Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc xác minh và yêu cầu một số cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên phải nghiêm túc rút kiểm điểm rút kinh nghiệm do chưa đảm bảo trình tự thủ tục về thu hồi đất, giao đất, bồi thường GPMB, tái định cư; trình tự lập, thẩm định chưa đúng các quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Ngọ, tổ 2, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên phán ánh: Gia đình có 4.862m2 đất, bao gồm 2.105m2 đất thổ cư, 1.388m2 đất vườn tạp; 1.369m2 đất nông nghiệp (Giấy chứng nhận QSDĐ số 09/QSDĐ, do Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên cấp ngày 08/01/1994). Toàn bộ 4.862m2 đất nằm gọn trong diện tích nhà nước thu hồi để giao cho Đại học Thái Nguyên thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm điều hành.
Trao đổi với phóng viên, bà Ngọ bức xúc: Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù, tái định cư (TĐC) những năm trước đây thực hiện không đúng quy định của pháp luật, không ký quyết định thu hồi diện tích 4.862m2 đất nằm trong dự án theo quy định Luật Đất đai 1993; đền bù không đúng diện tích đất thổ cư (trong giấy chứng nhận QSDĐ 2.105m2, nhưng đền bù chỉ có 300m2). Hơn thế nữa, giá đất thổ cư không công bằng: Cùng một dong đất, gia đình bà Ngọ áp giá chỉ bằng 1/3 giá đất của những hộ khác, trong khi đó mức nộp thuế đất giống nhau.
Bà Đặng Thiên Hương, Ban Cơ sở Vật chất, Đại học Thái Nguyên làm việc với phóng viên báo TN&MT, tháng 12/2018.
Chưa ban hành quyết định thu hồi đất; chưa bố trí tái định cư để ổn định đời sống dân vùng dự án thì ngày 17/5/2006, Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên ký QĐ 1211/QĐ-UBND về việc “Cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng”. Một lực lượng hùng hậu với đầy đủ ban bệ do ông Bùi Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên lúc bấy giờ chỉ huy đã đến thực địa phá khóa cửa nhà, cưỡng chế, GPMB. Vậy là toàn bộ công trình nhà cửa, tài sản của nhà bà Ngọ bị phá nát trong phút chốc. Mất nhà, bà Ngọ cùng các con ra đường. Mấy nghìn mét đất bỏ hoang, cỏ mọc hàng chục năm qua (!?).
Kể từ ngày mất nhà, tài sản bị phá nát, bà Ngọ “đội đơn” đến các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên, rồi về Trung ương “kêu cứu”.
Và rồi Thanh tra Chính phủ đã vài lần vào cuộc xem xét, giải quyết. Trong Công văn số 457/TTCP-C.II gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề ngày 26/8/2006, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những tồn tại. Quá trình triển khai dự án đường vành đai và Trung tâm điều hành Đại học Thái Nguyên, đã phát sinh khiếu nại của một số hộ dân với nội dung: Việc bồi thường đất nhưng không có Quyết định đối với từng chủ sử dụng; bồi thường diện tích không đúng và không công bằng; xác định đất làm cơ sở lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB và tài định cư (TĐC) không đúng quy định pháp luật và thực tế địa phương.
Thanh tra Chính phủ đã khẳng định, trong quá trịnh triển khai công tác bồi thường GPMB còn chưa đảm bảo đúng trình tự thủ tục về thu hồi, giao đất, bồi thường GPMB, TĐC; trình tự lập, thẩm định và phê duyệt chưa đúng với quy định của pháp luật Đất đại và Đầu tư xây dựng cơ bản. Trách nhiệm chính thuộc về Đại học Thái Nguyên (chủ đầu tư), Sở TN&MT và UBND TP. Thái Nguyên, cần phải nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Tháng 12/2018, phóng viên Báo TN&MT đã làm việc với ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên. Ông Quang cho biết: Mặc dù mới về nhậm chức nhưng đã nắm được sự việc và đang chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tham mưu để giải quyết dứt điểm. Sự việc kéo dài mấy chục năm, qua nhiều đời Giám đốc mà chưa giải quyết xong dứt điểm, rất trăn trở, nhưng phải thực hiện theo quy trình.
Đại học Thái Nguyên đã có công văn báo cáo UBND tỉnh về chủ động được kinh phí để thực hiện đền bù, GPMB.
Bà Đặng Thiên Hương, chuyên viên Ban Cơ sở Vật chất, Đại học Thái Nguyên là người theo dõi công tác đền bù, GPMB dự án này từ nhiều năm được lãnh đạo ủy quyền làm việc với báo TN&MT, bà Hương cho biết: Hiện nay còn vướng mắc một diện tích lớn chưa GPMB. Đại học Thái Nguyên đã có Công văn gửi UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo đã chuẩn bị đủ kinh phí phục vụ GPMB đối với 2 hộ bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Hạnh. Nhưng việc lập phương án, giải quyết chế độ chính sách rất phức tạp và phải áp dụng nhiều quy định khác nhau, do vụ việc kéo dài.
Theo bà Hương, nhà bà Ngọ và một số hộ thu hồi đất từ năm 1999 đến nay, đã kéo dài 20 năm và trải qua 3 lần đổi Luật Đất đai. Có những gia đình giải quyết xong từ năm 1999, có gia đình lại giải quyết về sau này nên quá trình giải quyết rất mất nhiều thời gian của các cơ quan chức năng. Để tránh khiếu kiện kéo dài, phải xem xét hồ sơ rất là kỹ lưỡng, áp dụng chính sách hiện hành, nên phải tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chính sách và kinh phí.
Bà Hương cho biết, tiến độ nhanh hay chậm thì phải xin ý kiến lãnh đạo. Trước mắt sẽ làm việc với cơ quan chức năng thành phố Thái Nguyên để xem họ yêu cầu những hồ sơ gì rồi mới trình lãnh đạo. Chúng tôi rất thiết tha để giải quyết vấn đề còn tồn đọng này nhưng do vướng mắc nên mới không thể giải quyết được.
Đến nay vụ việc kéo dài hai thập kỷ, khuôn viên Đại học Thái Nguyên vẫn còn đỗng đất lù lù, cỏ dại um tùm, môi trường ô nhiễm; người dân vẫn lận đận đến cơ quan chức năng khiếu nại đòi quyền lợi chính đáng…
Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin về vụ việc…