“Động đất, tấn công khủng bố và lượng oxy ít ỏi trên đỉnh Everest cũng không thể cản bước Huawei,” một tác giả trên tờ New York Times mở đầu bài bình luận.
Mục tiêu duy nhất
Khi “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc mở rộng thị trường trên khắp thế giới, đưa trang thiết bị cần thiết để đem điện thoại di động và dịch vụ dữ liệu tới những vùng xa xôi hẻo lánh nhất địa cầu, nhân viên của hãng Huawei luôn được thúc giục bởi một văn hóa doanh nghiệp độc đáo.
Họ làm việc bất kể ngày đêm. Họ được khuyến khích “vi phạm” một số quy tắc nhất định của công ty, miễn là làm như vậy sẽ đem lại ích lợi cho tập thể hơn là cho cá nhân nhân viên.
Trong bài phỏng vấn tới tờ The New York Times (NYT), các nhân viên Huawei đã tiết lộ nguyên do cho tinh thần làm việc tới mức “cực đoan” nói trên, và gọi nó bằng một cái tên đáng nhớ: “văn hóa sói”.
Hiện tại, phong cách hoạt động của Huawei đã trở thành tâm điểm của thế giới. Mỹ đã cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu – Giám đốc Tài chính (CFO) và là con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi – vì tội gian lận và tìm cách lừa các ngân hàng trợ giúp cho hoạt động của Huawei tại Iran, vi phạm cấm vận của Mỹ với Tehran.
Không ai dám chắc văn hóa của Huawei đã định hình các thỏa thuận tại Iran như thế nào, nhưng chắc chắn ý chí “làm bằng được” của doanh nghiệp này trong việc vươn lên dẫn đầu – và thực sự đã đưa công ty trở thành một trong những “đầu tàu” trong lĩnh vực thiết bị viễn thông mạng – là nguyên nhân đằng sau một số vụ việc khiến Huawei bị điều tra, giám sát.
Theo NYT, nhân viên của Huawei đã bị cáo buộc hối lộ các quan chức chính phủ để giành được những thỏa thuận tại Châu Phi, sao chép mã nguồn của các đối thủ Mỹ và thậm chí đánh cắp một phần tay robot trong phòng thí nghiệm của T-Mobile tại Bellevue, Washington.
Năm 2015, nhà sáng lập và chủ tịch tập đoàn Nhậm Chính Phi cho biết trong một chương trình “ân xá” của công ty, hàng nghìn nhân viên đã thừa nhận vi phạm hàng loạt các quy định, từ báo cáo giả mạo thông tin tài chính cho tới hối lộ.
Trong một thông điệp gửi qua email, một phát ngôn viên Huawei cho biết hàng năm, công ty yêu cầu tất cả các nhân viên phải học và kí vào bản phương châm hoạt động doanh nghiệp.
“Trọng tâm của tài liệu nói trên chỉ rõ nhân viên của Huawei phải làm việc tuân theo quy định pháp luật địa phương. Nếu phát hiện bất kì nhân viên nào làm việc sai tôn chỉ doanh nghiệp, công ty sẽ ngay lập tức có phản ứng thích hợp, bao gồm chấm dứt hợp đồng lao động.“
Năm 2015, ông Nhậm cho biết Huawei đã mạnh tay hơn trong việc xử lí sai phạm của nhân viên. Nhưng trong năm sau, qua một thông báo gửi bằng email tới nhân viên, ông Nhậm thừa nhận rằng nhiều nhân viên không chú ý tới quy định và kiểm soát nội bộ công ty. Nguyên do có thể là vì Huawei thường đánh giá nhân viên chỉ thông qua lợi ích họ đem lại cho tập đoàn.
Gần đây, trong một thông báo khác, ông Nhậm cho rằng việc thực hiện nghiêm túc các quy định nội bộ công ty là rất quan trọng, nhưng không thể vì thế mà khiến việc kinh doanh gặp bất lợi.
“Nếu các quy định khiến Huawei thất thu, thì chúng ta sẽ ‘chết đói’,” ông Nhậm nói.
Cống hiến và gian khổ
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu vào tháng trước đã khiến mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc trở nên ngày càng u ám, phá vỡ những nỗ lực của hai quốc gia trong bối cảnh chiến tranh thương mại vẫn căng thẳng.
Trong nhiều năm trở lại đây, Washington đã tìm cách làm suy yếu Huawei, cho rằng sản phẩm của tập đoàn này tiềm ẩn nguy cơ cao trở thành công cụ tình báo và gián điệp – Huawei đã phủ nhận tất cả các cáo buộc.
Lo ngại về an ninh đối với thiết bị của Huawei và những nhà sản xuất Trung Quốc khác đang hiện hữu rõ nét đối với các đồng minh của Mỹ.
