Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã sa thải nhân viên cấp cao bị bắt với cáo buộc gián điệp ở Ba Lan nhưng tác động của nó có thể tồi tệ hơn rất nhiều.
Phản ứng nhanh
Huawei vừa có động thái “cắt lỗ” khi sa thải Giám đốc Kinh doanh ở Ba Lan, người vừa bị chính quyền nước này bắt với cáo buộc làm gián điệp. Động thái nhanh chóng này giúp Huawei tránh khỏi những dây dưa tới vụ việc nhưng nó không đủ dập tắt nghi ngờ Huawei hỗ trợ Bắc Kinh trong việc do thám các chính phủ phương Tây.
Khi sa thải Wang Weijing, một công dân Trung Quốc làm việc cho Huawei tại Ba Lan, gã khổng lồ công nghệ không quên khẳng định mình “vô can” trước vụ việc. Các nhà phân tích đánh giá, việc sa thải là bước đi nhanh của Huawei trong bối cảnh phiên tòa xét xử Wang chưa được tiến hành, giúp công ty tránh được nhiều bê bối. Trước đó, chính Huawei cũng nhiều lần bác bỏ những cáo buộc liên quan đến tội danh gián điệp nhằm vào mình.
Người làm việc trong văn phòng Huawei ở Ba Lan.
Huawei, công ty có doanh thu nhiều hơn cả Alibaba và Tencent cộng lại, gần đây trở thành mục tiêu bị tăng cường giám sát của nhiều quốc gia phương Tây, từ Mỹ tới Australia và New Zealand. Nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei vì lo ngại doanh nghiệp này mở lối sau cho cơ quan tình báo Trung Quốc truy cập thông tin mật. Huawei bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định sản phẩm của họ an toàn.
Tuy nhiên, việc Ba Lan tiến hành vụ bắt giữ được cho là động thái rất rõ ràng và có tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của Huawei ở châu Âu, nơi đóng góp phần lớn doanh thu cho công ty công nghệ Trung Quốc. Khi những căng thẳng của năm 2018 ở châu Mỹ chưa kịp qua đi, Huawei sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn mới trong năm 2019 ở châu Âu.
EU quay lưng
Vụ bắt giữ ông Wang xảy ra khi Huawei đang bị biến thành cột thu lôi trước những lo ngại của Mỹ về sự vươn lên của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và kinh tế. Ngoài Wang, nhà chức trách Ba Lan còn bắt giữ một cựu quan chức cấp cao trong Cơ quan An ninh Nội vụ nước này, người được cho là nắm giữ các thông tin tối mật liên quan đến hệ thống mã hóa thông tin liên lạc. Cả hai người đều bị buộc tội chống lại Ba Lan.
Huawei bác bỏ mọi liên quan nhưng Warsaw đang xem xét các bước đi pháp lý chính thức nhằm vào Huawei. Nhiều khả năng, đó sẽ là một cảnh báo của chính quyền với việc sử dụng các sản phẩm của công ty này cũng như loại trừ gã khổng lồ Trung Quốc ra khỏi thị trường công nghệ thông tin Ba Lan. Thông tin này đã được chính ông Karol Okonski, người đứng đầu cơ quan an ninh mạng của Ba Lan, xác nhận.
Bà Mạnh Vãn Chu, CFO Huawei đang được tại ngoại chờ phiên tòa xét xử dẫn độ tại Ba Lan.
Rõ ràng, các nước châu Âu đang ngày càng hoài nghi hơn về Huawei và các hoạt động của công ty này. Vụ việc xảy ra ở Ba Lan càng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn và được nhiều quốc gia coi là bằng chứng chống lại sự biện hộ của Huawei. Không chỉ ở châu Âu, hoạt động của gã khổng lồ Trung Quốc trên toàn thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các thương vụ trong lĩnh vực tình báo và quân sự.
Ba Lan là một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và tin tưởng vào Mỹ về vấn đề an ninh. Dù có rất ít động cơ chính trị trong vụ bắt giữ Wang nhưng không thể phủ nhận Warsaw là một đồng minh rất thân cận của Mỹ. Ba Lan dựa vào tiền của EU và quân đội Mỹ đóng trên đất của họ. Chính vì thế, EU và NATO có thể có chung một cách tiếp cận với Huawei, điều sẽ khiến gã khổng lồ bị cô lập hơn nữa.
Tại châu Âu, Đức cũng đang xem xét vai trò của Huawei trong hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông của nước này. Trước đó, Australia và New Zealand quay lưng với tập đoàn Trung Quốc. Người đứng đầu cơ quan tình báo MI6 của Anh tháng trước nhấn mạnh chính phủ Anh cần sớm ban hành lệnh cấm với Huawei.
Ở thời điểm hiện tại, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy các đồng minh ngừng sử dụng sản phẩm của Huawei trong bối cảnh tranh chấp thương mại với Trung Quốc chưa tìm thấy hồi kết. Trước đó, Mỹ cũng đã yêu cầu Canada bắt CFO Mạnh Vãn Chu – con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi.
Không chỉ buộc các cơ quan chính phủ và quân đội phải loại bỏ các sản phẩm của Huawei, Mỹ còn đang lên kế hoạch yêu cầu các doanh nghiệp có làm ăn với chính phủ Mỹ cũng phải có những động thái tương tự. Nếu yêu cầu này được Quốc hội Mỹ thông qua, Huawei sẽ mất thêm một lượng khách hàng khổng lồ khác.
Hàng loạt sự việc xảy ra liên tiếp đánh những đòn mạnh vào Huawei trong bối cảnh cuộc đua 5G ngày càng khốc liệt và mang tính chất sống còn. Những bê bối khiến nhiều quốc gia không dám tin tưởng vào doanh nghiệp Trung Quốc để xây dựng hạ tầng mạng kết mối Internet tốc độ cao này. Khi đó, cơ hội sẽ được trao cho những đối thủ của Huawei và những cái tên như Samsung, Nokia… đang sẵn sàng chờ đợi cú xảy chân của gã khổng lồ Trung Quốc.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg