Trong phần trả lời câu hỏi của 2 luật sư, GS Nguyễn Gia Bình đã đưa ra những lập luận chuyên môn mạnh mẽ, đầy sức thuyết phục.
Chiều 18/1 – ngày thứ 5 phiên tòa xét xử vụ án chạy thận Hòa Bình nổ ra một loạt cuộc đối đáp giữa các luật sư và các chuyên gia đầu ngành hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo… của BV Bạch Mai.
Có thể gọi đây là những cuộc đối đáp đặc biệt, bởi là lần đầu tiên kể từ sau phiên tòa tháng 5/2018, và có lẽ cũng là hy hữu trong ngành tư pháp, khi có đến 4 giáo sư, phó giáo sư đầu ngành y tham gia quá trình xét xử để giúp làm rõ bản chất của vụ tai biến y khoa thảm khốc nhất trong lịch sử.
Trong đó, theo PV Trí Thức Trẻ tại hiện trường, cuộc đối đáp sau đây giữa GS Nguyễn Gia Bình và 2 luật sư Phạm Quang Hưng, Nguyễn Đinh Hương mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt và thông tin giá trị cho những người dự tòa.
Thế nào là sốc phản vệ?
LS Hưng: Đối với bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp chứng kiến sự việc thì phải dựa trên những triệu chứng gì để xác định đó là tình trạng sốc phản vệ?
GS Bình: Sốc phản vệ là tình trạng nặng nhất, có thể chết ngay, tất cả các nhân viên y tế đều phải biết, không chỉ có bác sĩ. Năm 2017 đã phân loại ra các triệu chứng sớm hơn, có những triệu chứng có thể tham khảo tôi xin đọc…
LS Hưng: (Ngắt lời) Trên tay LS đã có văn bản đó rồi, tôi xin hỏi câu hỏi khác. Khi bệnh nhân huyết áp không tụt có bị coi là triệu chứng của sốc phản vệ hay không?
GS Bình: Tôi xin giải thích rõ, theo thông tư 51 ngày 29/12 (nhấn mạnh, đề nghị LS đại diện Thiên Sơn nhìn cho kỹ) không có sốc phản vệ, chỉ có chữ phản vệ. “Sốc” là mức độ nặng nhất, cho nên thông tư này đã ưu tiên chẩn đoán sớm hơn, ngay từ khi bắt đầu triệu chứng của tiếp xúc với bất kể chất gì lạ.
Có những triệu chứng ngứa, đau bụng, đau đầu là đã phải chẩn đoán là phản vệ và phải tiến hành cấp cứu, chứ không chờ tụt huyết áp là đã quá muộn, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
LS Hưng: Trên tay LS đang cầm văn bản số 8/1999 TT Bộ Y tế ngày 4/4/1999 được áp dụng và có hiệu lực đến tại thời điểm xảy ra sự cố…
GS Bình: Rất cám ơn anh đã hỏi câu hỏi này! Chính vì sự áp dụng này rất nhiều người đã chết, đặc biệt, những người rất trẻ, ví dụ có người chỉ bị 1 con ong đốt, vì ăn mấy con nhộng, 1 bát bún dọc mùng, có cháu tiêm vắc xin… điều này ám ảnh chúng tôi vô cùng. Chúng tôi đã làm tất cả để đề nghị Bộ Y tế thay đổi.
Thứ nữa, khi cấp cứu phản vệ, việc tiêm 1 liều nhỏ Adrenaline không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ bệnh nhân, vì thế Thông tư 27 đã bỏ chữ sốc trong “sốc phản vệ”, vì sốc là tình trạng nặng nhất.
LS Hưng: Trong trường hợp nước RO đạt tiêu chuẩn, khi bệnh nhân chưa ăn gì, nguồn đưa vào người bệnh nhân duy nhất chỉ có nước RO thì có xác định, nước RO nằm trong tác nhân gây tình trạng phản vệ không?
GS Bình: Kể cả quốc gia tiên tiến như Mỹ, họ cũng liệt kê ra hàng trăm triệu chứng và khi có những triệu chứng nhẹ nhất như ngứa mũi, dị ứng là phải nghĩ ngay đến phản vệ. Nặng hơn nữa là khó thở, trụy mạch. Lúc đó phải cấp cứu ngay lập tức theo phác đồ.
