Nếu chỉ vì lo ngại về an ninh mà cáo buộc Huawei hoạt động gián điệp cho nhà nước Trung Quốc thì là áp đặt và thêu dệt, chừng nào chưa có bằng chứng cụ thể.
Vì nhằm vào Trung Quốc nên mới nhằm vào Huawei
Trong khi giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Chu, vẫn còn bị giam lỏng trên thực tế ở Canada thì lại có thêm người của tập đoàn này bị Ba Lan bắt giữ.
Bà Mạnh Vãn Chu bị phía Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ còn hai người của tập đoàn Huawei bị phía Ba Lan bắt giữ với cáo buộc hoạt động gián điệp cho Trung Quốc.
Truyền thông Đức đưa tin là chính phủ Đức đang xem xét không để cho tập đoàn Huawei tham gia vào việc trang bị cho mạng truyền thông 5G ở Đức. Chính phủ Na Uy và Ba Lan có vẻ như cũng đang suy tính tương tự.
Trước đó, Australia và New Zealand đều đã loại Huawei ra khỏi thị trường. Mới đây nhất, phía Mỹ cho biết rất có thể sẽ tiến hành truy tố Huawei về tội làm gián điệp.
Tất cả những động thái ấy cộng hưởng lại thì đâu có khác gì nhiều một cuộc thập tự chinh thực thụ nhằm vào tập đoàn này.
Và vì Huawei là một trong những biểu tượng cho cả sự trỗi dậy mạnh mẽ và nhanh chóng cũng như cho ưu thế của Trung Quốc về kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao nên thật dễ hiểu khi không thể không cảm nhận là cuộc thập tự chinh này nhằm cả vào Trung Quốc, nếu như không muốn nói là vì nhằm vào Trung Quốc nên mới nhằm vào Huawei.
Huawei là một trong những biểu tượng cho sự trỗi dậy mạnh mẽ và nhanh chóng cũng như ưu thế của Trung Quốc về kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao. Ảnh: Reuters
Lý dẫu có ngay, tình vẫn gian
Lo ngại về an ninh quốc gia luôn rất chính đáng và cần thiết đối với mọi quốc gia. Nhưng nếu chỉ vì lo ngại về an ninh mà cáo buộc tập đoàn Huawei hoạt động gián điệp cho nhà nước Trung Quốc thì lại là áp đặt và thêu dệt chừng nào chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể và thuyết phục chứng minh Huawei hoạt động gián điệp cho nhà nước Trung Quốc.
Cho tới nay, cả Mỹ lẫn tất cả những nước kia đều chưa đưa ra được bất cứ bằng chứng gì cho cáo buộc của họ. Ấy là còn chưa kể đến là phải rạch ròi giữa chủ trương của tập đoàn này với động cơ cá nhân của nhân viên làm việc cho tập đoàn.
Bởi vậy, cuộc thập tự chinh nói trên xem ra là kết quả của tình trạng “tình gian, lý gian” hoặc ít nhất thì cũng “tình dẫu có ngay, lý vẫn gian” ở phía Mỹ và những nước kia.
Từ câu chuyện tập đoàn Huawei trở thành mục tiêu tấn công của các nước kia có thể thấy ra được 4 điều sẽ chi phối mối quan hệ hợp tác giữa họ với Trung Quốc trong thời gian tới.
Thứ nhất, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các đối tác này với Trung Quốc đã diễn biến quyết liệt đến mức giá nào cũng sẵn sàng được trả và phương cách nào cũng đều có thể được vận dụng, đúng như câu ngạn ngữ “Mục đích thần thánh hoá công cụ” của Phương Tây.
Sau thời kỳ “thúc đẩy quan hệ chính trị để khai thác và tận dụng tiềm năng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư”, hai bên giờ dường như chuyển sang thời kỳ “thích ứng hoá quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư vào cuộc cạnh tranh chiến lược”.
Sự chuyển đổi thời kỳ này hạn chế sự phát triển của toàn bộ các mối quan hệ giữa hai bên, gia tăng lo ngại về nhau và nghi kỵ lẫn nhau, tạo ra giới hạn cho mối quan hệ hợp tác nói chung.
Thứ hai, cách thức các đối tác này “truy sát Huawei” và nhằm vào Trung Quốc trong thực chất là một kiểu bảo hộ thị trường nội địa trước sự xâm nhập, chinh phục và chi phối thị trường này, tức là cạnh tranh không lành mạnh và công bằng trong điều kiện của toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại và hợp tác quốc tế. Nó là một kiểu thực thi chủ nghĩa bảo hộ núp dưới danh nghĩa đảm bảo an ninh quốc gia.
Thứ ba, Trung Quốc không chỉ bị một đối tác hay từng đối tác riêng rẽ mà bị cả liên quân nhiều đối tác cùng cạnh tranh chiến lược. Họ có cùng quan điểm và lập luận cũng như phối hợp hành động. Những gì xảy ra với Huawei đã tạo tiền lệ chẳng hay ho gì đối với Trung Quốc nói chung và đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc nói riêng trên thị trường của các đối tác kia.
Thứ tư, tiền lệ nói trên sẽ không dừng lại ở tiền lệ mà rồi sẽ trở thành thông lệ. Vì cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các đối tác này với Trung Quốc sẽ còn dài dài chứ không chấm dứt nên không chỉ vụ việc với Huawei còn kéo dài mà sau đấy hoặc tới đây thôi sẽ là mắc mớ mới khác giữa hai bên.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
theo Trí Thức Trẻ