Phó tổng thống Mỹ Mike Pence một lần nữa tỏ thái độ hết sức cứng rắn nhằm vào Trung Quốc, sau bài phát biểu gây bão hồi tháng 10 năm ngoái.
Ông Mike Pence chỉ trích thẳng thừng Trung Quốc
Ông Pence có bài phát biểu trước các đại sứ Mỹ được triệu về từ các nước để dự sự kiện về chính sách đối ngoại của chính quyền tổng thống Donald Trump tại trụ sở Bộ ngoại giao Mỹ, Washington DC hôm 16/1.
Phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh, Trung Quốc đã “lọt vào tầm ngắm” của Mỹ, và Washington sẽ không lui bước trong nỗ lực bảo đảm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa cho hàng hải và thương mại quốc tế.
“Chúng ta đều nhìn thấy những động thái gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông, nhưng nước Mỹ – như tôi đã nói rõ trong chuyến thăm khu vực này vào vài tuần trước – sẽ luôn luôn đứng ra gìn giữ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa, nơi tất cả các nước có thể hưởng quyền tự do hàng hải và thương mại cởi mở,” ông Pence nói.
“Sự thật là quá nhiều lần trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chọn cách phớt lờ luật pháp và các chuẩn mực – điều giúp thế giới được an toàn và thịnh vượng trong hơn nửa thế kỷ qua, và những ngày nước Mỹ ngó lơ đã chấm dứt. Điều quan trọng nhất, chúng tôi đã đưa Trung Quốc vào tầm ngắm.”
Ông cho hay, lập trường mạnh mẽ của Mỹ đã mang lại kết quả trong các cuộc đối thoại và tiến triển không chỉ với Trung Quốc mà với các nước khắp thế giới.
“Thêm vào đó, một vài trong số thách thức lớn nhất của chúng ta, những kẻ thù hung tợn nhất của chúng ta, đang thoái lui,” ông nói, nhưng không nêu cụ thể “kẻ thù” mà Mỹ ám chỉ là ai.
Ông Pence đề nghị các đại sứ Mỹ chuyển tại thông điệp của chính quyền Trump đến các nước sở tại trên khắp thế giới, “Nước Mỹ đã trở lại”.
Phó tổng thống cũng lên án Trung Quốc thường xuyên áp dụng chính sách ngoại giao “bẫy nợ” và thương mại bất công nhằm bành trướng ảnh hưởng. Ông cho rằng đến nay, thế giới đang trở nên quen thuộc và trở nên dung túng cho những hành vi vi phạm luật pháp cùng các quy tắc quốc tế của Trung Quốc.
Một điểm khác trong bài phát biểu của ông Pence là cam kết của chính quyền Trump nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ. Ông tuyên bố chính sách của Mỹ là duy trì “hòa bình bằng sức mạnh”. Mỹ đã chứng kiến cuộc đầu tư quy mô nhất cho hệ thống quốc phòng kể từ thời tổng thống Ronald Reagan.
“Đội quân mạnh nhất mà thế giới từng chứng kiến sẽ trở nên hùng mạnh hơn,” ông Mike Pence khẳng định.
Ông cho biết, Mỹ đang tích cực tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhưng với điều kiện Bắc Kinh phải có cải cách để phát triển quan hệ thương mại mới có lợi cho đôi bên. Ông Pence lưu ý, Nhà Trắng vẫn sẵn sàng áp đặt thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh thực thi những thay đổi cơ cấu cần thiết và ký kết thỏa thuận thương mại hiệu quả cho Mỹ-Trung.
Bắc Kinh phản ứng gay gắt
Phản ứng trước bài diễn văn của phó tổng thống Mỹ, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 17/1 cho rằng phát ngôn của ông Pence có thể coi là “hành vi phỉ bảng quốc gia”.
Bà Hoa cáo buộc Mỹ đưa ra “chỉ trích vô căn cứ và vu khống” nhằm vào các chính sách đối nội-đối ngoại của Bắc Kinh trong vấn đề nợ nần, thương mại, biển Đông, quy tắc quốc tế hay tự do tôn giáo…, bất chấp Trung Quốc đã có phản bác xác đáng.
“Tất cả mọi người đều nhìn thấy rõ tiêu chuẩn kép của Mỹ đối với quy tắc quốc tế là ‘thích hợp thì dùng, không hợp thì loại’. Trong vấn đề này, Mỹ là nước không có tư cách nhất để chỉ trích Trung Quốc,” bà Hoa nói.
Bà dẫn thông điệp của Ủy viên quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, nói rằng Trung Quốc sẽ không trở thành một “nước Mỹ” và cũng không có ý định thay thế Mỹ, đồng thời yêu cầu Mỹ “ngưng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc”.
Mỹ không loại trừ khả năng đưa tàu sân bay qua eo biển Đài Loan
Trong khi phó tổng thống Pence tuyên bố Mỹ sẽ trở lại mạnh mẽ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hải quân Mỹ lên tiếng về kế hoạch hành động trong giai đoạn tiếp theo, bao gồm khả năng điều tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan, bất chấp những công nghệ quân sự vượt trội của Trung Quốc có thể đe dọa nhóm chiến hạm Mỹ hơn trước đây.
Washington đã cho các tàu chiến của mình đi qua vùng nước chiến lược chia tách đảo Đài Loan với Trung Quốc Đại lục 3 lần trong năm ngoái, nhưng chưa từng triển khai tàu sân bay nào qua đây trong hơn 10 năm qua.
Tư lệnh hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson trả lời báo giới tại Tokyo ngày 18/1, nói Mỹ “không có bất kỳ hạn chế nào về loại hình tàu thuyền có thể đi qua những vùng nước đó”.
“Chúng tôi coi eo biển Đài Loan cũng giống như những vùng nước quốc tế khác.”
Các tàu sân bay, thường được trang bị khoảng 80 máy bay và thủy thủ đoàn khoảng 5.000 người, là nhân tố then chốt trong sức mạnh quân sự toàn cầu của Mỹ. Hôm 16/1, một quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters rằng nước này đang quan sát chặt chẽ động thái của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan.
Đô đốc Richardson thúc giục Trung Quốc tuân thủ quy định quốc tế trong các tình huống “chạm trán” phát sinh trên biển. Yêu cầu này nhằm vào vụ việc tàu khu trục Trung Quốc tiếp cận nguy hiểm với chiến hạm USS Decatur của Mỹ hồi tháng 10/2018 và buộc tàu Mỹ phải chuyển hướng trong khi tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông.
Ông Richardson khẳng định hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đi qua vùng nước quốc tế ở biển Đông, bất chấp những yêu sách chủ quyền trái phép mà Trung Quốc áp đặt.
theo Trí Thức Trẻ