Khảo sát thường niên được công bố ngày 17/12 của Trung tâm Hành động Ngăn chặn (CPA), thuộc viện nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) của Mỹ, lần đầu tiên đánh giá Đài Loan là điểm nóng có nguy cơ leo thang xung đột vũ trang cần được theo dõi trong năm 2019.
Theo South China Morning Post, CPA cảnh báo tranh chấp Biển Đông cũng có nguy cơ leo thang. Điểm nóng khu vực có thể trở thành một trong những cuộc khủng hoảng quy mô lớn mà Tổng thống Donald Trump phải đối mặt trong năm tới.
Bên cạnh đó, trung tâm Mỹ còn liệt kê các rủi ro an ninh khác mà Washington có thể gặp trong năm 2019: từ đổ vỡ đàm phán hạt nhân với Triều Tiên đến khả năng xảy ra tấn công mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng và mạng lưới máy tính Mỹ.
Khảo sát Các ưu tiên Ngăn chặn 2019 của CPA cũng đề cập khả năng căng thẳng giữa Iran và Mỹ hoặc các đồng minh gia tăng. Những vấn đề này có thể buộc chính phủ Mỹ phải có biện pháp ngăn chặn trong năm tới.
Khả năng đối mặt khủng hoảng lớn đầu tiên
Các chuyên gia cảnh báo Washington sẽ gặp khó khăn nếu phải giải quyết đồng loạt những điểm nóng trên, giữa lúc đang kẹt trong đối đầu với Bắc Kinh.
Căng thẳng Mỹ – Trung từ thâm hụt thương mại trong năm 2018 đã lan sang hàng loạt mảng khác, từ vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông đến chính sách đầu tư và tạo ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tạm lắng sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình thống nhất ngưng leo thang để đàm phán trong 90 ngày.
“Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đến nay chưa phải đối mặt với cuộc khủng hoảng quốc tế nào nghiêm trọng. Tổng thống chưa phải đau đầu suy xét nước Mỹ cần tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự mới và tốn kém hay không”, các chuyên gia của CPA nhận định.
“Tuy nhiên, với trật tự quốc tế ngày một thay đổi trên nhiều phương diện, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chính phủ của ông Trump đối mặt với cuộc khủng hoảng quy mô lớn đầu tiên (trong nhiệm kỳ này)”, báo cáo của CPA cảnh báo.
Kể từ năm 2008, CPA mỗi năm đều tham khảo ý kiến các chuyên gia chính sách đối ngoại để xếp hạng 30 xung đột hiện tại và tiềm năng. Việc xếp hạng dựa trên khả năng xung đột sẽ bùng nổ hay leo thang cao hơn trong năm kế tiếp, cũng như sức tác động đối với các lợi ích của Mỹ. Khảo sát cũng chỉ ra những xung đột cần ưu tiên ngăn chặn cho giới lập pháp Mỹ.
Trong đợt khảo sát năm thứ 11 này, CPA đã nhận được 500 phản hồi từ các quan chức Mỹ, chuyên gia chính sách đối ngoại và học giả Mỹ.
Những rủi ro va chạm với Trung Quốc
Đây là lần đầu tiên, những người tham gia khảo sát đánh giá rủi ro xung đột Mỹ – Trung trong vấn đề Đài Loan là một điểm nóng cần theo dõi sát sao.
Khảo sát cho rằng chiến dịch tạo sức ép chính trị và kinh tế ngày một lớn của Trung Quốc trước thềm bầu cử lãnh đạo tại Đài Loan năm 2020 đang làm gia tăng căng thẳng trên eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng xung đột này chỉ ở mức cảnh giác “cấp II”.
Trong khi đó, nguy cơ xung đột trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản không còn nằm trong nhóm đáng lo ngại nhất. Điểm nóng này từng nằm trong nhóm có nguy cơ cao trong dự báo những năm trước. Mức rủi ro xung đột được đánh giá lại giữa lúc quan hệ hai nước đang ấm dần lên.