“Các bạn đã làm rất đúng. Xin nhắc lại các bạn đã làm rất đúng”
LS Hưng: Trong vụ án này, 18 bệnh nhân đều điều trị ngoại trú. Điều kiện sống khác nhau, trước khi chạy thận được các bác sĩ xác nhận đủ điều kiện sức khỏe chạy thận. Nếu lý do phản vệ không phải do yếu tố nguồn nước thì có hợp lý hay không?
GS Bình: Tôi xin nhắc lại với anh!
Người ta có thể bị nhiễm độc bằng đường ngửi, ví dụ nhân viên của tôi ngày hôm qua bỗng dưng đổ vật ra ngất vì ngửi mùi axit cacbonat, hay các cháu tiêm chủng hoặc những người dị ứng với kháng sinh…
Trong trường hợp này, nguyên nhân, tôi xin nhắc lại đến bây giờ người ta không kể hết. Ví dụ, có trường hợp ngày đầu ăn bún dọc mùng khó thở, ngày 2 ăn lại co thắt, bắt xe ôm đến BV thì ngã vật xuống đất, ngừng tim.
Chỉ biết nguyên nhân là có tiếp xúc với yếu tố lạ, thứ nữa, các biểu hiện của phản vệ sẽ gần như nhau, từ mức độ nhẹ nổi mẩn, khó thở, thậm chí có 30% trụy mạch, ngừng tim luôn.
Nhưng nhờ việc tiếp cận sớm hơn cho phép y tá, kỹ thuật viên cấp cứu sốc phản vệ mà không cần đợi đến BS, điều đó giúp làm giảm các ca tử vong cho sốc phản vệ.
Đó là lý do hiện nay, những thông tin về sốc phản vệ trên các phương tiện truyền thông giảm đi rất nhiều so với những năm trước đây.
LS Hưng: Nguyên nhân nghi ngờ duy nhất là nguồn nước, mà lại hàng loạt ca nhưng BV Hòa Bình lại xác định là sốc phản vệ. Trong trường hợp này, việc đánh giá như thế có đạt về chuyên môn không? Ai là người quyết định phác đồ chữa bệnh?
GS Bình: Tôi xin trả lời luôn! (giọng đanh thép – PV)
Thông thường, mạch máu sẽ nhanh hơn nếu chúng ta uống 1 viên thuốc, hay như trường hợp dị ứng hải sản… đó là biểu hiện dạng nhẹ của phản vệ. Do vậy, trong trường hợp này, các BS thấy triệu chứng của bệnh nhân và xác định, đúng là phản vệ. Ban đầu chúng tôi không biết nguyên nhân, sau này nhờ xét nghiệm mới phát hiện ra chất HF – là một trong các nguyên nhân.
Trường hợp nguồn nước vào máu còn nhanh hơn những trường hợp khác, vì thế BS chẩn đoán triệu chứng phản vệ không có gì là sai, và các BS xử trí phác đồ cấp cứu phản vệ đều rất đúng. “Các bạn đã làm rất đúng. Xin nhắc lại các bạn đã làm rất đúng” (nhấn mạnh), hồ sơ bệnh án tòa có thể tham khảo.
Sau đó, chúng tôi mới xác định là ngộ độc HF, nhưng thời điểm đó biểu hiện là phản vệ nên phải cấp cứu phản vệ, cũng giống như việc cháy nhà ta phải dập chưa biết là do lửa hay điện. Thời điểm đó, các BS vừa phải tìm cấp cứu triệu chứng, vừa tìm nguyên nhân.
“Chúng tôi tận dụng từng giây một để cứu sống mạng người”
GS Bình: Tôi xin nhắc lại! Thời điểm đó nguy cấp đến mức cho phép điều dưỡng làm điều đó cơ mà. Chúng tôi tận dụng từng giây một để cứu sống mạng người. Hiện nay nhiều BV còn đào tạo cả lái xe có thể làm việc này.
LS Hưng: Điều dưỡng có thể sử dụng Adrenaline dưới da theo phác đồ khi không có BS có mặt không? Liều lượng có phải tuân thủ đúng thông tư không?
GS Bình: Xin nhắc lại với anh, phác đồ năm 99 là như vậy nhưng thực tế triệu chứng nặng lên rất nhanh. Năm 2014, chúng tôi đã đưa ra 1 phác đồ mà Bộ Y tế chưa phê duyệt, nhưng rất nhiều các BV đã áp dụng.
Đối chiếu với phác đồ, về vấn đề này phải khen các bạn làm trước khi Bộ y tế có, đây không phải là lỗi vì nó đã cứu được rất nhiều người. Đối chiếu với văn bản mới nhất ngày 29/12 là rất đúng và hợp pháp.
