp của Trung Quốc trên không gian mạng và sức mạnh quân sự của nước này. Trong đó, vấn đề trọng tâm là làm thế nào để bảo vệ mạng lưới viễn thông khỏi các nguy cơ bên ngoài.
Nguồn tin của tờ Wall Street Journal cho biết các thành viên Five Eyes đã thể hiện mối quan tâm khác nhau về Huawei và các nhà sản xuất thiết bị khác đến từ Trung Quốc. Mỹ đề xuất loại bỏ và cấm tất cả thiết bị viễn thông Huawei, bất chấp công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đang là đối tác cung cấp lớn cho nhiều nhà mạng Mỹ. Tuy nhiên, ý kiến của Washington đã vấp phải phản ứng trái chiều cho rằng lệnh cấm cửa hoàn toàn Huawei ở nhiều quốc gia là “phi thực tế”.
Sau cuộc gặp gỡ cấp cao tại Canada, tờ Australian Financial Review dẫn lời một số quan chức tình báo của Five Eyes cảnh báo Huawei tiềm ẩn mối đe dọa ngày càng tăng.
Trong vài tháng qua, các quan chức tình báo khác của Five Eyes đã công khai nêu lên mối lo ngại bảo mật từ thiết bị Huawei, mà không đi sâu vào chi tiết cụ thể. Giám đốc Tổng cục Tín hiệu Australia (cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Australia) cho rằng toàn bộ mạng lưới giao thông và tiện ích quốc gia có nguy cơ bị tấn công thông qua kết nối 5G.
Bên cạnh đó, Giám đốc Cục Tình báo mật (MI6) Alex Younger nói Vương quốc Anh cần cảnh giác nếu đặt niềm tin vào Huawei trong quá trình triển khai mạng 5G. Người đứng đầu Cục Tình báo Canada David Vigneault cũng tỏ ra lo ngại về “nguy cơ gián điệp gia tăng trong các lĩnh vực được nhà nước tài trợ như mạng viễn thông 5G”.
Thực tế, kể từ trước khi cuộc họp diễn ra, các quan chức tình báo Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về Huawei và thuyết phục các nước đồng minh cấm cửa Huawei trong quá trình triển khai 5G.
Tờ Wall Street Journal tiếp tục trích dẫn lời của một quan chức tình báo Đức cho biết Mỹ đã gây áp lực vưới chính quyền Đức trong nhiều tháng để phải cấm Huawei. Mặc dù tới nay Đức vẫn chưa chính thức hành động bởi hoài nghi của Mỹ hoàn toàn thiếu căn cứ, nhưng nhà mạng Deutsche Telekom AG đang cân nhắc chiến lược mua sắm thiết bị Huawei do ảnh hưởng làn sóng tẩy chay trên toàn cầu.
Trong bài viết ngày 16.12, Associated Press đã báo cáo rằng làn sóng tẩy chay từ Five Eyes và các quốc gia đồng minh của Mỹ đã gây ảnh hưởng đáng kể tới chiến lược mở rộng kinh doanh của Huawei, mặc dù công ty Trung Quốc vẫn kiên quyết phủ phận.
Australia và New Zealand đã ngăn Huawei trở thành nhà cung cấp cho thế hệ thứ 5 của mạng viễn thông. Họ tham gia cùng Mỹ và Đài Loan, các quốc gia hạn chế sử dụng công nghệ của nhà cung cấp thiết thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tuần trước, cơ quan an ninh mạng Nhật Bản cho biết Huawei và các nhà cung cấp tiềm ẩn rủi ro bảo mật sẽ bị giới hạn giao dịch bởi chính phủ.
Cuộc gặp gỡ giữa các quan chức cấp cao của Five Eyes diễn ra tại thành phố Otawa hồi tháng 7. Ảnh: Canadian Express.
Hiện đang tồn tại nghi vấn về việc liệu Huawei thực sự là mối đe dọa gián điệp hay đó chỉ là cái cớ để giảm tính cạnh tranh của công ty Trung Quốc trước các đối thủ phương Tây.
Giám đốc công ty nghiên cứu Fitch Solution Andrew Kitson cho rằng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Huawei là công ty gián điệp của Trung Quốc: “Họ chỉ đưa ra vài lời nói bóng gió khiến các chính phủ khác lo lắng và suy nghĩ, ngừng hợp tác ngay cả khi không có bằng chứng. Tất cả bởi nó tiềm ẩn quá nhiều rủi ro”.
Huawei đang là nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông hàng đầu thế giới. Công ty Trung Quốc chiếm 28% thị phần tại Châu Á, Châu Phi và Châu Âu, với doanh thu ước tính trong năm 2017 là 32 tỷ USD.
AP nhận định việc cấm cửa Huawei sẽ khiến thiết bị tăng giá và làm chậm sự đổi mới, bởi các nhà mạng sẽ phải phụ thuộc vào đối thủ của Huawei như Ericsson (27%) và Nokia (23%), theo yêu cầu của chính phủ. Và trong các tên tuổi lớn khác còn lại trên thị trường gồm ZTE và Samsung, thì công ty Trung Quốc ZTE cũng đang phải đối mặt với trở ngại tương tự.
Bà Mạnh Vãn Chu đã được bảo lãnh tại ngoại ngày 11.12 với số tiền 7.5 triệu USD kèm theo một số điều kiện. Ảnh: AP.
Thời gian gần đây, Huawei là tiêu điểm của tất cả phương tiện truyền thông vì vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, con gái lớn của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi . Chính quyền Canada đã tiến hành bắt khẩn cấp CFO Huawei theo yêu cầu từ chính phủ Mỹ. Nguyên nhân xuất phát từ nghi vấn bà Chu nắm vai trò lãnh đạo Skycom, một công ty từng thuộc quyền sở hữu của Huawei, đã che giấu giao dịch với Iran và vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ trong lĩnh vực mua bán thiết bị điện tử.
Vụ bắt giữ xảy ra khi thỏa thuận “ngừng bắn” giữa Mỹ và Trung Quốc vừa ký kết, sẽ tiếp tục làm leo thang căng thẳng giữa hai cường quốc này. Phía Trung Quốc đe dọa về “hậu quả khôn lường” nếu bà Chu không được thả tự do. Trong khi đó, nguồn tin của Gizmodo cho biết một số quan chức Nhà Trắng đang lên kế hoạch dùng bà Chu để đàm phán trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn trên tờ AP, chuyên gia nghiên cứu của International Data Corp. Nikhil Bhatra nói: “Gian đoạn này, Huawei chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, trên cả góc độ chính trị và thương mại”.
theo Viettimes