Trong buổi họp thường niên của liên minh tình báo quốc tế Five Eyes, Huawei là một trong những chủ đề được đem ra thảo luận giữa các sĩ quan tình báo cấp cao từ Anh, Australia, New Zealand, Canada và Mỹ, bao gồm bà Gina Haspel – tân giám đốc CIA.
Một câu đối tại phòng nghiên cứu của Huawei, tạm dịch: “Dữ liệu chân thực vô tình, nhưng phục vụ khách hàng phải có tâm”. Ảnh: Forbes Conrad/Bloomberg
Tuy không có thỏa thuận chính thức về việc ban lệnh cấm Huawei, nhưng cuộc thảo luận cho thấy sự hợp tác “lỏng lẻo” của các cơ quan an ninh phương Tây khi các tổ chức này đều tìm cách buộc Huawei rời khỏi hợp đồng xây dựng mạng lưới viễn thông thế hệ tiếp theo, hay còn biết đến với tên gọi công nghệ 5G.
Nhiều áp lực đang đổ dồn lên Huawei. Tuần trước, công ty Đức Deutsche Telekom cho biết đang cân nhắc nghiêm túc về “những cuộc đàm phán quốc tế liên quan tới vấn đề an ninh từ thiết bị mạng của nhà sản xuất Trung Quốc”.
Hôm 17/12, cơ quan tình báo của Czech đã cảnh báo chính phủ nước này về nguy cơ khi cộng tác với công ty Trung Quốc, tiêu biểu là Huawei và ZTE.
Huawei được thành lập vào cuối những năm 1980, trong những năm hồi sinh đầy biến động của kinh tế Trung Quốc. Ông Nhậm từng là một kĩ sư trong lực lượng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) gần 10 năm trước khi gây dựng Huawei, và những giá trị của quân đội – kiên nhẫn, cống hiến, lý tưởng – đã là một phần cốt lõi của công ty.
Trong những năm đầu, đội ngũ nhân viên của Huawei đã từng đạp xe thể thao đi khắp Trung Quốc để bán thiết bị điện thoại cho các bưu điện. Các nhân viên còn được cấp đệm để ngủ khi làm việc qua đêm.
Những câu chuyện được truyền lại trong công ty – thông qua các ấn phẩm nội bộ và những quyển sách của các chuyên gia kinh tế – đều tập trung kể về những nhân sự có sự cống hiến to lớn và chịu đựng gian khổ.
Họ đã làm việc cật lực để dịch vụ viễn thông được đảm bảo thông suốt mặc cho vụ tấn công khủng bố ở Mumbai và trận động đất tại Algeria. Họ chịu cái lạnh và thức trắng để cung cấp mạng điện thoại cho những người leo núi Evevest.
Những lằn ranh đỏ, vàng
Theo lời phỏng vấn, ngày nay, mặc dù những giường gấp thường được dùng để các nhân viên nghỉ trưa hơn là làm thâu đêm, thời gian làm việc tại Huawei vẫn khá dài.
Những nhân viên mới tại Huawei phải tham gia một buổi đào tạo mang phong cách quân đội, bao gồm chạy bộ buổi sáng và các lớp học về văn hóa doanh nghiệp. Các nhân viên cũng phải tự soạn và đóng các tiểu phẩm để thể hiện cách họ duy trì và phục vụ khách hàng trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, ví dụ như chiến trường.
Tại một phòng nghiên cứu ở trụ sở của Huawei ở Thâm Quyến, một bức thư pháp được đóng khung, treo trên tường với dòng chữ: “Đối với người lính, hy sinh là mệnh lệnh tối cao, chiến thắng là cống hiến tột cùng”.
Môi trường làm việc cường độ cao như vậy không phải lúc nào cũng được người dân Trung Quốc ngưỡng mộ.
Cư dân mạng nước này đã chỉ trích Huawei kịch liệt sau khi một nhân viên 25 tuổi thiệt mạng vào năm 2006 vì viêm não. Một loạt các vụ nhân viên tự tử khác cũng khiến danh tiếng của Huawei bị thiệt hại nặng nề.
Đối với nhân viên của Huawei, có những “lằn ranh đỏ” không được phép xâm phạm dưới trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong đó, bao gồm luật cấm tiết lộ bí mật công ty, phạm pháp và vi phạm cấm vận.
Nhưng tại Huawei, vẫn tồn tại những “lằn ranh vàng”. Trả lời NYT, các nhân viên giấu tên cho biết họ được khuyến khích “nhắm mắt làm ngơ” với một số điều luật nội bộ, ví dụ như cấm tặng quà hoặc các khoản khác để giành được khách hàng – miễn là làm như vậy đem lại lợi ích cho công ty.
Đối với một số người tại Huawei, những lằn ranh này dường như đã mờ khi công ty phát triển thần tốc trên toàn cầu.
