Reuters cho hay, tòa án ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã đưa ông Robert Lloyd Schellenberg ra xét xử lại sau khi ông kháng án bản án 15 năm tù giam, rồi ra phán quyết tử hình vì các công tố viên cho rằng mức án ban đầu quá nhẹ.
Truyền hình Trung Quốc đưa tin, ông Schellenberg nói tại tòa rằng ông chỉ là khách du lịch tới thăm Trung Quốc và bị tội phạm gài bẫy. Công dân Canada này được quyền kháng án lên tòa cấp cao hơn trong vòng 10 ngày.
Trước đó trong ngày 14.1, chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố của Thủ tướng Canada Trudeau rằng ông Kovrig được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao.
Thủ tướng Trudeau nói với các phóng viên ở thủ đô Ottawa rằng chính phủ Canada và có lẽ cả các quốc gia bạn hữu cũng như đồng minh của nước này “hết sức quan ngại” việc Trung Quốc đã “tùy tiện áp đặt án tử hình trong trường hợp này”.
Theo Reuters, phán quyết của tòa Trung Quốc cộng với phản ứng của Thủ tướng Trudeau có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ song phương, vốn đã trải qua nhiều sóng gió thời gian qua, sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vạn Châu – Giám đốc tài chính Tập đoàn viễn thông Huawei ở Canada – theo lệnh dẫn độ của Mỹ.
Bắc Kinh cảnh báo về các hệ quả nếu bà Mạnh không được phóng thích và sau đó bắt ông Michael Kovrig – một nhà ngoại giao Canada làm việc tại đại sứ quán của nước này ở Bắc Kinh – khi ông đang nghỉ phép không lương, và ông Michael Spavor – một chuyên gia tư vấn – vì bị nghi làm tổn hại tới an ninh quốc gia Trung Quốc. Các nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh cho rằng, các vụ này là nhằm trả đũa vụ bắt bà Mạnh.
Ông Trudeau cũng cho biết, chính quyền Ottawa “sẽ tiếp tục trao đổi mạnh mẽ” với Bắc Kinh về tình trạng của ông Kovrig cũng như về điều ông gọi là việc sử dụng pháp luật tùy tiện của Trung Quốc.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, ông Trudeau nên “nghiêm túc nghiên cứu” Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao để “không trở thành trò cười”.