“Adrenaline là thuốc cấp cứu tuyệt đối cho phác đồ sốc phản vệ, kể cả bệnh nhân suy thận mạn”
LS Hưng: Thuốc Adrenaline chống chỉ định với bệnh nhân suy thận mạn, BS biết rõ nếu áp dụng cho bất kỳ ai suy thận, đang chạy thận thì có phải cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ 50 – 50, 1 sống 1 chết không?
GS Bình: Không! (giọng quả quyết)
Adrenaline không được dùng cho bệnh nhân suy thận mạn nhưng Adrenaline là thuốc cấp cứu tuyệt đối cho phác đồ sốc phản vệ, bất kể bệnh nhân nào kể cả bệnh nhân suy thận mạn, ung thư… không có thuốc nào khác thay thế. Mời anh đọc lại điều 6 về Sốc phản vệ. Adrenaline là thuốc quan trọng hàng đầu để tiêm bắp ngay khi xảy ra phản vệ từ độ 2 trở lên.
LS Hưng: Theo như bác nói, Adrenaline rất nguy hiểm cho BN suy thận mạn…?
GS Bình: (Ngắt lời) Không có chuyện rất nguy hiểm, anh nói thế là hoàn toàn nhầm. Tôi nhấn mạnh, không có chuyện rất nguy hiểm, tùy vào mục tiêu sử dụng. Ví dụ BS có thể pha nồng độ Adrenaline nhỏ tiêm để cầm máu ở răng cho BN, đừng nói là chống chỉ định tuyệt đối.
Nói là rất nguy hiểm là nhầm, không dùng trong chữa suy thận mạn nhưng bắt buộc phải dùng trong cấp cứu sốc phản vệ (giọng nhấn mạnh – PV).
LS Hưng: Các bệnh nhân không phải bị sốc phản vệ mà bị nhiễm độc RO+. Trong trường hợp này bệnh nhân bị nhiễm độc RO kèm thêm Florua cộng tình trạng suy thận mãn thì việc dùng Adrenaline có làm tăng tình trạng tử vong cho BN hay không?
GS Bình: Tôi trả lời: KHÔNG!
Chính vì dùng sớm và ngay lập tức nên đã cứu được nhiều BN, nếu không thì còn nhiều BN chết hơn nữa.
LS Hưng: Một số BN được tiêm Adrenaline đã chết, còn người cho đi lọc máu ngay thì còn sống, trường hợp này có phải may mắn không dùng Adrenaline, cho đi lọc máu ngay thì còn sống hay không?
GS Bình: Tôi nói luôn cho anh biết! Những bệnh nhân đã rút về nhà là có thể trạng rất nhẹ, còn những BN đã phải dùng Adrenaline là rất nặng không có con đường nào khác. Đó là 2 trường hợp không giống nhau.
LS Hưng: Kết luận của Viện KHKT hình sự, lượng độc tố vào người đã chết gần giống nhau, vậy chỉ còn xét đến sự khác biệt về phác đồ điều trị?
GS Bình: Anh không định lượng được lượng nồng độ độc tố vào người bệnh nhân nên không thể kết luận như thế được. Tôi nhắc lại, không kết luận như thế được.
Tôi cho rằng, lượng hoá chất ban đầu vào người bệnh nhân đậm đặc hơn còn những bệnh nhân sau này đã lượng hoá chất đã ít hơn.
LS Đinh Hương: Xin hỏi GS Bình, nồng độ hoá chất florua phải là bao nhiêu thì gây chết người?
GS Bình: Xin mời chị hỏi các anh giám định!
Xin nhắc lại không dùng chất này trong y tế, cho nên đừng có hỏi.
LS Đinh Hương: Theo tài liệu tôi tìm hiểu, ngưỡng nồng độ gây chết người vào khoảng 3.5 – 10.5mg/l. Trong vụ án này, các nạn nhân đều dưới ngưỡng 3.5. Tôi muốn hỏi, nhiễm bao nhiêu thì sống, bao nhiêu thì chết?
GS Bình: Những người chạy thận mãn tính, thưa với chị người ta đã yếu lắm rồi, bản thân người ta giống lá vàng chỉ chực chờ rụng rồi cho nên đừng đặt ra vấn đề đó. Thêm nữa, vì không lấy máu ngay lúc đó nên một số chất đó có thể đã bị chuyển hóa.
Về câu hỏi này GS Bình đề nghị hỏi cơ quan giám định, GS từ chối không trả lời.
theo Trí Thức Trẻ