Năm 2002, chính phủ Iraq đã gửi tới Liên Hợp Quốc một bản tuyên bố 12.000 trang về chương trình vũ khí của nước này, và Huawei được cho là một trong hàng chục công ty nước ngoài vi phạm cấm vận và bán công nghệ cho chính quyền của ông Saddam Hussein.
Tại thời điểm ấy, Huawei đã phủ nhận cung cấp thiết bị cho Iraq, cho biết đã tham gia đấu thầu hai dự án viễn thông vào năm 1999, nhưng đã rút lui bởi những lí do thương mại.
Năm 2003, Huawei bị Cisco Systems (Mỹ) kiện vì sao chép phần mềm và hướng dẫn sử dụng. Hai bên đã giải quyết vụ việc bên ngoài tòa án.
Đúng một thập kỉ sau, T-Mobile khẳng định nhân viên của Huawei đã chụp hình và đánh cắp một phần trên tay của robot có tên Tappy để giúp Huawei tự sản xuất robot. Huawei thừa nhận vụ việc và cho biết các nhân viên thực hiện hành vi phạm tội đã bị đuổi việc. Một phiên tòa sau đó công bố T-Mobile được hưởng 4,8 triệu USD tiền đền bù.
Huawei tại Iran
Những cáo buộc tiếp tục theo chân Huawei tới Châu Phi. Tại Ghana, một tổ chức chống tham nhũng cho biết trong năm 2012, Huawei đã tài trợ cho chiến dịch của đảng cầm quyền trong cuộc bỏ phiếu để đổi lại được hưởng thuế ưu đãi. Trong năm đó, một cán bộ cấp cao của Huawei cũng bị cáo buộc hối lộ quan chức của công ty viễn thông nhà nước Algeria.
Huawei không bình luận về vụ việc ở Ghana. Sau khi tòa án Algeria tuyên án, công ty cho biết sẽ xem xét quyết định của tòa “một cách nghiêm túc”.
CFO của Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ và xét xử vì những cáo buộc liên quan tới gian lận và vi phạm cấm vận tại Iran. Ảnh: AP
Trong thông điệp đầu năm mới 2013, Guo Ping – một lãnh đạo cấp cao của Huawei vào thời điểm này – thừa nhận rằng phát triển quá nhanh đã dẫn tới nhiều vấn đề và rủi ro.
“Không lâu trước đây, tăng trưởng nhanh chóng là ưu tiên hàng đầu của Huawei. Điều này đã giúp Huawei trưởng thành nhanh chóng, nhưng cũng khiến việc quản lí của tập đoàn vấp phải nhiều trở ngại. Chúng ta phải kiểm soát mức độ tăng trưởng, và hiện nay có quá ít người quản lí ổn định.”
Tới thời điểm đó, Huawei cho biết tập đoàn đã dừng mở rộng tại một thị trường đặc biệt nhạy cảm: Iran. Tuy nhiên, các nhà điều tra Mỹ khẳng định công ty đã vi phạm pháp luật vì hành vi thương mại tại Iran.
Huawei tham gia thị trường Iran vào năm 1999. Trong vòng một thập kỉ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Tehran đã thông báo rằng 130 thành phố của Iran đã được kết nối mạng cáp quang của Huawei.
“Sự phụ thuộc của thị trường viễn thông Iran đối với sản phẩm của Huawei đang tăng lên từng ngày. Huawei đã trở thành nhà sản xuất và cung cấp thiết bị mạng chủ yếu của Iran,” một bài viết trên trang web đại sứ quán cho biết.
Không lâu sau đó, Liên Hợp Quốc và Mỹ đã triển khai cấm vận mới nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran. Năm 2011, Huawei cho biết sẽ không kí hợp đồng mới với Tehran vì tình hình “phức tạp” tại quốc gia này. Huawei cũng khẳng định sẽ hạn chế giao dịch với các khách hàng sẵn có.
Các cáo buộc nhằm vào bà Mạnh Vãn Chu cũng đều xuất phát từ các sự kiện hồi năm 2013.
Theo như lời khai được công bố trong phiên điều trần của bà Mạnh, Huawei đã sử dụng một công ty có tên Skycom như một công ty con không chính thức để làm ăn với Iran.
Phía Mỹ cho rằng bà Mạnh đã giấu mối liên hệ của Skycom và Huawei nhằm trấn an ngân hàng HSBC và các ngân hàng khác rằng Huawei không vi phạm cấm vận của Mỹ nhằm vào Iran.
Huawei hiện tại vẫn có sự hiện diện ở Iran. Theo NYT, có thể tìm thấy một cửa hàng chuyên bán thiết bị của Huawei ở Tehran.
Bên trong, chủ cửa hàng Hamad Hajipour cho biết điện thoại Huawei khá phổ biến ở Iran. Anh Hajipour thậm chí còn xăm chữ Trung Quốc lên cánh tay.
“Tôi thích Trung Quốc. Đó là một quốc gia hùng mạnh,” chủ cửa hàng người Iran nói.
theo Thời đại