Vào tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng tuyên bố quan hệ Nhật – Trung đã vượt qua được những “chướng ngại vật” và đang chuyển từ “cạnh tranh sang hợp tác”. Trong cuộc gặp đó, hai nhà lãnh đạo đã ký kết một loạt thỏa thuận phòng ngừa va chạm quân sự trên biển và thúc đẩy hợp tác kinh tế tài chính.
Theo nhận định của Chang Ching, chuyên gia quân sự tại trung tâm Hội Chiến lược Học – trung tâm cố vấn chính sách tại Đài Bắc, những điểm nóng xung đột trong khu vực đang được các bên tiếp cận và xử lý một cách thận trọng, tránh các rắc rối hoặc mối đe dọa tiềm năng.
“Nếu không xảy ra tính toán sai lầm hoặc thờ ơ về chính trị, những căng thẳng này dù có tồn tại nhưng khó có khả năng leo thang xung đột. Việc hiểu và tiếp cận giải quyết các rủi ro luôn tốt hơn làm ngơ trước những rủi ro đã được phát hiện. Sự thờ ơ về chính trị là điểm yếu chết người trong các tính toán chiến lược”, ông cho biết.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng gia tăng tại khu vực Biển Đông. Washington liên tiếp chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa các thực thể trên vùng biển, đe dọa tự do hàng hải và hàng không. Nhiều chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) đã được hải quân Mỹ tiến hành gần những thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp.
Rủi ro va chạm giữa hải quân hai nước ngày càng lớn. Ngày 30/9, tàu chiến Mỹ và Trung Quốc suýt va chạm gần Đá Gaven, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tàu USS Decatur đang tiến hành hoạt động FONOP thì một tàu khu trục lớp Lữ Dương của Trung Quốc áp sát, chặn đầu tàu chiến Mỹ với khoảng cách nguy hiểm.
Trong khi đó, Wei Zongyou, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho rằng rủi ro xung đột trên Biển Đông đang giảm dần.
Ông dẫn bằng chứng là quá trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN đang tiến triển khả quan, cho thấy các bên vẫn có hy vọng tìm được sự thống nhất giữa những khác biệt. Wei Zongyou cũng tự tin xung đột Mỹ – Trung trên Biển Đông sẽ không leo thang. Ông cho rằng phía Trung Quốc không muốn rạn nứt hay xung đột quân sự với Mỹ tại khu vực.
Vấn đề Triều Tiên vẫn là ưu tiên hàng đầu
Bán đảo Triều Tiên vẫn là điểm nóng xung đột tiềm năng đối với Washington. Quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo, vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể.
Triển vọng hòa bình giảm dần mức độ lạc quan, dù tổng thống Mỹ đã có cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào tháng 6, tuyên bố Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân.
Báo cáo của CPA cho biết rủi ro căng thẳng hạt nhân và tên lửa dẫn đến chiến tranh Mỹ – Triều Tiên từng là mối lo ngại lớn cho năm 2018. Căng thẳng vẫn có thể bùng phát trở lại trong năm 2019 nếu như các đàm phán đổ vỡ. Dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ có lần gặp thứ hai trong đầu năm sau.
Đối thoại Mỹ – Triều về lộ trình cụ thể cho phi hạt nhân hóa và tháo dỡ cấm vận đang rơi vào bế tắc thời gian qua. Tại thượng đỉnh ở Singapore, ông Trump và ông Kim đã ký kết một tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, những từ ngữ trong thỏa thuận này được đánh giá là còn mơ hồ và đến nay chưa đạt được bước tiến mới.
“Chúng ta vẫn chưa biết những vấn đề trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp diễn như thế nào. Chỉ cần Mỹ hoặc Triều Tiên tiến hành một động thái thiếu thiện chí, nó sẽ ảnh hưởng lập tức đến tiến trình phi hạt nhân hóa vốn rất mong manh”, Wei Zongyou nhận định.
Ngoài những vấn đề trên, dự báo năm 2019 của CPA cũng cho rằng giới lập pháp Mỹ nên lưu ý tác động từ các cuộc khủng hoảng khác trên thế giới như: xung đột ở Syria, khủng hoảng nhân đạo ở Yemen, tình trạng bạo lực và bất ổn tăng cao ở Afghanistan có vai trò của Taliban.
Nguồn(bamoi,com)